Xác lập 'bản đồ chiến lược' để triển khai Quy hoạch Thủ đô

Thành phố Hà Nội đang đứng trước cơ hội để định hình một đô thị hiện đại, bền vững và đáng sống. Với Quyết định số 2059-QĐ/UBND, Ủy ban nhân dân thành phố đã khởi động kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô). Kế hoạch này được coi là 'bản đồ chiến lược' của thành phố nhằm thực hiện đồng bộ, xác định nguồn lực để hiện thực hóa quy hoạch.

Ngày 15/4, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2059-QĐ/UBND về kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô đặt ra 20 chỉ tiêu, 70 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 227 nội dung công việc và 201 dự án ưu tiên. Đây là lộ trình tham vọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và địa phương. Theo Tiến

sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, việc đồng bộ hóa quy hoạch đô thị, nông thôn và chuyên ngành là yếu tố sống còn để Hà Nội tránh tình trạng phát triển manh mún, thiếu kết nối. Một hệ thống quy hoạch thống

nhất sẽ tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra đô thị hài hòa.

Tại kế hoạch này, thành phố yêu cầu rà soát, điều chỉnh và bãi bỏ các quy hoạch lạc hậu, bảo đảm tính thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia và vùng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Thành phố không chấp nhận quy hoạch chồng chéo hay lỗi thời cản trở sự phát triển. Hà Nội cần một hệ thống quy hoạch linh hoạt, đồng bộ và thích ứng với các biến động tương lai”.

Một vấn đề cần chú trọng đó là sự phối hợp với các bộ, ngành Trung ương. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam lưu ý: “Sự thiếu gắn kết giữa Quy hoạch Thủ đô và quy hoạch quốc gia có thể gây xung đột lợi ích hoặc lãng phí nguồn lực. Hà Nội cần đề xuất cơ chế phối hợp minh bạch để bảo đảm tính khả thi”. Lưu ý điều này, nên tại kế hoạch mới ban hành, thành phố yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành trung ương) thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô, các quy hoạch đô thị, nông thôn và các quy hoạch của thành phố.

Công tác phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương cũng được đặt ra đối với việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách trung ương trên địa bàn thành phố, Vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng. Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công để tạo tác động lan tỏa, dẫn dắt thu hút vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Để hiện thực hóa các ý tưởng lớn của đồ án Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội cần vượt qua những thách thức lớn về quản lý, huy động vốn và bảo đảm tính đồng bộ trong quy hoạch. Thành phố sẽ tập trung huy động đa dạng nguồn lực, từ ngân sách công đến vốn đầu tư tư nhân và quốc tế, tận dụng các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô. Việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất đai khi phát triển hạ tầng được xem là giải pháp đột

phá. Thành phố cũng đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và các gói vay ODA, đặc biệt cho các dự án đường sắt đô thị. Trong đó, các

khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm logistics, khu đô thị mới và nhà ở xã hội khu công nghiệp và trung tâm du lịch được xác định là điểm nhấn để thu hút dòng vốn lớn.

Tại kế hoạch vừa ban hành, thành phố xác định rõ, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước có công nghệ tiên tiến, có nguồn vốn lớn, có cam kết gắn bó lâu dài với thành phố, nhất là trong những ngành kinh tế trụ cột của Thủ đô. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thành phố cần đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, minh bạch về quy hoạch và định hướng phát triển của thành phố, các ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu, Hà Nội cần hành động quyết liệt, từ đồng bộ hóa quy hoạch, huy động hiệu quả nguồn lực đến giải quyết các thách thức về hạ tầng và môi trường. Trong đó, cân đối nguồn lực tài chính trong bối cảnh ngân sách hạn chế là thách thức lớn. Tiến sĩ Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế nhận định: “Hà Nội cần cơ chế minh bạch và hấp dẫn để nhà đầu tư tư nhân không e ngại rủi ro pháp lý. Việc sử dụng vốn ODA phải được quản lý chặt chẽ để tránh gánh nặng nợ công”.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 không chỉ là kế hoạch phát triển đô thị mà còn là cam kết cho tương lai bền vững, nơi người dân được sống trong môi trường hiện đại, tiện nghi và hài hòa với thiên nhiên. Quy hoạch tạo cơ hội để

định hình tương lai xứng đáng với vị thế của thành phố. Các bước đi chiến lược được xác định trong kế hoạch tạo nên sự kỳ vọng, tin tưởng về khả năng thực thi, hiện thực hóa đồ án quy hoạch.

MINH THU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xac-lap-ban-do-chien-luoc-de-trien-khai-quy-hoach-thu-do-post874236.html