HS e dè chọn Công nghệ kỹ thuật hóa học vì nghĩ phải tiếp xúc với hóa chất
Ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học là một trong những ngành công nghiệp có thị trường lao động tiềm năng với nhiều cơ hội việc làm tại các lĩnh vực khác nhau.
Trong xu thế đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học ngày càng giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực của công nghiệp và đời sống như công nghiệp chế biến dầu mỏ, công nghiệp hóa chất, lĩnh vực dược, mỹ phẩm, sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa, công nghiệp chế biến và bảo quản thực phẩm….
Sinh viên chưa thật sự hiểu hết tính chất của ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Công Ngọc Thắng -Trưởng bộ môn Lọc - Hóa dầu (Trường Đại học Mỏ - Địa chất) cho biết, hiện nay bộ môn đang trực tiếp quản lý 2 ngành đào tạo là Công nghệ Kỹ thuật Hóa học (đào tạo bằng tiếng Việt) và Kỹ thuật Hóa học (Chương trình tiên tiến, đào tạo bằng tiếng Anh - liên kết với Đại học California tại Davis, Hoa Kỳ).
Về kiến thức của ngành này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Linh, Phó trưởng bộ môn Lọc - Hóa dầu, Trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ, sinh viên sẽ được học 3 khối kiến thức, kiến thức đại cương và kiến thức cơ sở ngành. Sau khi có kiến thức đại cương và kiến thức cơ sở ngành, sinh viên sẽ đi vào học khối kiến thức chuyên ngành.
Về khối kiến thức chuyên ngành, gồm có 3 chuyên ngành: Lọc- Hóa dầu, Kỹ thuật Polyme, Kỹ thuật Hóa thực phẩm. Chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học tại Trường Đại học Mỏ- Địa chất được xây dựng tiệm cận với các chương trình của các trường đại học trong khu vực và thế giới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Website Trường Đại học Mỏ - Địa chất).
Bên cạnh đó, sinh viên cần trang bị các kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp và kỹ năng mềm thích nghi với môi trường làm việc hiện đại, đa ngành và môi trường quốc tế.
Chương trình đào tạo của trường đều có bề dày và đi sâu vào phần công nghệ nhiều hơn, chính vì vậy, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu về công nghệ trong kỹ thuật hóa học.
Cùng với đó, nhà trường cũng đào tạo chuyên sâu về một số chuyên ngành như Lọc - Hóa dầu, công nghệ chế biến khí, nhà trường cũng có liên kết với một số trường đại học ở Mỹ để có thể cập nhật các kiến thức và chương trình mới cho ngành này.
Cùng bàn về ngành học này, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học là ngành nghề cốt lõi trong nền kinh tế.
Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học được đào tạo các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ kỹ thuật hóa học để nghiên cứu, phát triển, sản xuất, quản lý chất lượng và kinh doanh các sản phẩm phục vụ công nghiệp và đời sống.
Bên cạnh đó, đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức lý thuyết vững chắc, có kỹ năng thực hành thuần thục, có năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề liên quan ngành công nghệ kỹ thuật hóa học ; sức khỏe tốt; yêu nghề và có trách nhiệm nghề nghiệp; thích nghi với môi trường làm việc.
Tuy nhiên vì là ngành học đặc thù nên còn gặp phải một số thách thức trong tuyển sinh, cô Linh chia sẻ, những năm 2019 trở về trước, tuyển sinh ngành này khá thuận lợi, thu hút được nhiều người học. Tuy nhiên từ sau năm 2019 trở lại đây thì số lượng thí sinh quan tâm đến các ngành Kỹ thuật nói chung có sự giảm sút.
Lý giải về việc nhóm ngành này có sự sụt giảm về số lượng người theo học, Tiến sĩ Nguyễn Thị Linh chỉ ra 3 nguyên nhân cơ bản.
Một là, theo xu hướng chọn ngành nghề của sinh viên, khối kỹ thuật là những ngành đặc thù nên ít người chọn học, khi nghe tên ngành mọi người thường nghĩ sẽ làm những việc vất vả hơn so với khối ngành xã hội.
Hai là, trước đây chỉ có một số ít trường đào tạo ngành này, tuy nhiên hiện nay đã có nhiều trường tuyển sinh ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, vì vậy, thí sinh có có đa dạng lựa chọn và tạo nên sự cạnh tranh trong tuyển sinh giữa các cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, với sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới, thí sinh cũng có nhiều sự lựa chọn hơn nên thường bỏ qua khối kỹ thuật mà tham gia nhiều vào khối ngành kinh tế, xã hội.
Còn theo thầy Sơn, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học là ngành đặc thù, chính vì vậy, sinh viên cần có kiến thức nền tảng tốt về Toán, Hóa học, Vật lý. Ngành học này có nhiều môn học lý thuyết và thực hành, đòi hỏi sinh viên phải có khả năng học tập tốt và chịu khó.
