HS tự chọn, 3 năm sau môn đó không thuộc tổ hợp xét tuyển ĐH, vậy làm sao?
Tất cả phải đồng bộ thì việc đổi mới giáo dục mới có thể thành công, nếu bây giờ chỉ dồn cho các trường phổ thông loay hoay chọn, chia tổ hợp môn thì cũng chưa đủ.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 áp dụng từ năm học 2022 - 2023, ngoài 7 môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn 5/9 môn. Theo đúng lý thuyết, sẽ có 108 cách chọn 5 môn này, tương đương 108 tổ hợp môn.
Dù học sinh được lựa chọn môn học, chương trình mới cho phép các nhà trường xây dựng tổ hợp môn học từ ba nhóm môn và chuyên đề, vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đã cho các em tự lựa chọn thì có tới 108 tổ hợp môn và nguy cơ "vỡ trận" là điều có thể dự báo. Việc xây dựng tổ hợp môn sao cho hài hòa giữa nguyện vọng của học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường là thách thức đặt ra cho các cơ sở giáo dục ở thời điểm này.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Theo đó, thầy Tùng nêu ra các khó khăn khi triển khai các tổ hợp môn học.
"Thứ nhất, thời gian để nhà trường xác định được tổ hợp dựa trên nguyện vọng của học sinh, việc này phải đợi sau khi tuyển sinh xong, và từ 1/8 bắt đầu vào học, như vậy thời gian không còn nhiều.
Thứ hai, để chia tổ hợp môn học cho học sinh, chúng tôi sẽ tính toán dựa vào khả năng đáp ứng của nhà trường, không thể để học sinh tự do lựa chọn 100% được, và chắc chắn cũng không có trường nào dám để cho học sinh tự lựa chọn môn học các em yêu thích. Nếu để học sinh tự do lựa chọn thì chắc chắn các trường sẽ “vỡ trận” vì không có khả năng đáp ứng nổi. Do đó, các nhà trường sẽ định hướng tổ hợp môn dựa trên những thế mạnh của trường mình.
Ví dụ: Hiện nay chúng tôi dự kiến tuyển sinh 10 lớp cho khối 10, nhưng với định hướng sắp xếp buổi sáng học chương trình 7 môn và ngoại ngữ 2 cùng một số môn khác, còn buổi chiều dành cho các môn học lựa chọn này. Học sinh đăng kí theo nguyện vọng, nhà trường sắp xếp, dự kiến buổi sáng 10 lớp và buổi chiều 16 lớp được chia theo nguyện vọng.
Chẳng hạn, với môn Vật lí có khoảng 120 học sinh lựa chọn, nhà trường sẽ xếp thành 4 lớp. Ban giám hiệu nhà trường cũng đã xác định, với môn Sinh học nếu dưới 20 em lựa chọn, dù rất ít những vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho các em, bởi những học sinh có ý định thi vào Y, vào Dược, hoặc Sư phạm,…nhà trường vẫn phải ưu tiên vì đó là nguyện vọng chính đáng, là năng lực của các em. Thậm chí, chỉ có 10 học sinh thì nhà trường vẫn phải cố gắng duy trì mở lớp.
Thứ ba, số lớp học sẽ bị “đội” lên, và sẽ có hai vấn đề phát sinh ở đây: Đầu tiên về cơ sở vật chất, với các nhà trường trên địa bàn Hà Nội hiện nay để mở rộng là điều không thể. Cơ sở vật chất của các trường hầu như không thể đáp ứng được.
Hơn nữa, nhiều lớp học hơn thì kinh phí chi trả cho lương các thầy cô giáo cũng lên theo, kinh phí cho đội ngũ nhân viên phục vụ trong nhà trường, chi trả tiền điện nước,…Theo khảo sát của nhà trường, ở môn Nghệ thuật có hơn 300 học sinh đăng kí học, vậy số lượng giáo viên dạy môn này phải tuyển thêm.
Trường chúng tôi ngày 10/7 tuyển sinh xong và ngày 1/8 đã vào học thì với thời gian ngắn như vậy rất khó để tuyển giáo viên, nếu không tính toán kĩ, vội vàng dẫn đến tuyển giáo viên không chất lượng.
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, theo dự tính nhà trường sẽ có 10 lớp khối 10, nhưng bị “đội” lên thành 16 lớp buổi chiều, vậy sang năm lớp 11, năm tiếp theo là 12 thì số lớp sẽ bị tăng lên bao nhiêu, trong khi số phòng học không tăng. Vậy học sinh sẽ học ở đâu trong khi hiện nay dạy học đổi mới với rất nhiều chuyên đề?”.
Theo thầy Tùng: “Trường M.V.Lômônôxốp từ trước đến nay có thế mạnh về các môn Khoa học xã hội và lĩnh vực Khoa học tự nhiên ở khối A1, do đó học sinh căn cứ theo thế mạnh đó để đăng kí vào trường.
