HTX có nên kỳ vọng vào hệ thống cửa hàng bán lẻ?
Xác định được tầm nhìn cụ thể để có hướng đầu tư phù hợp sẽ giúp các HTX, liên hiệp HTX có cửa hàng nông sản sạch, đặc sản vượt qua được khó khăn, phát triển lâu dài trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt.
Những năm gần đây, không ít HTX, liên hiệp HTX đã đẩy mạnh sang mảng bán lẻ bằng cách đầu tư cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini…
Áp lực cạnh tranh lớn
Tuy nhiên, theo đại diện một HTX ở xã Đăk Rơ Wa (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), 3 tháng nữa nếu tình hình doanh thu tại cửa hàng đặc sản nằm ngay khu du lịch tại Cầu Treo không khởi sắc thì các thành viên phải xem xét đóng cửa cửa hàng này để tập trung vào các dịch vụ khác. HTX cũng đã tính đến phương án liên kết với các đơn vị tổ chức các hội chợ để giảm bớt khó khăn nhưng hình thức này cần vốn đầu tư nhiều hơn nguồn thu, nhất là trong thời gian đầu.
Vị đại diện HTX ví von: “Một tổ kiến nhỏ có thể hủy đi con đê ngàn dặm”. Kinh doanh nhiều lúc “mặt dày, khô máu” chưa chắc đã được, vì làm theo mô hình này không chỉ có một người mà còn có cả tập thể.
Tại Hà Nội, HTX Dịch vụ Tổng hợp Hòa Bình ngoài cung cấp nông sản tươi cho 40 trường học trên địa bàn quận Hà Đông còn mở rộng sang mảng bán lẻ thông qua cửa hàng thực phẩm sạch. Các mặt hàng trong cửa hàng chính là những nông sản do HTX sản xuất ra và một phần nhập thêm từ các HTX ở vùng Tây Bắc. Hiện, hoạt động tại cửa hàng nông sản sạch của HTX khá hiệu quả. Được hưởng lợi từ nhu cầu người tiêu dùng lớn, nhưng theo các thành viên, cửa hàng nông sản của HTX cũng phải cạnh tranh gay gắt vì có rất nhiều đơn vị khác cũng đầu tư mô hình tương tự.
Có thể thấy, việc đầu tư vào thị trường bán lẻ là hướng đi quan trọng giúp các HTX hiểu thị trường, nhu cầu của khách hàng, từ đó có những định hướng cụ thể trong phát triển sản xuất nông sản một cách phù hợp với thực tiễn. Đây cũng là hướng phát triển theo chuỗi, giúp các HTX nâng giá trị gia tăng, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Hiệu quả từ những cửa hàng, siêu thị mini bán nông sản sạch, sản phẩm đặc trưng đã rõ nhưng đi cùng với đó là không ít áp lực, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, chi phí tăng cao, nhiều người tiết giảm chi tiêu như hiện nay.
Từ thực tiễn của HTX Dịch vụ Tổng hợp Hòa Bình cho thấy, một số cửa hàng bán nông sản tươi, đồ ăn uống phục vụ cuộc sống hàng ngày như rau, củ quả, thịt… mà chọn vị trí phù hợp vẫn thu hút được khách hàng. Còn những cửa hàng chỉ tập trung bán những mặt hàng đồ khô, thủ công mỹ nghệ, thời trang…, lại bố trí ở một số khu du lịch địa phương sẽ khó thu hút khách hơn.
Tận dụng thế mạnh
Tuy chưa thể phản ánh hết thực tế nhưng có nhiều đánh giá cho thấy, cơ hội cho các HTX, liên hiệp HTX khi đầu tư vào mảng phân phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản vẫn còn.
Các chuyên gia của PMAX và Buzzmetrics (hoạt động trong lĩnh vực total performance và data intelligence marketing) chỉ rõ, chủ đề nấu ăn, trong đó có những nội dung liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, khoe món ăn trên mạng xã hội, chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, tìm nơi bán nguyên liệu nấu ăn vẫn là một trong 4 chủ đề nổi bật, là xu hướng trong mùa hè năm nay (tháng 5-9). Đây là cơ hội tốt cho những đơn vị đầu tư cho mảng sản xuất, kinh doanh, phân phối nông sản an toàn. Nhất là những năm gần đây, các cửa hàng nông sản sạch, cửa hàng tiện lợi là một trong những kênh bán lẻ hiệu quả, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để đảm bảo sức khỏe.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo đến năm 2025, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ đạt 350 tỷ USD, đóng góp 59% GDP.
Những con số này nói lên rằng, việc đầu tư vào những cửa hàng nông sản sạch, siêu thị mini vẫn có nhiều "cửa sáng" cho các HTX, liên hiệp HTX. Bằng chứng là thời gian qua, dù phải cạnh tranh gay gắt nhưng chuỗi siêu thị của Liên hiệp HTX Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) vẫn trụ vững và phát triển không ngừng.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định, sự phát triển của Saigon Co.op không thua kém gì các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại của các doanh nghiệp có tiếng trên thị trường hiện nay như Go!, Lotte Mart, Aeon...
Cơ hội phát triển vẫn còn nhưng khó khăn thì không hề nhỏ bởi sức ép cạnh tranh trong mảng bán lẻ là rất lớn. Để vượt qua được điều này, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho rằng thế mạnh của các HTX, liên hiệp HTX chính là mảng nông sản, thực phẩm, trong đó phần lớn là nông sản thực phẩm tươi sống. Các HTX cũng có lợi thế về nắm bắt tâm lý người tiêu dùng trong nước. Điều này là điểm khác so với những đơn vị nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam là tập trung vào mảng đồ ăn nhanh, mất nhiều công sức tìm hiểu thị hiếu khách hàng. Chính vì vậy, các HTX cần tiếp tục đầu tư để nâng chất lượng nông sản, thực phẩm, đồng thời chuyên nghiệp hóa vào khâu bán hàng, chăm sóc khách hàng, từ đó sẽ thu hút được khách hàng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Trọng Quang (Đại học Tài chính-Marketing), kinh tế thời điểm này được đánh giá là vẫn còn khó khăn, người dân tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nên phải đẩy toàn bộ hàng hóa bằng nhiều hướng mới có đầu ra thuận lợi, nhất là marketing online.
Bên cạnh đó, dù đầu tư cửa hàng trực tiếp nhưng một khi đã xác định bán hàng thì đơn vị đó phải tận dụng mạng xã hội để xây dựng kênh bán hàng riêng, có người phụ trách riêng. Còn việc tận dụng trang mạng xã hội của cá nhân để bán hàng thì khó bền vững vì không mang tính chuyên nghiệp. Việc đầu tư cửa hàng từ vị trí đến bày trí gian hàng, không gian… cũng cần xem xét để bảo đảm hấp dẫn khách hàng.