HTX Nông nghiệp Long Thành Phát nuôi gà công nghệ xuất đi Nhật Bản
Để xuất được vào thị trường khó tính này, Hợp tác xã (HTX) phải đáp ứng được quy trình liên kết chuỗi, có truy xuất nguồn gốc từ con giống, thức ăn, nguồn nước... Chính vì vậy nuôi gà theo mô hình công nghệ cao là lựa chọn tối ưu của HTX
Hơn 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi gà, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai) là một trong những nông dân tiên phong đầu tư phát triển ngành chăn nuôi gà công nghiệp. Gà công nghệ cao của HTX Long Thành Phát đã được xuất đi Nhật Bản.
Không chỉ là một trong những chủ trang trại đầu tiên của Việt Nam đủ điều kiện chăn nuôi gà công nghiệp xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, ông còn xây dựng thành công hợp tác xã nuôi gà xuất khẩu duy nhất trên cả nước là hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao.
Hình thức nuôi gà mới này sẽ trở thành xu hướng trong tương lai, khi mà quỹ đất sẽ trở thành bài toán khó. Chúng tôi phải luôn tính trước một bước, đưa các kĩ thuật hiện đại của thế giới để áp dụng tại chính tỉnh Đồng Nai. Hơn nữa, công nghệ nuôi tự động bằng chuồng chữ H cũng giải quyết được vấn đề an toàn dịch bệnh và tiết giảm được nhân công rất lớn”, ông Quyết cho biết.HTX Long Thành Phát: Nuôi gà xuất khẩu, lợi đôi đường Kinh doanh xanh
HTX Long Thành Phát là đơn vị tiên phong làm trại lạnh để nuôi gà tại Đồng Nai, trại gà sử dụng hệ thống làm mát tự động, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió sẽ được điều chỉnh tự động theo từng ngày tuổi của gà. Đây là những yếu tố quyết định thành công trong việc nuôi gà.
Nhờ nắm được những thông số kỹ thuật cần thiết trong trang trại, người nuôi có thể chủ động kiểm soát, ngăn chặn mầm bệnh và tác nhân gây bệnh cho gà từ bên ngoài. Do đó tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi thấp.
Theo chân ông Lê Văn Quyết, chúng tôi tiếp tục đến trang trại nuôi gà công nghệ cao của HTX Long Thành Phát tại huyện Cẩm Mỹ rộng 2,9ha. Đây là trang trại được thiết kế dạng tầng và đưa vào vận hành hệ thống chuồng chữ H đầu tiên trên cả nước, công nghệ nuôi tự động hóa hoàn toàn.
Theo đó, trang trại được xây dựng dạng 2 lầu, mỗi lầu có 3 lồng nuôi, mỗi lồng gồm 3 tầng nhỏ giúp tăng diện tích nuôi gà mà không bị quá tải. Số lượng dự kiến nuôi theo hình thức mới này là 90.000 con gà lông trắng chuyên thịt.
Xuất khẩu (XK) thành công sang Nhật Bản đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của HTX khi góp phần không nhỏ vào sự thành công của ngành chăn nuôi gia cầm. Vì Nhật Bản vốn là thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh.
Để XK được vào thị trường khó tính này, HTX phải đáp ứng được quy trình liên kết chuỗi XK, có truy xuất nguồn gốc từ con giống, thức ăn, nguồn nước... Chính vì vậy nuôi gà theo mô hình công nghệ cao là lựa chọn tối ưu của HTX
Tuy nhiên, theo những người đứng đầu HTX, chăn nuôi để XK khác xa với nuôi gia công. Nuôi gia công, người nuôi được doanh nghiệp hỗ trợ từ vốn đầu tư trang trại đến con giống, thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi làm theo kiểu lấy công làm lời. Nuôi gà XK, người nuôi phải chủ động nguồn vốn lớn để đầu tư và duy trì sản xuất.
