HoSE lộ nhiều yếu kém về quản trị
Ðể giảm tải cho hệ thống giao dịch, một số quyết định điều hành của Sở Giao dịch Chứng Khoán TPHCM (HoSE) thời gian qua đưa ra: nâng lô, kiểm soát hủy/sửa lệnh. Quyết định này bị nhà đầu tư phản đối gay gắt vì không cho thấy tính hiệu quả, nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng nề trong nhiều tháng. Từ sự cố nghẽn lệnh, những bất cập, yếu kém của của HoSE càng lộ rõ.
Nhà đầu tư lo ngại tính minh bạch, công bằng trên thị trường chứng khoán
Các công ty chứng khoán (CTCK) hiện nay đang vừa kinh doanh chứng khoán vừa môi giới, do đó, gây nghi ngại cho nhà đầu tư. Ngày 10/6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán (VASB) đánh giá, sự cố nghẽn lệnh của HoSE tất yếu ảnh hưởng đến thị trường, nhà đầu tư, tuy nhiên vấn đề chỉ là trước mắt và đã có giải pháp khắc phục. Ông Kỳ bày tỏ tin tưởng, tháng 7/2021, hệ thống FPT đi vào hoạt động sẽ giải quyết đươc sự cố của HoSE.
Về việc các CTCK tạm dừng hủy/sửa lệnh trong vài ngày qua, ông Kỳ cho rằng, đây là bất đắc dĩ, nhà đầu tư không nên vì thế mà rút khỏi thị trường. Tham gia vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư, CTCK là hai chủ thể gắn với nhau, điều tiết cùng thị trường. Sau sự phản đối quyết liệt của các nhà đầu tư, từ ngày 9/6, các CTCK cho phép nhà đầu tư hủy/sửa lệnh trở lại. Trước đó, nhiều ý kiến nghi ngờ tính minh bạch, công bằng của thị trường, khi nhóm CTCK lớn sớm hết chỉ tiêu lệnh được phân bổ, tạm dừng tính năng hủy, sửa lệnh, không ít nhà đầu tư chuyển sang giao dịch ở nhóm công ty nhỏ. Mặt khác, nhà đầu tư lo ngại giao dịch của khối tự doanh tại các CTCK khó tuân thủ nguyên tắc trên.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng, lo ngại của nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, vừa qua vẫn có CTCK cho phép hủy/sửa lệnh, còn lại hầu hết là không. Những người có thể hủy sửa lệnh được hưởng lợi khi có quyền chủ động trong giao dịch, còn đại đa số các nhà đầu tư khác chịu thiệt hại lớn về kinh tế.
Ông Ngọc đề xuất đưa vào luật quy định: CTCK thực hiện hoạt động tự doanh phải thông qua công ty đầu tư chứng khoán, là công ty con, hoạt động, hạch toán độc lập. Mô hình công ty đầu tư chứng khoán đã có trong luật, nhưng trên thị trường chưa có công ty nào hoạt động.
Cần thay đổi mô hình quản trị
Chia sẻ với PV Tiền Phong ngày 10/6, TS. Vũ Bằng (nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN) nhận định, trách nhiệm cuối cùng trong sự cố hệ thống giao dịch của HoSE là chủ đầu tư, còn cơ quan quản lý có nhiệm vụ giám sát, theo dõi. Ông Bằng cho biết, UBCKNN không quản lý tài sản, vốn của các sở. Hệ thống giao dịch được tạo dựng cho cả 3 thị trường nên quá trình triển khai rất khó. Lúc xây dựng không thể lường hết, khi triển khai mới thấy vấn đề. Hệ thống xảy ra sự cố, người đứng đầu HoSE có trách nhiệm đầu tiên, nhưng chủ đầu tư mới là người quyết định.
Ông Bằng đánh giá, việc xây hệ thống giao dịch mới của KRX đã lên đến “ngọn”, có thể đưa vào vận hành vào đầu năm sau. Còn hệ thống của FPT trong tháng 7 có thể sử dụng. Tuy nhiên, công nghệ khó nói trước.
Là người đi cùng thị trường chứng khoán từ ngày đầu thành lập, ông Bằng thông cảm với nhiều cái khó của người trong cuộc, triển khai chậm một phần...do cơ chế. “Trước đây, UBCKNN nhiều lần rơi vào thế khó, khi 3 nơi 3 chủ đầu tư, không thể thống nhất, vướng mắc thảo thuận kéo dài”, ông Bằng nói.
Nguyên Chủ tịch UBCKNN đề xuất cần sớm có lộ trình cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán, áp dụng mô hình quản trị mới. “Sở giao dịch chứng khoán là đối tác yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết xây dựng mô hình quản trị tốt thì nên có mô hình quản trị tiên tiến. Lộ trình cổ phần hóa phải theo từng bước, đầu tiên là cổ phần hóa vài phần trăm cho thành viên để đổi mới mô hình quản trị”, ông Bằng kiến nghị.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hose-lo-nhieu-yeu-kem-ve-quan-tri-post1344934.tpo