HTX ở Si Ma Cai nỗ lực nâng cao thu nhập cho người dân
Trong xây dựng nông thôn mới, thu nhập luôn là tiêu chí khó đối với nhiều địa phương, đặc biệt là ở những địa bàn vùng cao, vùng xa đặc biệt khó khăn. Tại huyện vùng cao Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, để nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương đã chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP và phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp.
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai hỗ trợ các HTX tại huyện Si Ma Cai thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Nhờ đó, thu nhập của các HTX tăng cao, đời sống thành viên ngày càng ổn định.
Gia tăng các sản phẩm OCOP
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, cùng với đẩy mạnh sản xuất, xã Bản Mế (huyện Si Ma Cai) hiện đã xây dựng được 2 sản phẩm OCOP là Chuối hột rừng và Cuống lá quế, mang lại thu nhập tốt cho nhiều hộ dân. Đáng chú ý, cả hai sản phẩm này đều thuộc một chủ thể là HTX Thương mại và Dịch vụ Hải Châm.
Những năm qua, diện tích cây quế và chuối hột trên địa bàn xã Bản Mế không ngừng tăng, hình thành vùng nguyên liệu với 220 ha. Khai thác tiềm năng này, từ tháng 8/2023, HTX Hải Châm đã triển khai thu mua nông, lâm sản cho bà con, đồng thời đầu tư dây chuyền công nghệ sấy, đóng gói sản phẩm.
Lãnh đạo HTX Hải Châm cho biết: Trước đây, 1kg chuối hột sấy khô có giá khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Từ khi sản phẩm đạt OCOP, doanh nghiệp thu mua nhiều hơn, bây giờ giá lên tới 50.000 – 60.000 đồng/kg. Đồng thời, diện tích trồng chuối hột sẽ nhân rộng trên cả 5/5 thôn nhằm tăng diện tích chuối hột. Riêng với cây quế, nhờ đầu ra ổn định, hiện nay diện tích trồng quế đã tăng đáng kể, với trên 100ha quế. Năm 2023 có trên 20 hộ tham gia trồngquế, đến năm 2024 đã tăng lên 50 hộ.

HTX Thương mại và Dịch vụ Hải Châm có 2 sản phẩm OCOP là Chuối hột rừng và Cuống lá quế
Cùng với tận dụng, khai thác lợi thế phát triển sản xuất, chăn nuôi, một số địa phương cũng chú trọng đến những ngành nghề phi nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân.
Là một trong những HTX đầu tiên trên địa bàn huyện Si Ma Cai tiếp cận chế biến nông sản, đến nay các sản phẩm trà túi lọc tam thất, bột tam thất, trà tam thất... của HTX Mản Thẩn đã được cung cấp đến nhiều người tiêu dùng trên cả nước. HTX cũng triển khai trồng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Đại diện HTX Mản Thẩn cho biết, khi chưa có HTX, canh tác theo hộ gia đình thì bà con chưa có kỹ thuật, nên năng suất, sản lượng rất thấp. Giờ đây, tham gia HTX, bà con được hỗ trợ về canh tác và chế biến cây dược liệu.
Đến nay, HTX Mản Thẩn thu hút cả trăm thành viên tham gia. Mục đích thành lập HTX là để khẳng định thương hiệu cho những sản phẩm do chị em người Mông nơi đây làm ra. Đáng chú ý, hầu hết các thành viên HTX đang có nguồn thu nhập ổn định và không còn hộ nghèo.
Phát huy lợi thế nông nghiệp
Thống kê cho thấy, huyện Si Ma Cai hiện có 28 HTX và 67 tổ hợp tác, với hơn 1.000 thành viên, góp phần tích cực trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo việc làm.
Hơn 90% số hộ dân của Si Ma Cai có thu nhập chính từ nông nghiệp. Thời gian qua, địa phương đã quan tâm nâng cao hiệu quả của các HTX, thu hút đầu tư, liên kết để mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới hình thành chuỗi giá trị, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, giá trị gia tăng cao.

Sản phẩm OCOP Cuống lá quế sấy khô Bản Mế.
Thời gian qua, huyện Si Ma Cai đã chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, HTX vào liên kết sản xuất với nông dân, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như sản xuất cây dược liệu, trên địa bàn huyện hiện có 3 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đây sẽ là cơ hội để ngành nông nghiệp Si Ma Cai ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đồng thời giúp bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Lãnh đạo huyện Si Ma Cai cho biết, là một trong những huyện nghèo biên giới của tỉnh Lào Cai, có đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với đặc thù là một huyện thuần nông, Si Ma Cai đã tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch nông nghiệp, xác định cây - con chủ lực là cây lê, mận, dược liệu và trâu, bò, lợn đen.
Do đó, huyện xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nên một trong những mục tiêu hàng đầu phát triển kinh tế - xã hội được Đảng bộ huyện Si Ma Cai đặt ra là đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững.
Tập trung vào "trụ đỡ" HTX
Mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo trong năm 2025 của huyện Si Ma Cai vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi những giải pháp căn cơ.
Để nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện cũng chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất cây ăn quả ôn đới, chú trọng thâm canh tăng vụ, nhất là trồng rau trái vụ. Với trên 60 ha rau trái vụ, có những thời điểm nông dân Si Ma Cai thu về từ 6 - 9 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng. Với những giải pháp đồng bộ trong phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của người dân Si Ma Cai đã tăng so với trước đó. Tuy nhiên, để đạt chuẩn tiêu chí hộ nghèo và thu nhập trong xây dựng nông thôn mới đang là thách thức lớn với nhiều địa phương.
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, huyện Si Ma Cai khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế HTX, tổ hợp tác… tạo việc làm tại chỗ cho người lao động; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo bằng các hình thức cụ thể, thiết thực như: trang bị phương tiện lao động, hỗ trợ cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…
Theo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX, năm 2024, huyện Si Ma Cai thành lập mới 5 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn lên 28. Doanh thu bình quân khoảng 4 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập thường xuyên của thành viên HTX đạt bình quân 6,5 triệu đồng/tháng.
Trong năm nay, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai cho biết sẽ nhân rộng mô hình HTX tại huyện Si Ma Cai, đồng thời đặt mục tiêu tăng thu nhập cho HTX và các thành viên. Để thực hiện các mục tiêu trên, huyện đề ra các giải pháp trọng tâm: Tạo điều kiện cho các mô hình tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; đẩy mạnh giao đất cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức được ít nhất 3 lớp tập huấn kỹ năng quản lý, phát triển thị trường cho cán bộ quản lý, lãnh đạo HTX.
Có thể nói, việc phát huy vai trò của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong liên kết sản xuất trên địa bàn đã góp phần hình thành các mặt hàng nông sản thế mạnh, đặc trưng mang thương hiệu Si Ma Cai, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số.