Houthi có thể đã thu được bom 'Xuyên bão' tối tân của Mỹ
Một quả bom GBU-53/B StormBreaker tiên tiến của Mỹ được tìm thấy trong tình trạng nguyên vẹn ở Yemen, có khả năng đã bị lực lượng Houthi thu giữ.

Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), cơ quan đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, hồi tháng trước công bố hình ảnh tiêm kích hạm F/A-18F mang bom GBU-53/B khi làm nhiệm vụ tập kích mục tiêu Houthi tại Yemen. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bom StormBreaker đã bắt đầu thực chiến.

Hình ảnh đăng trên mạng xã hội ngày 25/4 cho thấy một quả bom dẫn đường GBU-53/B, còn có biệt danh là "StormBreaker" (Xuyên bão), đang nằm trên mặt đất ở khu vực nghi là tỉnh Shabwah, đông nam Yemen. Dường như lớp cát dày đã giảm lực va chạm, khiến quả bom còn nguyên vẹn khi lao xuống đất.

"Chưa rõ điều gì đã xảy ra với quả StormBreaker, nhưng mức độ hư hại nhẹ cho thấy nhiều khả năng nó gặp trục trặc kỹ thuật, không phải bị đối phương bắn hạ", cây bút Thomas Newdick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận xét.

Bộ Quốc phòng Mỹ và nhóm vũ trang Houthi chưa lên tiếng về thông tin.

Bom GBU-53/B StormBreaker, trước đây gọi là Bom đường kính nhỏ II (SDB-II), là một loại bom phóng từ trên không được dẫn đường có độ chính xác cao.

Công dụng chính của loại bom này là tấn công các mục tiêu đang di chuyển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Theo thông báo từ nhà sản xuất, bom thông minh GBU-53/B StormBreaker được tích hợp vào tổ hợp vũ khí bán tự động có độ chính xác cao mang tên Golden Horde và được thiết kế để "phá vỡ mọi luật chơi".
Dự án bom dẫn đường StormBreaker được tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ triển khai từ năm 2006 và đưa vào biên chế năm 2020.

GBU-53/B có thể lựa chọn độc lập mục tiêu theo mức độ ưu tiên về khả năng tiêu diệt và cho phép điều chỉnh lộ trình của máy bay mang bom.

Điểm ưu việt của GBU-53/B StormBreaker đó là nó có khả năng tấn công mục tiêu cơ động trong điều kiện thời tiết xấu, nó được coi là vũ khí săn xe tăng thông minh thế hệ mới.

Quả bom lượn có cánh này sẽ tự động phát hiện và phân loại các mục tiêu cơ động di chuyển trong tình huống tầm nhìn kém do tối trời, thời tiết xấu, khói hoặc bụi do yếu tố chiến trường tạo nên.

Nhà sản xuất khẳng định bom StormBreaker mang tính cách mạng trong việc tìm kiếm mục tiêu nhờ chế độ dò tìm bằng cách sử dụng đầu dò hồng ngoại và sóng milimet hình ảnh ở chế độ bình thường.

Bên cạnh đó, vũ khí này cũng có thể được dẫn đường thông qua bám chùm tia laser hoặc hệ thống định vị toàn cầu GPS để tăng khả năng đánh trúng mục tiêu.

Bom thông minh GBU-53B StormBreaker có kích thước nhỏ, cho phép một máy bay mang được nhiều đạn, khiến cho phải huy động ít chiến đấu cơ hơn mà vẫn tiêu diệt cùng số lượng mục tiêu.
Không quân Mỹ từng tiết lộ StormBreaker có thể đánh trúng mục tiêu cố định và di động ở khoảng cách lần lượt 110 km và 70 km.

Mỗi chiếc máy bay có thể mang theo hàng chục quả bom lượn GBU-53/B StormBreaker trong mỗi lần xuất kích.
Ngay cả một chiếc chiến đấu cơ F-35 cũng có thể mang theo 24 quả bom GBU-53/B StormBreaker, 8 quả bên trong khoang bụng và 16 quả bên ngoài, trong khi đó những tiêm kích như F-15E sẽ mang được nhiều hơn.
Phiên bản trước của GBU-53/B StormBreaker là GBU-39 SDB I do Boeing sản xuất, sử dụng công nghệ có độ chính xác tương tự nhưng thiếu thiết bị tìm kiếm mục tiêu di động tiên tiến.
GBU-39 được sử dụng với vai trò là một vũ khí sát thương thấp, thường là trong môi trường đô thị, trong khi đó GBU-53/B StormBreaker lại có thể sử dụng cho đa mục đích.
Đây sẽ là vũ khí cực mạnh trang bị tiêu chuẩn trên các chiến đấu cơ của Mỹ và đồng minh.