HSBC: Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vững vàng ở mức 6,5% trong năm 2022
'Khép lại năm 2021, Việt Nam phục hồi vững vàng sau giai đoạn 'chạm đáy', chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng vững vàng trên mọi mặt. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tăng tốc tăng trưởng lên 6,5% trong năm 2022'.
Nhận định trên vừa được HSBC đưa ra trong báo cáo "Vietnam at a glance - Kết thúc có hậu cho một năm khó khăn". Báo cáo đánh giá, khi các điều kiện cơ bản cải thiện, Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vững vàng trong năm 2022, viết nên một câu chuyện tăng trưởng toàn diện tươi đẹp.
Khép lại năm 2021 bằng một cú “bứt tốc” ngoạn mục
Như thông lệ, 3 ngày trước thềm năm mới 2022, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á công bố số liệu kinh tế, xã hội năm 2021. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2021 tăng mạnh mẽ 5,8% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức dự báo tăng trưởng của thị trường (HSBC: 3,8%; Bloomberg: 3,9%). Nhờ vậy, tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,6% trong 2021, con số này phản ánh một kết quả tích cực trong một năm quá nhiều thách thức dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Xét cho cùng, Việt Nam đã trải qua một năm thật sự khó khăn, đặc biệt là với TP. Hồ Chí Minh - trung tâm thương mại của cả nước và các tỉnh lân cận sau bốn tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài tới tháng 10. Tuy nhiên, tin tốt là “cơn bĩ cực” này có vẻ đã lùi vào quá khứ.
Rõ ràng, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong năm 2021.
Tuy nhiên, sau khi quý III/2021 ghi nhận mức độ thu hẹp sản xuất nặng nề nhất trong vòng một thập kỷ, hoạt động sản xuất đã phục hồi tốc độ mở rộng như trước thời điểm xuất hiện biến chủng COVID-19 Delta, sản xuất của quý IV/2021 tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cả năm 2021, với mức tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng sản xuất tiếp tục là trụ cột kinh tế quan trọng của Việt Nam, góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.
Hoạt động sản xuất phục hồi tích cực cũng phản ánh sự cải thiện trong lĩnh vực xuất khẩu. Sau giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt trong quý III/2021, xuất khẩu của Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng, tăng gần 19% trong quý IV/2021 so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu dệt may và da giày dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng đã lấy lại phong độ như thời điểm trước khi xuất hiện biến chủng Delta. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu Việt Nam tăng 19%, nhờ xuất khẩu điện tử và máy móc vững vàng. Điều này cho thấy, nhu cầu trên thế giới vẫn gia tăng và chuỗi cung ứng ổn định ở phía Bắc nơi hội tụ các tập đoàn công nghệ lớn.
Dẫu vậy, lợi thế cán cân thương mại của Việt Nam đã thu hẹp trong năm 2021. Bất chấp xuất khẩu tăng cao kỷ lục, Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian nên nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục, tương đương 26% trong năm 2021. Điều đó dẫn đến thặng dư thương mại ở mức nhỏ tương đương 4,6 tỷ USD.
Trong khi dữ liệu cán cân thanh toán (balance of payment – BoP) của cả năm chưa được công bố, HSBC cho rằng, mức thặng dư nhẹ này nhiều khả năng không bù đắp được mức thâm hụt trong dịch vụ và thu nhập chính. "Như vậy, Việt Nam có thể sẽ ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai nhẹ trong năm 2021, khoảng 0,5% GDP", HSBC nhận định.
Ngoài phục hồi sản xuất, ngành dịch vụ của Việt Nam cũng thay đổi vị thế, từ “gánh nặng” trong quý III/2021 chuyển sang vai trò "đóng góp chủ lực" trong quý IV/2021. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng nhất trong các lĩnh vực.
Các hoạt động y tế và công tác xã hội, tài chính và ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV/2021 so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, dịch vụ phục vụ trực tiếp khách hàng, như bán buôn và bán lẻ, cũng phục hồi sau đợt lao dốc hồi quý III/2021. Điều này góp phần giúp doanh số bán lẻ khởi sắc, khép lại năm với một quý tăng nhẹ, tính trên bình quân ba tháng.
