HSBC hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 xuống 2,6%

HSBC vừa hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 xuống 2,6% (dự báo trước đây 3%) trước tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần hai. Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất tiếp tục dự báo có tăng trưởng khả quan trong năm nay.

Ảnh: T.L

Ảnh: T.L

Cần sự kiên trì chịu đựng cho đến thời điểm phục hồi

Khối Nghiên cứu Kinh tế của ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo phân tích tình hình kinh tế của các nước châu Á với tiêu đề "Tất cả là khả năng chịu đựng của mỗi quốc gia" (Asia Economics: It's about stamina).

Theo báo cáo, sau một năm khởi đầu khá khó khăn, kinh tế của các nước châu Á đã được hồi phục dần dần, tuy nhiên cần kiên trì và kèm thêm các biện pháp kích thích bổ sung để đưa các nước trong khu vực "hạ cánh an toàn".

Các chuyên gia cho rằng, các nền kinh tế cần xác định hướng đi dài khi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng ở hầu hết các quốc gia, trong đó có châu Á. Con người vẫn phải chịu đựng khắp nơi, ngay cả những quốc gia đã khống chế được sự lây lan của dịch bệnh, việc làm và thu nhập bị mất và khó khăn vẫn tiếp tục vẫy gọi. Chính vì vậy, trong một thời gian nữa, các quốc gia rất cần những chính sách hỗ trợ thêm nữa, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ.

Thực tế, kinh tế vẫn còn có tin tốt khi hoạt động xuất khẩu của khu vực châu Á đã tốt hơn nhiều so với sự quan ngại trước đây. Tuy nhiên, đà tăng có thể phai dần trong những tháng tới khi thế giới quay trở lại hoạt động bình thường và nhu cầu đối với những mặt hàng xuất khẩu từ châu Á ít hơn so với trước. Tăng trưởng có vẻ sẽ mạnh lên trong năm tới, nhưng đó chỉ là mặt dễ dàng. Các nền kinh tế sẽ phải dành cả năm 2021 để lấy lại những gì đã mất. Do đó, sẽ cần rất nhiều sự chịu đựng để rồi cuối cùng các quốc gia sẽ tiến đến thời điểm phục hồi một cách chậm rãi và kiên trì.

"Tại một số nước đã ghi nhận một mức độ ổn định để từ đó sẽ còn gặt hái nhiều phát triển hơn nữa. Nhưng phải vượt qua một chút khó khăn mới có thể chạm tay vào những thành quả đó", báo cáo của HSBC cho biết. Hiện tại, còn quá sớm để đánh giá phục hồi đã đến nhưng các chuyên gia HSBC lưu ý sự hỗ trợ của Chính phủ rất cần được duy trì, không chỉ trong giai đoạn tâm dịch mà còn cả trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Chỉ khi những khó khăn bị xóa bỏ hoàn toàn thì mới có thể nói đến một nền kinh tế hồi phục hoàn toàn.

Lạm phát cả năm dự đoán ở mức 3,4%

Với Việt Nam, điều đáng khích lệ là làn sóng Covid-19 lần hai đã được ngăn chặn thành công chỉ trong vòng một tháng, giúp Việt Nam trở lại lộ trình phục hồi nền kinh tế mặc dù có thể ở tốc độ chậm hơn so với dự đoán ban đầu. Các chỉ số cho thấy hoạt động kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, lấy lại đà tăng thời kỳ trước dịch. Hơn nữa, tình hình các nước đang được cải thiện. Hoạt động xuất khẩu tăng hơn 7% trong tháng 7 và 8 so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào kết quả tăng của những lô hàng máy tính, bù đắp cho sự giảm sút của các mặt hàng dệt may.

Hiện tại Khối Nghiên cứu Kinh tế của HSBC kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 2,6% vào năm 2020, giảm so với dự báo trước đây là 3%, sau khi đã tính đến tác động âm của làn sóng dịch Covid-19 lần hai. Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất mà HSBC tiếp tục dự báo có tăng trưởng khả quan trong năm nay. Đối với năm 2021, Việt Nam được dự đoán sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định. HSBC kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức 8,1%, so với dự báo trước đây là 8,5%.

Trong khi đó, dịch Covid-19 tiếp tục gây áp lực giảm phát lên nền kinh tế. Lạm phát toàn phần điều chỉnh nhẹ từ mức bình quân 4,2% trong nửa đầu năm 2020 xuống còn 3,2% trong tháng 8, xuống dưới mức trần lạm phát 4% do Ngân hàng Nhà nước đề ra. Xét đến tình hình giá thực phẩm vẫn tăng, HSBC dự đoán lạm phát của năm 2020 sẽ ở mức trung bình 3,4% (dự báo trước đây là 3,3%) vào năm 2020. Do lạm phát đang giảm và chậm hơn dự kiến phục hồi, các chính sách hỗ trợ tiền tệ thêm nữa thật sự rất cần thiết.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-10-01/hsbc-ha-du-bao-tang-truong-cua-viet-nam-nam-2020-xuong-26-92911.aspx