Chúng tôi dự kiến sẽ cho đăng kí 16 tổ hợp theo thế mạnh của nhà trường, sau đó cho học sinh đăng kí 2 nguyện vọng. Ví dụ: Nguyện vọng 1 của các em từ 3 tổ hợp này, có những học sinh mạnh dạn chọn toàn bộ 3 môn tổ hợp Khoa học xã hội, còn bên Khoa học tự nhiên chỉ chọn 1 môn cho đủ. Với nguyện vọng 2, các em có thể cắt bớt môn Địa lí, môn Lịch sử,…để học thêm 1 môn Vật lí bên tổ hợp tự nhiên để dự thi khối A1.
Khi làm công tác tuyển sinh, chúng tôi sẽ công khai gửi cho cha mẹ học sinh biết được dự kiến nhà trường có 16 đến 20 tổ hợp thế mạnh như vậy. Khi chia lớp, nhà trường cũng chia tối đa 16 tổ hợp học buổi chiều vì cũng không thể chia nhiều hơn được”.
Thầy Tùng băn khoăn: “Còn một điều nữa tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sớm về định hướng thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thế nào? Mặc dù 3 năm nữa lứa học sinh này mới dự thi, nhưng rất cần công bố sớm để học sinh tính toán chọn tổ hợp môn khi vào lớp 10, rồi còn lộ trình cho các trường đại học tuyển sinh.
Bởi lẽ, vào lớp 10 nhưng vẫn phải tính đến năm lớp 12, chứ đợi khi tốt nghiệp lớp 12 mới công bố, trong khi học sinh định đăng kí dự thi Ngoại thương hoặc Kinh tế nhưng trong tổ hợp của các em lại không có môn đó, vậy giải quyết ra sao?
Các trường Trung học phổ thông rất mong Bộ và các trường đại học sớm công bố lộ trình. Đích ra sau này của học sinh là định hướng nghề nghiệp, vậy các trường nghề cũng phải công bố rõ định hướng của họ, dạy nghề ra sao, cách thức tuyển chọn sinh viên thế nào? Tất cả phải đồng bộ thì việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới có thể thành công được, nếu bây giờ chỉ dồn cho các trường phổ thông loay hoay chọn, chia tổ hợp môn thì cũng chưa đủ”.
Cần định hướng cho học sinh từ lớp 9
Thầy Tùng nêu quan điểm: “Từ lớp 9, các trường Trung học cơ sở nên có hướng dẫn cho học sinh để các em nắm rõ được các tổ hợp, thuận tiện hơn cho việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Đầu tiên phải giới thiệu cho học sinh hiểu được sang năm lớp 10 sẽ có chuyện như vậy, việc này giúp học sinh định hình trong 3 năm tiếp theo, và hiện nay mình yêu thích môn nào. Phụ huynh các em cũng cần có thời gian dài ngẫm nghĩ, suy tính trường cấp 3 nào có thể đáp ứng được sự lựa chọn môn học của con em mình bởi mỗi nhà trường có thế mạnh khác nhau.
Năm qua, nhà trường chúng tôi đã có nhiều buổi giới thiệu như vậy đối với học sinh lớp 9, hướng dẫn các em chọn tổ hợp, chọn môn học thế nào để ra được một tổ hợp môn sau này đăng kí thi vào lớp 10.
Phụ huynh và học sinh phải điền vào phiếu gửi nhà trường với dự kiến năm lớp 10 sẽ chọn 7 môn kia và 5 môn này, tổng cộng chính xác 12 môn đó là những môn nào. Tôi rất mong các trường Trung học cơ sở làm được việc này, giúp học sinh có được một thời gian dài ngẫm nghĩ, cân nhắc khi chọn lựa tổ hợp môn học khi vào lớp 10, học sinh có được thông tin, được tìm hiểu, có sự lựa chọn sớm thì đó mới là sự thành công của đổi mới giáo dục.
Trong giai đoạn này, nhà trường chúng tôi hi vọng đáp ứng được 4 trên 5 môn học mà học sinh yêu thích lựa chọn thì đó là đã là quá tuyệt vời, với những môn có khoảng 10 đến 15 học sinh nhà trường cũng vẫn quyết tâm tổ chức lớp, còn nếu chỉ 3 đến 4 học sinh thì sẽ phải có sự tính toán lại.
Hiện nay đã có rất nhiều phụ huynh học sinh đặt câu hỏi, nhưng nếu nhà trường không nhất quán được việc có mở lớp hay không thì sẽ làm khó phụ huynh. Một học sinh lựa chọn theo tổ hợp môn trong 3 năm, nhà trường có làm được việc đó hay không thì mới dám trả lời. Ví dụ: Năm lớp 10 nhà trường làm được, nhưng đến năm lớp 11 lại không làm nữa thì mọi việc tính làm sao? Và tôi cũng hi vọng trong khoảng 5 năm nữa các nhà trường mới có thể đáp ứng được 100% nguyện vọng lựa chọn môn học của học sinh”.