Tuy nhiên, chi tiêu cho hàng hóa không thiết yếu vẫn còn thấp, có thể thấy như doanh số xe hơi sụt giảm. Mặc dù chỉ số phản ánh khả năng đi lại của người dân đã dần tăng lên nhưng cũng phải mất một thời gian nữa mới trở lại mức như trước đại dịch.
Phần lớn nguyên nhân là do những rủi ro COVID-19 vẫn còn đó, đặc biệt là những lo ngại về biến chủng Omicron ngày càng gia tăng. Còn một nguyên nhân khác nữa là do thị trường lao động vẫn còn biến động, tỷ lệ thất nghiệp tăng và thu nhập giảm khiến tiêu dùng cá nhân không mấy sôi động. Từ thực tế này, HSBC cho rằng, có thể cần xem xét triển khai thêm các gói hỗ trợ tiền trực tiếp, đặc biệt hỗ trợ cho các hộ gia đình khó khăn.
Đối với ngành du lịch, nhìn chung vẫn còn khá ảm đạm trong năm 2021. Mặc dù vậy, HSBC dự báo: "năm mới 2022 có thể mang đến niềm hy vọng mới cho hai ngành này khi Việt Nam mở lại đường bay thương mại đến tám thị trường chính từ 1/1/2022 sau hai năm tạm ngưng".
Sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng
"Khép lại năm 2021, Việt Nam phục hồi vững vàng sau giai đoạn “chạm đáy” tồi tệ nhất, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng vững vàng trên mọi mặt", các chuyên gia của HSBC chia sẻ.
Theo đó, sản xuất và xuất khẩu kỳ vọng sẽ tiếp tục vị thế dẫn đầu, một phần là nhờ những cam kết FDI ổn định. Cùng với đó là nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ phục hồi thêm khi các biện pháp hạn chế hiện tại dần được gỡ bỏ và thị trường lao động phục hồi.
"Sau hai năm tăng trưởng chậm lại, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tăng tốc tăng trưởng lên 6,5% trong năm 2022", HSBC kỳ vọng.
Dù lạc quan với tăng trưởng nhưng các chuyên gia của HSBC cho rằng, trở ngại lớn nhất cần lưu tâm chính là đợt bùng dịch COVID-19 thứ năm đang diễn ra, nhất là với sự xuất hiện của biến chủng Omicron có tốc độ lây lan mạnh.
Điều đáng mừng là tình hình triển khai vắc-xin của Việt Nam đã tốt hơn trước rất nhiều, đủ để tránh phải áp dụng biện pháp giãn cách diện rộng như trước đây. Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam đã tiêm đủ liều cơ bản cho 70% dân số và bắt đầu tập trung triển khai tiêm mũi bổ sung cho người dân.
Các cơ quan chức năng ngành y tế đã rút ngắn thời gian cho phép tiêm mũi bổ sung từ sáu xuống còn ba tháng. Chương trình tiêm chủng của Việt Nam đã bắt đầu tăng tốc từ tháng 10/2021, nghĩa là quý I/2022 sẽ là giai đoạn trọng điểm phấn đấu hoàn thành tiêm mũi bổ sung. Vì vậy, thời điểm có thể gỡ bỏ các quy định hạn chế và mở rộng hoạt động đi lại quốc tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ứng phó với đại dịch của Việt Nam.
Về lạm phát, các chuyên gia của HSBC cho rằng, khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường trong năm 2022, áp lực về giá sẽ bắt đầu có tác động nhưng mức độ phải trong tầm kiểm soát. "Chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng 2,7% vào năm 2022, thấp hơn mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong bối cảnh lạm phát ít khả năng là một mối bận tâm lớn của Ngân nhà Nhà nước trong năm 2022, tình hình thị trường bất động sản có thể thu hút nhiều sự quan tâm hơn", các chuyên gia của HSBC dự báo.