HSBC: Cổ phiếu Masan đang bị định giá thấp

HSBC Research vừa công bố báo cáo phân tích Masan Group với định giá cổ phiếu MSN ở mức 98.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 46,7% so với giá cổ phiếu hiện tại.

Theo HSBC Research, thông tin về việc công ty con của Masan Group là Masan Consumer (MCH) sẽ chuyển lên niêm yết sàn HOSE vào đầu năm 2025 sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho cổ phiếu Masan.

Tính tới ngày 17/4, giá trị vốn hóa thị trường của Masan Consumer vào khoảng 4 tỷ USD, đang cao hơn vốn hóa của Masan Group. Trong khi đó, theo phương pháp định giá SOPT (tổng các giá trị thành phần), HSBC định giá Masan Consumer chiếm 52% giá trị của Masan Group.

Nhóm phân tích đánh giá, Masan Consumer có tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng doanh thu ổn định và vượt xa đáng kể so với các công ty cùng ngành trong lĩnh vực FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực.

Masan Consumer đã ghi nhận sự tăng trưởng phi mã kể từ năm 2018 đến nay. Năm 2023, công ty thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới khi ghi nhận mức lãi sau thuế 7.195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022. EPS năm 2023 đạt 9.888 đồng/ cổ phiếu, tăng mạnh so với EPS năm 2022 là 7.612 đồng/ phiếu.

Một số động lực khác có thể thúc đẩy vốn hóa của Masan Group trong thời gian tới có thể kể tới những tín hiệu tích cực về tình hình tài chính. Chi phí lãi vay của tập đoàn có khả năng giảm trong năm nay nhờ lãi suất vay VND giảm. Tuy nhiên, chi phí vay USD lại tăng do Masan thực hiện phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Theo HSBC Research, việc giảm đòn bẩy nợ của Masan phụ thuộc vào việc bán cổ phần tại Masan High-Tech Materials (MSR) sau khi nhận khoản thanh toán nợ từ Bain Capital. Hiện nay, tổng nợ vay của Masan là 2,7 tỷ USD. Việc niêm yết thành công MCH và bán MSR có thể giúp Masan giảm hơn một nửa đòn bẩy nợ hiện tại.

Biên lợi nhuận EBITDA của WinCommerce, mảng kinh doanh bán lẻ của Masan, đang tăng. Điều này giúp WinCommerce tạo ra nhiều tiền mặt hơn, qua đó giảm nhu cầu vay vốn của tập đoàn.

Nhìn chung, áp lực tài chính đối với Masan đang giảm bớt nhờ các yếu tố như giảm lãi suất vay VND, bán cổ phần MSR và tăng biên lợi nhuận EBITDA của WinCommerce. Các nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào triển vọng tài chính tốt của Masan trong tương lai.

Do đó, nhóm phân tích của HSBC giữ nguyên khuyến nghị mua đối với cổ phiếu Masan Group. Giá mục tiêu đã được tăng từ 91.000 đồng lên 98.000 đồng sau khi cập nhật giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết của các công ty trực thuộc tập đoàn.

Cụ thể, mức định giá cho WinCommerce (Win) - chuỗi cửa hàng tiện lợi của Masan - vẫn được giữ ở mức 26 nghìn tỷ đồng. Định giá này dựa trên bội số EV/EBITDA dự phóng cho năm 2024 là 20 lần, tương đương với mức trung bình 5 năm qua của các công ty khác trong khu vực ASEAN. Do WinCommerce đang trong giai đoạn đầu tăng trưởng, định giá hợp lý của công ty phụ thuộc nhiều vào ước tính biên lợi nhuận trong tương lai.

Đối với Masan Consumer (MCH), định giá được giữ nguyên ở mức 120 nghìn tỷ đồng. Công ty sử dụng bội số EV/EBITDA dự phóng năm 2024 là 15 lần, thấp hơn 15% so với mức trung bình 5 năm qua của các công ty cùng ngành để phản ánh vị thế thị trường cận biên của Việt Nam.

Báo cáo duy trì mức giá thị trường hiện tại (tính đến ngày 17/4/2024) đối với MeatLife (MML), Masan High-Tech Materials (MSR), và Techcombank (TCB).

Các công ty con chưa niêm yết như Reddi được định giá 6 nghìn tỷ đồng, Phúc Long được định giá 3,7 nghìn tỷ đồng và Trusting Social được định giá 5.970 tỷ đồng.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hsbc-co-phieu-masan-dang-bi-dinh-gia-thap-1713547173164.htm