HTX kiểu mới trở thành hạt nhân giảm nghèo bền vững ở Quảng Ngãi
Quảng Ngãi - mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, cũng là nơi sinh sống của hơn 200 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Để đời sống kinh tế của người dân trong tỉnh ngày một ấm no và phát triển, bên cạnh những chính sách hỗ trợ an sinh, tỉnh Quảng Ngãi còn từng bước đặt nền móng cho một hướng đi bền vững: Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) gắn với đặc trưng vùng miền.
Trong đó, các HTX kiểu mới nổi lên như những “hạt nhân” tạo sinh kế, thay đổi tư duy sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa và giảm nghèo một cách căn cơ. Mô hình HTX không chỉ đơn thuần là tổ chức kinh tế mà còn là nhịp cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa nỗ lực tự thân và sự hỗ trợ có tổ chức – trở thành động lực mới giúp đồng bào DTTS Quảng Ngãi vươn lên phát triển.
Câu chuyện thoát nghèo nhờ làm nông nghiệp sạch
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 200 nghìn người là đồng bào dân DTTS, chiếm 14% dân số toàn tỉnh, với hơn 30 dân tộc, trong đó có 3 dân tộc chiếm tỷ lệ cao là Hrê, Cor và Cadong.
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Trà Bồng đã tận dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và tỉnh để thúc đẩy tiến trình giảm nghèo bền vững. Năm 2024, huyện được giao tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên 144 tỷ đồng, trong đó hơn 62,7 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và trên 81,3 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Đến hết tháng 1/2025, huyện đã giải ngân hơn 131,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 91,07% .

Trồng nấm sạch tại HTX Trà Bình. Ảnh BQN
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ đúng mục tiêu, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể từ 29,77% năm 2023 xuống còn 20,12% cuối năm 2024, tương đương giảm 9,65%; riêng hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm còn 29,45%. Những con số biết nói này phản ánh rõ nét hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội đang được triển khai sâu rộng, tạo chuyển biến tích cực trong nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Cuối tháng 1/2025, toàn huyện Trà Bồng có 1.943 hộ cần hỗ trợ về nhà ở, trong đó có 1.559 hộ xây mới, 384 hộ cần sửa chữa. Trong năm 2025, huyện xác định tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm nghèo, phấn đấu giải ngân 100% nguồn vốn được giao. Song song với đó, công tác tuyên truyền sẽ được tăng cường, phát huy sức mạnh cộng đồng để hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và người có công – góp phần xây dựng Trà Bồng ngày càng khởi sắc, bền vững.
Trong hành trình giảm nghèo và phát triển kinh tế tại huyện Trà Bồng, HTX Nông nghiệp thương mại và dịch vụ tổng hợp Trà Bình (HTX Trà Bình) là một mô hình KTTT hiệu quả, góp phần thay đổi tập quán canh tác truyền thống, mở ra hướng đi mới cho nông dân địa phương – đặc biệt là đồng bào DTTS.
Anh Lê Văn Biên - Giám đốc HTX chia sẻ: Từ việc nuôi gà, heo bản địa, cá nước ngọt, sản xuất gà ủ muối... đến nay, HTX Trà Bình đã mạnh dạn chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp sạch với các mô hình trồng rau, nấm bào ngư xám, nấm linh chi và sản xuất thử nghiệm chuối sấy dẻo. Đặc biệt, HTX đã phối hợp với Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm (Đà Nẵng) tổ chức tập huấn nông nghiệp sạch cho 70 hộ dân – trong đó có đông đảo bà con DTTS. Sau khóa học, nhiều hộ đã tham gia vào HTX, từng bước làm chủ kỹ thuật, cùng nhau sản xuất.
HTX có 23 thành viên, chia thành các tổ sản xuất như rau sạch, nấm sạch, nuôi gà, nuôi cá... Một số thành viên tham gia nhiều tổ, tạo điều kiện tăng thu nhập. Ngoài ra, HTX còn liên kết với nhóm hộ bên ngoài để mở rộng vùng nguyên liệu và tạo thêm cơ hội cho người dân tham gia chuỗi giá trị.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Bình, mô hình tổ sản xuất nông nghiệp sạch của HTX không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản mà còn tạo việc làm tại chỗ, cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Với hướng đi đúng đắn, sự linh hoạt và đồng lòng từ các thành viên, HTX Trà Bình đang khẳng định vai trò là điểm tựa vững chắc trong phát triển kinh tế cộng đồng, xây dựng nền nông nghiệp sạch, hiện đại và bền vững.
