HTX chăn nuôi theo chuỗi hụt hơi vì người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu

Nhiều HTX chăn nuôi theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn và đưa thịt vào các hệ thống phân phối hiện đại đang gặp khó khăn trước tình trạng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, quay sang lựa chọn thịt tại các chợ truyền thống. Để giữ khách và đứng vững trên thị trường, những HTX này cần tìm cách để rút ngắn khoảng cách với người tiêu dùng bằng nhiều cách khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Hà (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết trước đây thỉnh thoảng gia đình chị cũng mua thịt mát trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi về dùng nhưng mấy tháng nay, tuyệt nhiên điều này không diễn ra.

Nhu cầu tiêu dùng giảm

Thay vào đó, chị mua thịt lợn ở những quán trong chợ truyền thống. Điều này một phần là vì đi chợ gần hơn, một phần nữa là giá thịt lợn bán ở chợ rẻ hơn. Ngay như thịt ba chỉ mua ở chợ cũng rẻ hơn từ 30-50 nghìn đồng/kg. Đây là số tiền không hề nhỏ, giúp chị cân đối bữa ăn gia đình.

Theo các chuyên gia, cơ cấu nguồn đạm trong bữa cơm của người Việt, trước đây thịt lợn chiếm tỷ lệ khoảng 60-70%, phần còn lại là thịt bò, thủy sản, thịt gia cầm, thủy sản… Tuy nhiên hiện nay do thu nhập của người dân đang bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế chưa thực sự phục hồi nên họ có xu hướng chuyển sang các loại thực phẩm khác. Và ngay trong mảng thịt lợn cũng có sự tính toán cho phù hợp hơn với túi tiền.

Ông Phong Quách, Giám đốc bộ phận tư vấn Ipsos VN, cho rằng giá thịt lợn khi đến tay người tiêu dùng tăng trong khi kinh tế khó khăn, do đó người tiêu dùng giảm mua và tìm nguồn cung thay thế hợp túi tiền hơn. Trong đó có việc sử dụng các loại thịt trực tiếp và tiêu thụ trong ngày tại các chợ truyền thống.

Không ít HTX đang đầu tư chăn nuôi và chế biến theo chuỗi giá trị.

Không ít HTX đang đầu tư chăn nuôi và chế biến theo chuỗi giá trị.

Còn theo ông Phạm Văn Cư, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp - dịch vụ - thương mại An Phát (Bình Phước), dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng ít dùng thịt lợn, dù đó là thịt đã được đưa vào các cửa hàng tiện lợi hay có thương hiệu.

Việc chuyển từ sử dụng các loại thịt được sơ chế trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sang thịt được bán tại các chợ truyền thống sẽ ảnh đến những người dân, HTX chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị, có tiêu thụ tại các hệ thống phân phối hiện đại.

Ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm (Bắc Giang) cho biết, dù vào được hệ thống siêu thị Aeon nhưng lượng thịt của HTX tiêu thụ tại đây vẫn rất chậm, chỉ 1,5-2 tạ/tuần. Theo ông Nhiệm, có thể về giá cả sản phẩm của HTX không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự lên xuống của thị trường vì đã tuân thủ theo hợp đồng dài hạn. Nhưng chính vì việc giữ được giá trong khi túi tiền của người dân đi xuống nên lượng thịt bán trong siêu thị có thể không bằng thịt ngoài chợ.

Thông thường, khi HTX và các siêu thị làm việc với nhau bằng hợp đồng, nếu thị trường lên hoặc xuống dưới 50% giá đã ký thì HTX và nhà phân phối giữ nguyên giá như hợp đồng. Nếu thị trường tăng hay giảm nhiều hơn 50% giá thì hai bên mới đàm phán với nhau để thay đổi. Điều này bảo đảm lợi ích của HTX và nhà phân phối nhưng chưa linh hoạt với thị trường, nên xảy ra tình trạng thực tế giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt lợn trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi không giảm nên gây khó khăn trong thuyết phục người tiêu dùng.

Chính vì vậy, không ít HTX dù đã vào được các hệ thống phân phối hiện đại nhưng cũng thấp thỏm vì nguồn hàng đưa vào đây bán không được nhiều. Nhất là trong lúc người dân đang sống trong cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, họ sẵn sàng chuyển từ thịt tiêu chuẩn cao sang trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợn sang mua ở các chợ hoặc thực phẩm khác có giá rẻ hơn như cá, gà, đậu phụ...

Nỗ lực tiếp cận khách hàng

Trước thực tế này, nhiều HTX đã phải nỗ lực để đến được gần hơn với nhiều người tiêu dùng. Nếu như những năm trước, các HTX tích cực tìm kiếm các mối liên kết với các siêu thị, tự mở các cửa hàng thực phẩm sạch thì năm nay, hầu hết các HTX phải dừng việc này lại.

Ông Phạm Văn Cư, cho biết việc tự mở cửa hàng thực phẩm sạch không phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện nay. Các HTX chỉ nên tập trung duy trì đưa thịt vào các chuỗi siêu thị cũ đã ký kết hoặc mở rộng sang tìm kiếm các bếp ăn tập thể để đảm bảo đầu ra.

Bên cạnh đó, một điều dễ nhận thấy là thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt theo quy trình từ trang trại đến bàn ăn chắc chắn phải có giá cao hơn so với thịt và sản sản phẩm từ thịt bán ở các chợ truyền thống. Điều này là vì chi phí đầu vào cao, HTX phải tốn thêm chi phí hoàn thiện bao bì, vận chuyển, tiếp thị thậm chí thuê cửa hàng…

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, trong điều kiện hiện nay, người tiêu dùng rất để ý đến giá cả sản phẩm. Sản phẩm chỉ cần chênh giá một chút thôi cũng quyết định đến hành vi của người tiêu dùng. Do đó, các HTX cũng gặp nhiều áp lực cạnh tranh hơn so với những doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên thị trường vì quy trình sản xuất chưa tinh gọn bằng các doanh nghiệp.

Chính vì vậy, cần có những chiến lược tiếp cận khách hàng cụ thể hơn như có các chương trình trợ giá, cho người tiêu dùng dùng thử sản phẩm, khuyến mãi, hỗ trợ phí giao hàng. Đi liền với đó, cần đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến để mở rộng tệp khách hàng.

Các HTX trong cùng ngành hàng có thể liên kết với nhau để tăng nguồn vốn, tăng mạng lưới bán hàng và tăng chất lượng dịch vụ thay vì làm việc một mình và kinh doanh ở một địa phương.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, cho rằng một HTX thì rất khó gánh chi phí từ sản xuất đến phân phối, mở cửa hàng thực phẩm sạch. Nhất là các HTX thường gặp khó khăn trong chọn vị trí để mở các cửa hàng thực phẩm sạch nên khó thu hút khách hàng. Vì vậy HTX liên kết cùng nhau sẽ hạn chế khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc đưa sản phẩm vào các siêu thị nếu tính toán bài bản cũng chiếm phần lớn chi phí sản xuất nên không phải HTX nào cũng đủ năng lực để làm điều này trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Phú, các công ty chăn nuôi đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này cũng phải cân đối để đảm bảo cung – cầu phù hợp, tránh hiện tượng giá quá cao, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu hoặc thay bằng thực phẩm khác. Nhưng doanh nghiệp cũng tránh trường hợp để giá quá thấp làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-chan-nuoi-theo-chuoi-hut-hoi-vi-nguoi-tieu-dung-cat-giam-chi-tieu-1096761.html