HTX đóng vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo tại vùng dân tộc thiểu số Nghệ An

Mặc dù phải đổi mặt với rất nhiều khó khăn, nhiều HTX do người dân tộc thiểu số (DTTS) làm lãnh đạo tại Nghệ An không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hỗ trợ bà con xóa đói giảm nghèo mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hàng hóa cho nông sản của vùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tại các HTX vùng DTTS tỉnh Nghệ An vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Đây vẫn là vấn đề cấp thiết, cần có giải pháp để các HTX thực sự là “bà đỡ” cho người dân phát triển kinh tế một cách bền vững hơn nữa.

Vai trò “bà đỡ” trong phát triển kinh tế vùng DTTS

Tại huyện Quế Phong, nhiều HTX đã khẳng định được vai trò của mình. Trong đó, HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na là một mô hình điển hình được nhiều người biết đến.

HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na do anh Lang Văn Mão - người dân tộc Thái cùng các hộ dân thành lập vào năm 2019. Khi tham gia vào HTX, các hộ dân được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách từ Nhà nước, đặc biệt là tìm đầu ra cho con cá. Các hộ dân là thành viên HTX đã đầu tư thêm lồng nuôi, hộ ít nhất là 10 lồng, hộ nhiều nhất là 70 lồng và từ 20 thành viên nay phát triển lên 32 thành viên.

Mô hình nuôi cá lăng của HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na.

Mô hình nuôi cá lăng của HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na.

Chia sẻ về những thành quả đạt được, anh Mão cho biết, từ chỗ chỉ biết làm nương rẫy và đánh bắt cá trên các dòng suối và lòng hồ thủy điện Hủa Na, nhiều hộ dân đang chuyển sang nuôi cá hàng hóa (gồm cá leo, cá lăng đen, cá lăng đuôi đỏ, cá trắm, cá bọp, cá vược…), đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho các gia đình. Nhiều hộ dân cũng từ mô hình này mà đi lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Thị trường tiêu thụ cá của HTX không chỉ trong nội huyện mà còn được mở rộng sang các địa phương lân cận như huyện Nghĩa Đàn, thành phố Vinh...

HTX Sản xuất và cung ứng các sản phẩm tiêu biểu Quế Phong cũng là một mô hình tiêu biểu. Bà Sầm Thị Yến – Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, các sản phẩm lá, rễ cây rừng, dược liệu được đồng bào khai thác cũng chỉ phục vụ cho các thương lái thu mua phục vụ cho hoạt động đông y gia truyền hoặc tự tiêu thụ tại địa phương. Khi HTX thành lập và được huyện tạo điều kiện mở quầy hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của huyện, nhiều dược liệu vùng đất Quế Phong như chè hoa vàng, rễ cây mú từn, nấm lim xanh, cà gai leo, cỏ máu, chuối hột rừng…, đã vượt không gian, vươn tới các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh.

Không chỉ ở Quế Phong, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có nhiều mô hình HTX vùng DTTS có mô hình sản xuất giỏi, phát triển các kênh tiêu thụ tốt, tạo được công ăn việc làm cho bà con.

Trao đổi với phóng viên, ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết trên địa bàn huyện hiện có 37 HTX, trong đó có 17 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó có một số HTX đã xây dựng được các kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên là người DTTS. Tiêu biểu như HTX cây con xã Chi Khê, HTX dịch vụ ăn uống du lịch cộng đồng, bản khe Rạn, HTX mây tre đan Bản Diềm xã Châu Khê...

Vườn dược liệu của HTX Dược liệu Pù Mát.

Vườn dược liệu của HTX Dược liệu Pù Mát.