Liên kết HTX - tạo nguồn sinh kế mới
Với vai trò là cầu nối và lực đẩy quan trọng cho khu vực kinh tế tập thể, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao năng lực, hỗ trợ phát triển bền vững cho các HTX trên địa bàn. Từ tháng 4/2025 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức hai lớp tập huấn chuyên đề về kỹ năng đọc và lập báo cáo tài chính hằng năm cho cán bộ HTX; đồng thời hỗ trợ các HTX tham gia hội chợ, phiên chợ xúc tiến thương mại tại Bạc Liêu, Đà Nẵng và khu vực miền Bắc nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, Liên minh còn tích cực hỗ trợ các HTX lập hồ sơ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Theo ông Hồ Quý Nhân – Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh, đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý, quản trị HTX; tư vấn xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chứng nhận VietGAP; hỗ trợ lập phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường…
Nhờ những hoạt động đồng hành, hỗ trợ hiệu quả, đến tháng 3/2025, toàn tỉnh có 325 HTX với hơn 292.000 thành viên, tạo việc làm ổn định cho hơn 3.850 lao động thường xuyên. Doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 2,1 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động lần lượt đạt 62 triệu và 56 triệu đồng/người/năm. Các HTX ngày càng đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế địa phương.

Phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho bà con nơi đây.
Đáng chú ý, việc thành lập Liên hiệp HTX cộng đồng điều phối du lịch bền vững vào tháng 4/2025 tại làng Gò Cỏ (TX. Đức Phổ) đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên minh HTX tỉnh và các địa phương trong việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới ở Quảng Ngãi. Đây là liên hiệp HTX đầu tiên ở Việt Nam phát triển mạng lưới các HTX gắn với phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn di sản và phát triển sinh kế bền vững. Liên hiệp HTX đề ra mục tiêu kết nối đa dạng các sản phẩm - dịch vụ văn hóa Sa Huỳnh - Chăm Pa và Đại Việt. Liên hiệp HTX đã thu hút sự tham gia của 6 HTX thành viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông thôn, văn hóa – lịch sử và bảo tồn nghề truyền thống, Liên hiệp hướng đến mục tiêu tạo ra chuỗi giá trị du lịch toàn diện, tăng cơ hội việc làm cho người dân địa phương nhất là vùng có đông đồng bào DTTS, vùng núi.
Song song với đó, những năm gần đây, Quảng Ngãi chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình HTX do phụ nữ quản lý. Toàn tỉnh hiện có 16 HTX do nữ làm chủ, với gần 400 thành viên, trong đó có nhiều HTX hoạt động tại các xã vùng đồng bào DTTS. Các “nữ thủ lĩnh” HTX không ngừng nỗ lực vượt khó, điều hành HTX hoạt động hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân.
Hơn 6.600 hộ dân được hỗ trợ nhà ở
Ngay sau khi Trung ương phát động Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc tích cực. Lễ phát động Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra vào ngày 28/11/2024 đã thu hút đông đảo cán bộ, doanh nghiệp và nhân dân tham gia, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái.
Tính đến ngày 17/3/2025, toàn tỉnh có 6.604 hộ dân có nhu cầu được hỗ trợ nhà ở, trong đó cần xây mới 4.344 căn và sửa chữa 2.260 căn, với tổng kinh phí dự kiến hơn 328 tỷ đồng. Đến hết quý I năm 2025, đã có 1.320 căn nhà được xây dựng, sửa chữa, đạt gần 20% kế hoạch. Tổng nguồn lực huy động đạt gần 170 tỷ đồng, đến từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và sự đóng góp xã hội hóa.
Với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến hết quý III năm 2025 sẽ hoàn thành việc xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là hành động nhân văn sâu sắc, góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào DTTS.
Giữa miền đất nắng gió, những mô hình HTX như mầm xanh đang vươn lên mạnh mẽ, gieo hy vọng mới cho người dân nơi đây. Không chỉ là sự thay đổi trong cách làm kinh tế, mà còn là chuyển biến trong tư duy, là niềm tin vào một tương lai no đủ ngay trên chính quê hương mình.