HoREA đề xuất sửa quy định cấm cho thuê lưu trú ngắn ngày trong chung cư qua Airbnb
Ngày 21/4, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có công văn gửi Sở Xây dựng và UBND TP.HCM góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 26/2025/QĐ-UBND liên quan đến mô hình lưu trú ngắn ngày trong chung cư theo ứng dụng Airbnb.

HoREA cho rằng việc cấm sử dụng chung cư “cho thuê lưu trú ngắn ngày” theo ứng dụng Airbnb tại TP.HCM đã gây khó khăn rất lớn cho các chủ sở hữu căn hộ chung cư.
Theo HoREA, mô hình cho thuê căn hộ chung cư ngắn hạn qua ứng dụng Airbnb (AirBed and Breakfast) chủ yếu phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu lưu trú đông người, tự do hơn khách sạn, có thể tự nấu ăn, giặt giũ với chi phí hợp lý và tiện lợi.
Đồng thời, ứng dụng Airbnb đã kết nối hiệu quả giữa bên cho thuê và người thuê, góp phần tăng nguồn cung cơ sở lưu trú ngắn hạn, thúc đẩy du lịch và tạo việc làm cho người lao động.
HoREA cho biết, ứng dụng Airbnb đã phát triển mạnh trên toàn cầu trong 15 năm qua và phổ biến tại Việt Nam từ năm 2015, góp phần mở rộng thị trường lưu trú ngắn hạn. Trong đó, chủ yếu là căn hộ chung cư, bên cạnh có nhà phố và biệt thự.
Theo HoREA, Airbnb đã đóng góp tích cực vào sự bùng nổ du lịch, đồng thời đáp ứng nhu cầu thuê nhà ngắn hạn của khách quốc tế và người dân trong nước.
Theo tính toán của HoREA, nếu mỗi căn hộ cho thuê có giá bình quân 5 tỷ đồng, tổng giá trị đầu tư đạt khoảng 43.700 tỷ đồng (tương đương 1,74 tỷ USD). Trường hợp vay tín dụng 70% với lãi suất 9%/năm, tổng dư nợ sẽ khoảng 30.590 tỷ đồng và lãi vay phải trả vào khoảng 2.753 tỷ đồng mỗi năm.
HoREA cho rằng, việc cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích “cho thuê lưu trú ngắn ngày” qua Airbnb từ ngày 27/2/2025 đã gây nhiều khó khăn cho chủ sở hữu. Họ phải bồi thường hợp đồng đã ký, mất nguồn khách du lịch, giảm thu nhập dẫn đến khó khăn trong trả lãi vay, trả nợ ngân hàng.
Nhiều người buộc phải giảm giá cho thuê và chuyển sang cho thuê dài hạn, nhưng với quy mô lên tới 8.740 căn hộ, việc tìm khách dài hạn là thách thức lớn.
Đồng thời, HoREA cũng nhận thấy, nếu mỗi căn hộ chung cư "cho thuê lưu trú ngắn hạn" thuê 1-2 người phục vụ thì tạo việc làm cho 8.740-17.480 người lao động, mà việc không còn được cho thuê theo ứng dụng Airbnb hoặc chuyển sang cho thuê căn hộ dài hạn thì số lao động này bị mất việc.
HoREA nhận định, việc cấm sử dụng căn hộ chung cư để cho thuê lưu trú ngắn ngày qua ứng dụng Airbnb tại TP.HCM sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường cho thuê lưu trú ngắn hạn, làm suy giảm khả năng thu hút khách du lịch và người vãng lai, đồng thời giảm sức cạnh tranh của TP.HCM so với các địa phương khác.
Bên cạnh đó, quy định này có thể gây tác động không mong muốn đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.
Để giải quyết vấn đề vừa nêu, HoREA đề nghị Sở Xây dựng trình UBND TP.HCM xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Quyết định 26/2025/QĐ-UBND ngày 27/2/2025.
Đồng thời, HoREA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung phần “giải thích từ ngữ” đối với khái niệm “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở” hoặc "sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở", nhằm thống nhất nhận thức và thuận tiện trong việc thực thi Luật Nhà ở 2023.