Houthi: Từ phong trào tôn giáo đến mối đe dọa Biển Đỏ
Lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen liên tiếp tập kích tàu thuyền hoạt động trên Biển Đỏ nhằm ủng hộ các chiến binh người Palestine, gây áp lực buộc Israel chấm dứt chiến dịch quân sự tại Dải Gaza.
Căng thẳng leo thang, Mỹ đã thành lập liên quân để bảo vệ tự do hàng hải trên tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới. Các cuộc tập kích đường không của liên quân đang châm ngòi nổ mới cho ngọn lửa chiến tranh lan rộng trong một khu vực vốn chứa đựng quá nhiều bất ổn.
“Những người ủng hộ Chúa”
Houthi, còn được biết đến với tên gọi chính thức là Ansarallah (Những người ủng hộ Chúa), là một trong những bên tham gia cuộc nội chiến Yemen đã kéo dài gần một thập kỷ. Lực lượng này nổi lên từ những năm 1990 khi thủ lĩnh Hussein Al-Houthi phát động phong trào phục hưng tôn giáo “Thanh niên đức tin” (Believing Youth) cho Zaidi, một nhánh nhỏ của dòng Hồi giáo Shia.
Người Zaidi theo dòng Hồi giáo Shia cai trị Yemen trong nhiều thế kỷ nhưng bị gạt ra ngoài lề khi dòng Hồi giáo Sunni lên nắm quyền sau cuộc nội chiến năm 1962. Phong trào do Hussein Al-Houthi thành lập đại diện cho người Zaidi và chống lại chủ nghĩa Sunni cực đoan, đặc biệt là tư tưởng Wahhabi từ Arab Saudi.
Ali Abdullah Saleh, người trở thành tổng thống đầu tiên của Yemen sau khi thống nhất hai miền Bắc và Nam năm 1990, ban đầu ủng hộ phong trào “Thanh niên đức tin”. Nhưng Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã nhận thấy mối đe dọa trước tầm ảnh hưởng ngày càng tăng cùng quan điểm chống chính phủ của phong trào này.
Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm vào năm 2003 khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh ủng hộ Mỹ tấn công Iraq bất chấp sự phản đối của nhiều người Yemen. Trong bối cảnh rạn nứt, Hussein Al-Houthi đã tận dụng sự phẫn nộ của người dân để tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ. Sau nhiều tháng hỗn loạn, Tổng thống Ali Abdullah Saleh ra lệnh bắt giữ Hussein Al-Houthi. Thủ lĩnh Houthi bị lực lượng chính phủ Yemen tiêu diệt vào tháng 9-2004 nhưng phong trào của ông vẫn tồn tại cùng sự phát triển lớn mạnh của cánh vũ trang.
Năm 2011, Houthi đóng vai trò quan trọng trong việc châm ngòi cho “Cách mạng Yemen” vốn ra đời từ làn sóng biểu tình và nổi dậy chống chính phủ còn được biết đến với tên gọi “Mùa xuân Ả Rập”. Cuộc cách mạng dẫn đến quá trình chuyển giao quyền lực nhưng Houthi không hài lòng với các nhà lãnh đạo mới được bổ nhiệm.
Cuối năm 2014, Houthi huy động lực lượng tấn công và giành quyền kiểm soát thủ đô Sanaa, buộc Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi phải lưu vong ở Arab Saudi. Trước đề nghị trợ giúp từ chính phủ Yemen khi đó, liên minh do Arab Saudi dẫn đầu đã can thiệp vào quốc gia này năm 2015 với mục tiêu hỗ trợ Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi khôi phục quyền lực. Xung đột giữa hai bên đối lập khiến Yemen sa lầy trong cuộc nội chiến đã kéo dài gần một thập kỷ, đẩy quốc gia này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới theo đánh giá của Liên hợp quốc hồi tháng 3-2023.
Nội chiến Yemen hạ nhiệt năm 2022 khi Liên hợp quốc làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa các bên tham chiến. Những điều kiện của thỏa thuận ngừng bắn phần lớn đã được giữ nguyên, nhưng Mỹ lo ngại ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas có thể khiến sự thù địch bùng phát trở lại.
Biển Đỏ “dậy sóng”
Phong trào Houthi được Iran hậu thuẫn như một phần của sự đối địch lâu năm với Arab Saudi. Không lâu sau khi lực lượng Hamas ở Dải Gaza phát động tấn công lãnh thổ Israel với quy mô chưa từng có, Abdul Malik Al-Houthi thủ lĩnh hiện tại của Houthi tuyên bố, phong trào này “sẵn sàng điều động hàng trăm nghìn chiến binh để cùng người dân Palestine đối đầu kẻ thù”.
Sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho người Palestine đã lan rộng trên khắp Trung Đông, bao gồm cả ở Yemen. Theo các nhà phân tích, Houthi tự nhận là người bảo vệ người Palestine, đồng thời, tìm cách củng cố vị thế trong số những lực lượng được Iran hậu thuẫn ở khu vực.
Trong những giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc nội chiến Yemen, Houthi đã tích trữ máy bay không người lái cải tiến, đạn dược tiên tiến và tên lửa chống hạm do Iran cung cấp để phục vụ mục đích tấn công liên minh do Arab Saudi dẫn đầu. Mặc dù, vẫn bị áp đảo về sức mạnh quân sự nhưng phong trào này đã có thể tiến hành những cuộc tấn công hiệu quả nhằm vào các tàu chở dầu của Arab Saudi, gây gián đoạn “dòng chảy” dầu và các tài nguyên khác.
Theo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, sau khi xung đột bùng phát tại Dải Gaza, Houthi đã tái áp dụng chiến lược này bằng cách tấn công các tàu hoạt động trên tuyến thương mại hàng hải ở Biển Đỏ và Vịnh Aden.
Houthi tuyên bố, những cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại và quân sự có liên kết với Israel chủ yếu nhằm mục đích gây áp lực buộc quốc gia này chấm dứt chiến dịch quân sự tại Dải Gaza, theo Aljazeera. Kể từ tháng 11-2023, phong trào này đã tiến hành hàng chục đợt tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào các tàu hoạt động ở Biển Đỏ và Vịnh Aden.
Căng thẳng leo thang vào ngày 19-11-2023, thời điểm Houthi huy động trực thăng bắt giữ tàu chở hàng Galaxy Leader do một công ty Nhật Bản điều hành nhưng có mối liên hệ với một doanh nhân người Israel. Mohammed Abdulsalam, phát ngôn viên của Houthi khẳng định, các tàu có liên quan đến Israel sẽ tiếp tục trở thành mục tiêu cho đến khi chiến dịch quân sự chống lại lực lượng Hamas ở Dải Gaza kết thúc.
Dù Mỹ và Israel ngăn chặn hầu hết các đợt tập kích của Houthi nhưng nhiều công ty vận tải biển vẫn quyết định bỏ qua một trong những tuyến vận tải hàng hải đông đúc nhất thế giới. Tuy nhiên, việc chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi khiến thời gian và những chi phí liên quan như vận hành hoặc bảo hiểm tăng vọt.
Dữ liệu phân tích của công ty hậu cần toàn cầu DSV cho thấy, chi phí vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez đã tăng hơn 300% kể từ tháng 11-2023. Chỉ số vận tải container Thượng Hải (SCFI), thước đo chi phí phổ biến nhất, tăng từ 2.871 USD/container lên mức 3.101 USD/container. Để bù đắp, các công ty vận tải có thể đẩy chi phí vận chuyển phát sinh sang người tiêu dùng, khiến giá cả lại tăng vào thời điểm nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang vật lộn kiềm chế lạm phát sau ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19.
Phản ứng của Mỹ
Ngày 18-12-2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố thành lập Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng, một liên minh bao gồm các lực lượng của Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italia, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha nhằm mục đích bảo đảm tự do hàng hải, tăng cường an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Sau khi liên minh được thành lập, các tàu chiến của Mỹ và Anh đã đánh chặn nhiều tên lửa và máy bay không người lái của Houthi trước khi chúng tiếp cận mục tiêu. Ngày 11-1, liên quân Mỹ và Anh tiếp tục triển khai tấn công các vị trí của Houthi ở Yemen. Trong một tuyên bố, Trung tướng Alex Grynkewich, chỉ huy Bộ Tư lệnh trung tâm của Không quân Mỹ cho biết, chiến dịch đã tấn công hơn 60 mục tiêu tại 16 địa điểm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, động thái là phản ứng cần thiết trước những đợt tấn công do Houthi thực hiện.
“Tôi sẽ không ngần ngại chỉ đạo các biện pháp tiếp theo để bảo vệ người dân và dòng chảy tự do thương mại quốc tế khi cần thiết”, Washington Post dẫn tuyên bố của Tổng thống Joe Biden.