Đặc biệt, ở HTX Dược liệu Pù Mát sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất giống, trồng cây nguyên liệu đến sơ chế, chế biến thành các sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ, gồm trà dược liệu túi lọc và cao cà gai leo, giảo dây thìa canh, trà hòa tan dây thìa canh, cà gai leo, trà dược liệu giảo cổ lam. HTX này hiện thu hút 89 thành viên là các hộ dân người DTTS tham gia vào chuỗi sản xuất với diện tích hơn 15 ha nguyên liệu và năm 2022 tiếp tục mở rộng lên 32 ha với 120 thành viên tại 7 xã trên địa bàn huyện.

Qua thống kê, vùng DTTS và miền núi Nghệ An trải dài trên 11 huyện, thị xã đang có 279 HTX hoạt động. Ông Nguyễn Bá Châu - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An chia sẻ: Hoạt động của HTX đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi trình độ sản xuất của người dân, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Thông qua thành lập và hoạt động của HTX đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, lan tỏa sản phẩm đến với thị trường trong tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài.

Làm gì để HTX vùng DTTS ngày càng lớn mạnh?

Bên cạnh những HTX ở vùng DTTS Nghệ An đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, thì vẫn còn đó nhiều khó khăn, hạn chế nhất định như quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít. Hoạt động của HTX chủ yếu mới làm được khâu dịch vụ đầu vào, chưa làm tốt khâu đầu ra, tiêu thụ sản phẩm.

Nguyên nhân của vấn đề trên, đại diện huyện Quế Phong nhận định, là do các HTX đang thiếu người đứng đầu năng động, có tư duy kinh tế thị trường và chịu khó để tìm kiếm bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX cũng đang ở quy mô nhỏ, đặc biệt mô hình sản xuất và sản phẩm chưa có yếu tố nổi trội.

Còn theo ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, sản phẩm của HTX làm ra muốn bán được thì phải kết nối để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thời gian qua, huyện đã có những hỗ trợ cho các HTX tham gia các hội chợ, tuy nhiên điều cần đối với HTX là phải xây dựng được chuỗi cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với tiêu thụ thì chưa làm được. Bên cạnh đó chưa có những mô hình HTX thật sự điển hình và mẫu để có thể nhân rộng và lan tỏa.

Bên cạnh những vấn đề được nêu trên, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An Nguyễn Bá Châu cũng cho rằng: Trình độ quản trị của nhiều HTX còn yếu, phần lớn quản trị theo kinh nghiệm, khả năng tiếp cận các chính sách còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, để kinh tế tập thể, HTX vùng đồng bào DTTS ở Nghệ An đi vào thực chất, đóng góp chung vào phát triển kinh tế tập thể, HTX nói chung và kinh tế xã hội nói riêng Nghệ An cần phối hợp trong công tác nghiên cứu, xây dựng và đề xuất với địa phương thực hiện tốt các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi, các chính sách, chương trình dự án, đề án phát triển kinh tế xã hội, các dự án bảo tồn và phát triển với các nhóm DTTS thông qua việc phát triển HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác…Điển hình trong số đó là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng DTTS và miền núi, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS, thu hút nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi. Tập hợp ý kiến nguyện vọng của đồng bào DTTS, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác vùng DTTS và miền núi để đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi.

Trong điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khu vực miền núi đang còn khó khăn, thì giải pháp trước mắt là tập trung nâng cao năng lực hoạt động của của HTX hiện có và thành lập thêm các HTX mới để thực hiện vai trò “bà đỡ” cho đồng bào và thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, đồng thời phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Vùng miền núi và đồng bào DTTS ở Nghệ An gồm ở 11 huyện, thị xã, hiện có 279 HTX, chiếm 35% số lượng HTX trên toàn tỉnh. Trong đó có 221 HTX nông, lâm nghiệp; 23 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề; 7 HTX vận tải; 15 HTX thương mại, dịch vụ và chợ; 4 HTX xây dựng; 2 HTX môi trường; 7 quỹ tín dụng dụng nhân dân...

Đông Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/htx-dong-vai-tro-quan-trong-trong-xoa-doi-giam-ngheo-tai-vung-dan-toc-thieu-so-nghe-an-1090888.html