Bên cạnh đó một số thí sinh còn e ngại về tính chất học tập và môi trường làm việc của ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, do chưa thật sự hiểu hết tính chất công việc của ngành nghề.
Cơ hội việc làm đa dạng
Bàn về cơ hội việc làm của ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, theo thầy Sơn, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, từ sản xuất hóa chất đến công nghệ môi trường và y tế. Do đó, nhu cầu nhân lực trong ngành này thường cao và đa dạng.
Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ và ngành công nghiệp ngày càng tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, sạch và bền vững.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở những vị trí như: Kỹ sư công nghệ, quản lý điều hành tại các nhà máy, cơ sở sản xuất (quản lý sản xuất, giám sát công nghệ, vận hành dây chuyền công nghệ, nghiên cứu cải tiến sản xuất, quản lý nhà máy, quản lý chất lượng sản phẩm, quản trị doanh nghiệp);
Sinh viên tốt nghiệp cũng có thể làm việc tại các đơn vị thiết kế, thi công, lắp đặt, quản lý dự án liên quan đến hóa chất, thực phẩm, dầu khí, mỹ phẩm, môi trường…
Còn theo cô Linh, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong và ngoài nước, không chỉ trong lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật hóa học mà còn nhiều lĩnh vực liên quan khác.
Sinh viên Công nghệ Kỹ thuật Hóa học sau khi ra trường có thể trở thành kỹ sư công nghệ, kỹ sư vận hành, kỹ sư phân tích, tư vấn và chuyển giao công nghệ, kỹ sư nghiên cứu và phát triển sản phẩm, kỹ sư thiết kế, kỹ sư phòng thí nghiệm, kỹ sư kinh doanh, bán hàng, quản lý và tổ chức sản xuất tại các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, các bộ ngành, cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực hóa chất, dầu khí, hóa thực phẩm, vật liệu polyme…
Bàn về những giải pháp để thu hút sinh viên hơn cho ngành này, Trường Đại học Mỏ - Địa chất luôn không ngừng mở rộng cơ hội hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Anh, Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Malaysia, Thái Lan... Xây dựng mối quan hệ với các tập đoàn, viện nghiên cứu, công ty quốc tế trong lĩnh vực dầu khí, hóa chất.
Vì vậy, sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học của trường có nhiều cơ hội thực tập với các doanh nghiệp, trao đổi sinh viên cũng như nhận được học bổng sau đại học của các trường đại học ở nước ngoài.
Đối với chương trình ngành Kỹ thuật Hóa học đào tạo bằng tiếng Anh, sinh viên có cơ hội được học và trao đổi kiến thức với giáo sư nước ngoài, giảng viên chuyên ngành của một số trường đối tác.
Hàng năm, sinh viên các chuyên ngành Lọc- Hóa dầu, Kỹ thuật Polyme, Kỹ thuật Hóa thực phẩm có cơ hội nhận học bổng từ trường và các doanh nghiệp, tổ chức với các mức học bổng hấp dẫn.
Bên cạnh đó, sinh viên cũng có cơ hội thực tập có trả lương tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cơ hội nhận học bổng trao đổi sinh viên từ 3-6 tháng của các trường đại học tại các nước Châu Âu, Châu Á và Đông Nam Á.
Còn tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Sơn chia sẻ, hiện nhà trường đã ký kết với hơn 500 đối tác là các doanh nghiệp lớn và phù hợp với lĩnh vực đào tạo của Nhà trường.
Hàng năm nhà trường tổ chức 2 ngày hội việc làm để hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp và việc làm bán thời gian cho sinh đang học tại trường.
Ngoài ra, nhà trường còn có một trang web việc làm riêng để doanh nghiệp đăng tin miễn phí, sinh viên vào tìm việc miễn phí, tăng cơ hội nghề nghiệp cho các em.
Bạn Nguyễn Thị Diệu Quỳnh - sinh viên lớp 12DHHH3, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, vì là ngành có tên gọi rất đặc thù nên khi mới học nhiều sinh viên sẽ nghĩ phải học những kiến thức khá khó và phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Tuy nhiên trong quá trình học, mọi khó khăn đều được các thầy cô giải đáp, giúp đỡ về các nguyên tắc an toàn và hướng dẫn thực nghiệm nên qua một thời gian được học tập và trải nghiệm, theo Quỳnh, ngành này không đáng sợ mọi người vẫn nghĩ.
"Ngành học nào cũng có khó khăn riêng nên mỗi bạn sinh viên cần có niềm đam mê và niềm yêu thích với môn học của mình. Còn riêng với ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, để học tập tốt môn học này, sinh viên cần nghe giảng về các phương pháp làm việc, đặc tính của các hóa chất và cần trang bị kĩ các thao tác để thực hành với các thiết bị trong phòng thí nghiệm", Quỳnh chia sẻ.