HoREA kiến nghị giảm các điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp bất động sản
Kiến nghị với đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội tổ chức sáng nay (13/11), ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét 'nới một chút' các 'điều kiện vay vốn' đối với bất động sản.
Cụ thể, theo ông Châu, các "điều kiện vay vốn" của Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được giữ nguyên từ năm 2016 đến nay đã cho thấy tính hợp lý và ổn định của quy phạm pháp luật này.
Nhưng trên thực tế, cách hiểu và thực hiện của các ngân hàng thương mại lại khác nhau về việc áp dụng các "điều kiện vay vốn", đặc biệt là điều kiện "nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp", "có phương án sử dụng vốn khả thi" (tại khoản 3) và "có khả năng tài chính để trả nợ".
Ở cả 3 điều kiện vay vốn này trong thực tế phát sinh nhiều bất cập, trong đó bất cập lớn nhất là hầu như các ngân hàng thương mại đều chưa thực hiện được công tác "thẩm định tính khả thi của dự án đầu tư", nhất là dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở thương mại để thực hiện điều kiện người vay vốn tín dụng "có phương án sử dụng vốn khả thi".
Trong khi đó, hầu như các ngân hàng thương mại đều cho vay tín dụng "có tài sản bảo đảm", nên nếu không thẩm định được tính khả thi của dự án đầu tư thì gần như sẽ không tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng.
Tương tự, cũng bởi chỉ quan tâm nhiều đến "tài sản thế chấp" cho khoản vay thay vì đánh giá khả năng tạo ra "dòng tiền" của dự án bất động sản, nhà ở thương mại để chứng minh điều kiện khách hàng vay tín dụng "có khả năng tài chính để trả nợ" nên không phải dự án nào, chủ đầu tư nào cũng đáp ứng được điều kiện "có khả năng tài chính để trả nợ".
Trong tình hình thị trường bất động sản vẫn còn đang rất khó khăn hiện nay, Chủ tịch HoREA đã đề xuất "nới" một số tiêu chuẩn.
Cụ thể, đối với dự án đã có "Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư", Hiệp hội đề nghị ngân hàng thương mại có thể cho chủ đầu tư được vay tín dụng "để bù đắp tài chính" với khoản vay không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án.
Đối với dự án đã có "Giấy phép xây dựng" và đã khởi công xây dựng thì Hiệp hội đề nghị ngân hàng thương mại có thể xem xét cho chủ đầu tư được vay tín dụng "để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh" với khoản vay không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.
Hiệp hội đề nghị ngân hàng thương mại không yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp Văn bản thẩm định "thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở" hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án, trừ trường hợp chủ đầu tư tự mình cung cấp để chứng minh năng lực hoặc để làm tài sản thế chấp.
Bên cạnh quy định "Tổ chức tín dụng phải tổ chức xét duyệt cấp tín dụng theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng", HoREA đề xuất bổ sung quy định "khách hàng thỏa thuận với tổ chức tín dụng thuê đơn vị tư vấn độc lập thực hiện thẩm định tính khả thi của dự án đầu tư; chi phí thẩm định do khách hàng thanh toán", để làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xét duyệt cấp tín dụng.
“Cơ chế này rất phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, có năng lực tài chính và có dự án đầu tư quy mô lớn”, ông Châu nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề về điều kiện vay tín dụng, đại diện Novaland kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN, giúp tổ chức tín dụng có thể sử dụng tối đa 34% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn như hiện giờ, thay vì 30%.
Từ đó, sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân, mà vẫn không gây rủi ro về an toàn cho hệ thống tín dụng.