HTX công nghệ và những mùa vàng trên đất cát Phú Vang

Phú Vang là huyện ven biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng. Cùng với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương, nhiều HTX trên địa bàn huyện đang mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động trên các cánh đồng lớn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, mang lại giá trị cao.

Đã có nhiều câu chuyện về sự hình thành của những HTX điểm, với các chuỗi giá trị trong trồng trọt hữu cơ trên cánh đồng mẫu lớn, đang mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho người dân huyện Phú Vang, mở ra hướng đi tiềm năng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Cơ giới hóa trên cánh đồng lớn

HTX nông nghiệp Phú Hồ, xã Phú Hồ, đang là một trong những điển hình trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện, với chuỗi giá trị sản xuất lúa rộng hơn 150 ha, có liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên.

Các HTX đang gặt hái thành công nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất (Ảnh MH).

Các HTX đang gặt hái thành công nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất (Ảnh MH).

Cụ thể, để phục vụ sản xuất lớn, HTX đã đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm các thiết bị máy móc được trang bị công nghệ hiện đại, công suất lớn như máy cày, máy bừa, máy đầm, máy gặt, ô tô vận chuyển, xây dựng nhà xưởng, sân kho...

Hiện, trên 90% các khâu làm đất, thu hoạch của HTX được cơ giới hóa, máy móc làm thay con người trên đồng ruộng, góp phần nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Tại khu nhà xưởng của HTX, bên cạnh hệ thống kho bảo quản hiện đại được trang bị máy hút ẩm, kiểm soát nhiệt độ thích hợp, còn có hệ thống máy sấy thóc tiêu chuẩn cao, đáp ứng nhu cầu sấy khô, bảo quản cho thành viên, hộ liên kết.

Giám đốc HTX Phú Hồ, ông Dương Văn Thiệp chia sẻ: “Trong bối cảnh hội nhập, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu nhằm nâng cao năng suất lao động, gia tăng chất lượng sản phẩm, từ đó đảm bảo sức cạnh tranh, ổn định giá bán cho người nông dân”.

Đơn cử, những năm qua, nhờ có hệ thống máy sấy và kho bảo quản hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ quốc tế, HTX hoàn toàn chủ động việc đưa hàng hóa ra thị trường, giải quyết triệt để câu chuyện "được mùa, dội chợ".

“Việc đưa lúa sau thu hoạch vào máy sấy cũng giúp chất lượng sản phẩm của HTX được nâng lên, độ ẩm tiêu chuẩn giúp hạt gạo không bị vỡ, nấm mốc, giữ nguyên được độ thơm ngon đặc trưng”, ông Thiệp nhấn mạnh.

Tương tự, ở xã Phú Lương, 2 HTX nông nghiệp Phú Lương 2 và Phú Lương 3 đã kết hợp đưa vào sản xuất hơn 700 ha lúa có ứng dụng công nghệ cao, cho năng suất bình quân đạt 6 – 8 tấn/ha.

Ông Lê Thẻo, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Lương 3, khẳng định mô hình cánh đồng mẫu lớn thật sự cần thiết cho người nông dân, giúp người dân thâm canh, bảo đảm chất lượng vật tư, giống, lại có đầu ra sản phẩm ổn định.

Giá trị sản xuất liên tục tăng

Không chỉ trên những cánh đồng lúa, cuộc “cách mạng” khoa học, công nghệ cũng đang diễn ra trên nhiều vùng sản xuất khác ở Phú Vang. Đơn cử, xã Phú Mậu đang có HTX nông nghiệp Phú Mậu II, thành công ấn tượng với mô hình trồng hoa công nghệ cao.

Ứng dụng sản xuất công nghệ cao giúp nông dân giảm tác động biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất (Ảnh MH).

Khác với những loài hoa truyền thống, những giống hoa mới như thược dược, tulip, hoa lan… đòi hỏi các thành viên HTX phải đầu tư nhiều công sức, chăm bón kỹ càng hơn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực.

Để khắc phục những nhược điểm trên, HTX đã khuyến khích thành viên phát triển theo hướng công nghệ cao. Hiện, HTX có 22 hộ thành viên áp dụng hệ thống nhà màng và tưới nước tự động.

Từ khi đầu tư nhà màng, HTX đã khắc phục được một số nhược điểm do thời tiết gây ra, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu cho hoa vì thế cũng giảm.

Công nghệ tưới nhỏ giọt giúp các thành viên chỉ cần mở van, hệ thống tự động tưới nhỏ giọt đồng loạt vào gốc hoa. Công nghệ này đã đưa nước, phân đến tận các chậu hoa, kể cả những loại hoa được trồng bằng chậu trên các giàn cao tầng.

“Việc ứng dụng công nghệ cao giúp HTX giảm đến 90% công chăm bón, tưới phân mà hiệu quả đạt được tăng đáng kể so với việc tưới, bón truyền thống. Giá trị sản xuất bình quân của HTX hiện đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm”, ông Hà Út, Giám đốc HTX phấn khởi nói.

Theo lãnh đạo UBND xã Phú Mậu, từ ngày HTX chuyển đổi những chân ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình của xã liên tục được cải thiện, từ chưa đầy 30 triệu đồng/ha lên 130 - 140 triệu đồng/ha, cuộc sống của nhiều hộ thành viên đã trở nên khấm khá.

Có thể thấy, nông nghiệp công nghệ cao đang là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập. Đặc biệt đối với một địa phương ven biển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ như Phú Vang lại càng bức thiết, giúp nông dân giảm thiệt hại, gia tăng trị nông sản ở địa phương.

Nhật Minh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/htx-cong-nghe-va-nhung-mua-vang-tren-dat-cat-phu-vang-1079080.html