“Ngoài việc phải nắm chắc kỹ thuật, có kinh nghiệm, năng động thì các thành viên phải bảo đảm về nguồn tài chính, đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng đàn gà theo đúng tiêu chuẩn của đối tác”, ông Lê Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết.
Nhưng nhờ tiềm lực của từng thành viên, cộng với việc thành lập HTX, cùng nhau liên kết làm ăn theo chuỗi, sự hỗ trợ của các ban ngành, thành viên HTX đã thích ứng và thành công với mô hình sản xuất gà XK.
Để XK sang Nhật Bản, trang trại của HTX phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe. Trước hết, doanh nghiệp Nhật Bản cử chuyên gia xuống thẩm định khu vực sản xuất, vị trí trang trại phải xa khu dân cư, chuồng trại xây bài bản, bảo đảm an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm, thoáng mát, xanh sạch.
Toàn bộ trang trại được lắp đặt hệ thống làm mát tự động. Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió… được điều chỉnh tự động theo từng ngày tuổi của con gà. Cám chở từ nhà máy bằng xe bồn, sau đó bơm tự động vào hầm ủ thức ăn và dẫn vào các máng ăn. Đối với nước uống và thuốc thú y, HTX cũng sử dụng máy pha thuốc qua hệ thống tự động đưa đến từng núm uống.
Để giải quyết mùi hôi, bảo đảm vệ sinh môi trường, HTX sử dụng đệm sinh học và công nghệ khử mùi. Trại gà hoàn toàn không có nước thải nên không ô nhiễm môi trường. Sau mỗi lứa gà xuất chuồng, phân gà được HTX ký kết với công ty Huy Bảo thu gom để sản xuất phân vi sinh. Chất thải nguy hại chủ yếu là bao bì thuốc thú y được HTX ký kết với công ty Sonadezi thu gom xử lý đúng quy định.
Một điều dễ nhận thấy là xung quanh trang trại, HTX hoàn toàn không để cỏ mọc um tùm mà được đổ bê tông, tráng nhựa, trồng cây xanh hài hòa với thiên nhiên. Tuy chăn nuôi lớn, nhưng trang trại của HTX không có mùi hôi và chất thải độc hại. Lượng nhân công cũng được tiết giảm vì hầu hết các quy trình đều thực hiện tự động bằng máy móc, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Chỉ những người chăn nuôi mới được ra vào khu vực chăn nuôi, khi vào cũng phải trải qua hàng loạt thủ tục sát trùng. Đặc biệt, mỗi khu trại phải xây sẵn một lò thiêu với vốn đầu tư 1 tỷ đồng để tiêu hủy xác gà chứ không chôn gà theo cách truyền thống, hay vứt gà bừa bãi khi có dịch bệnh xảy ra.
Trước khi gà xuất chuồng 5 ngày, phía doanh nghiệp Nhật Bản lại đến kiểm tra bằng cách lấy từng mẫu thịt gà đem đi xét nghiệm. Nếu đạt yêu cầu, không tồn dư kháng sinh thì mới tiến hành thu mua. Nếu không đạt, doanh nghiệp sẽ không mua nguyên lô gà của chuồng đó, HTX còn bị xử phạt vì vi phạm hợp đồng.
Với ý chí, bản lĩnh quyết tâm chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững, hiện nay, 10 trang trại của 10 thành viên có tổng đàn gà bảo đảm sản lượng lớn có nguồn cung ổn định khoảng 25.000 con/ngày cho đối tác chế biến XK thịt gà sang Nhật Bản. Nguồn gà còn lại (30%), HTX tiêu thụ trong nước với các doanh nghiệp có thương hiệu như Ba Huân, San Hà, Tân Mỹ Châu, Long Bình…
Mục tiêu của HTX là tiếp tục mở rộng hệ thống các trang trại chăn nuôi, đáp ứng tốt cả nhu cầu của thị trường nội địa và XK. Đây cũng là cách để HTX phát triển chuỗi liên kết, từng bước chung sức tháo gỡ những khó khăn của ngành chăn nuôi gia cầm.