HTX cần chính sách phù hợp và kịp thời sau bão lũ

Các HTX, đặc biệt là HTX sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trước những hậu quả của bão lũ để lại. Sản xuất dường như phải bắt đầu lại từ đầu, do đó các HTX đều mong muốn có những chính sách hỗ trợ kịp thời để đưa nông nghiệp vào đúng 'đường ray' mùa vụ.

Sau bão lũ, HTX cần nhanh chóng khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất để đảm bảo sinh kế cho thành viên, người lao động. Trong khi người dân, thành viên HTX gắn bó với nông nghiệp thì khó có thể chuyển đổi sang ngành nghề khác, và đối với nông nghiệp, dừng sản xuất là đồng nghĩa với không có nông sản và không có nguồn thu.

Nguy cơ "trụ đỡ" lung lay

Anh Lê Văn Tám, Giám đốc HTX nông nghiệp Sông Hồng (Hà Nội), cho biết sau bão Yagi, toàn bộ khu vực sản xuất, nhà xưởng chế biến ống hút rau củ quả đã bị ngập hết và mất trắng.

"Nước ngập rất cao và nhanh khiến các thành viên HTX không trở tay kịp. Tất cả hàng tồn kho bị cuốn theo dòng nước và tình hình khá là căng thẳng khi hai hôm nay dù nước không dâng cao thêm nhưng rút rất chậm.

Tiền tỷ "bay" theo nước lũ nên chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp ngành. Về mặt kỹ thuật, HTX có thể chủ động và bổ sung, nhưng thiếu tài chính thì việc khôi phục lại sản xuất sẽ rất khó khăn”, anh Tám bày tỏ.

Xưởng sản xuất của HTX Sông Hồng bị ngập nước cuốn trôi nhiều hàng hóa.

Xưởng sản xuất của HTX Sông Hồng bị ngập nước cuốn trôi nhiều hàng hóa.

Dù không trực tiếp chịu những thiệt hại của bão lũ nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia Thanh (Phú Thọ) lại gián tiếp chịu tác động từ thiên tai. Cụ thể là lũ lụt đến đúng vào mùa thu hoạch rộ của cây hồng không hạt Gia Thanh, việc tiêu thụ quả hồng gặp nhiều khó khăn hơn bao giờ hết, khi bà con đều phải tập trung vào công tác dọn dẹp sau lũ và phục hồi cuộc sống.

Hiện tại, 160 hộ thành viên của HTX Gia Thanh sau bao tháng ngày chăm sóc cây trồng lại đứng trước nguy cơ mất đi nguồn thu nhập chính của mình, do trái hồng không thể đến tay người tiêu dùng kịp thời.

Rõ ràng, bão lũ khiến các HTX gặp phải không ít khó khăn. Nhiều HTX bị mất trắng và khó có khả năng trả nợ, nhất là trong thời gian trước mắt. Theo Bộ NN&PTNT, thiệt hại cho ngành nông nghiệp ở hầu hết các đối tượng cây trồng, vật nuôi từ gia súc, gia cầm, thủy sản. Trong đó, rau màu, lúa và những loại quả phục vụ thị trường Tết là cây có múi và chuối bị thiệt hại rất lớn. Riêng rau màu thiệt hại lên đến trên 22.000 ha.

Sự thiệt hại này sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng của một số HTX, liên hiệp HTX trong quý IV. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của các địa phương phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Ts Hoàng Văn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp, cho biết gió bão, lũ lụt khắp miền Bắc khiến nông nghiệp không thể trụ vững. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, đúng đắn cho nông dân, HTX thì từ nay đến cuối năm và dài hơn, ngành nông nghiệp khó có thể vực dậy được. Từ đây, vị trí là trụ đỡ của ngành nông nghiệp rất dễ bị lung lay.

Do đó, rất cần Nhà nước, các cơ quan bộ ngành chung tay, quan tâm giúp người dân, HTX vì đợt bão lũ này đã gây ra quá nhiều thiệt hại, làm tổn thương nặng nề ngành nông nghiệp.

Theo TS Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc trường Đại học Thái Nguyên, chỉ có Nhà nước hỗ trợ nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp, khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra thì ngành nông nghiệp mới nhanh hồi phục được.

Thủ tục còn rườm rà, đối tượng chưa rõ ràng

Có thể thấy sinh kế của hộ nông dân, thành viên HTX sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng, nên việc các ngành chức năng nắm bắt tình hình thực tế một cách nhanh chóng và có những hỗ trợ phù hợp sẽ giảm bớt gánh nặng cho người làm nông nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ NN&PTNT đã có Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật.

Nhiều HTX bị thiệt hại nghiêm trọng nên cần nguồn vốn lớn để phục hồi sản xuất.

Nhiều HTX bị thiệt hại nghiêm trọng nên cần nguồn vốn lớn để phục hồi sản xuất.

Trong đó, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX… có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh thực vật gây ra sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền (Nam Định), đánh giá chính sách này cho thấy sự quan tâm kịp thời của Nhà nước, các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ người dân, HTX khắc phục hậu quả, ảnh hưởng từ bão lũ. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với mô hình kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Bình, qua tìm hiểu, ông thấy phần làm hồ sơ để đưa lên các cơ quan quản lý vẫn rất phức tạp, nhiều khâu, nhiều bước. Ngay việc chính quyền cấp xã thẩm định hồ sơ cũng lên đến 30 ngày hoặc không quá 60 ngày là quá dài. Chưa tính thời gian chuyển hồ sơ lên cấp huyện và chờ ban hành quyết định hỗ trợ.

“Nếu như vậy, sợ đến hết năm nay hoặc phải sang năm sau, HTX mới nhận được hỗ trợ. Trong khi việc hồi phục lại sản xuất phải diễn ra ngay sau bão lũ”, Giám đốc HTX Hải Điền nhấn mạnh.

Ngoài chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất bị thiệt hại sau bão lũ của Bộ NN&PTNT, nhiều HTX cũng cho rằng một số chính sách hiện nay chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các mô hình kinh tế tập thể, HTX trong tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Cụ thể là gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chỉ đạo rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay… Nhưng đối tượng mà ngành ngân hàng đề cập chỉ là người dân, doanh nghiệp mà thiếu chủ thể HTX.

Hay như Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,... nhưng mới tập trung vào đối tượng là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ mà chưa nêu rõ là có đối tượng HTX, tổ hợp tác.

Bà Vũ Thị Thắm, Giám đốc HTX chế biến thực phẩm sạch Gia Phú (Lào Cai), cho rằng việc không ghi rõ HTX là đối tượng được hưởng chính sách thuế phí gây rào cản rất lớn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ, nhất là trong quá trình HTX làm việc với các cơ quan quản lý tại địa phương. Bởi từ trước đến nay, chính quyền một số địa phương vẫn chưa có cái nhìn đầy đủ và đúng đắn về vai trò, vị thế của mô hình HTX.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, nhiệm vụ đầu tiên sau bão lũ là nhanh chóng khôi phục lại sản xuất của người dân, HTX, doanh nghiệp. Xét trên tình hình thực tiễn, các tỉnh phía Bắc đang có khoảng 15.000 HTX đang hoạt động, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội.

Chính vì vậy, nếu các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và bộ ngành nếu phù hợp và kịp thời đến được với các HTX sẽ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa theo nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy phát triển thị trường trong nước.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-can-chinh-sach-phu-hop-va-kip-thoi-sau-bao-lu-1102362.html