HTX tạo sức bật từ thương hiệu

Thay vì chỉ đơn thuần bán cà phê, hồ tiêu, trái cây… thô, các HTX nên gia tăng giá trị, đặc biệt là giá trị kinh tế nhờ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng những câu chuyện hấp dẫn.

Truyền thông, xây dựng thương hiệu là một phần của chuỗi giá trị hàng hóa. Vậy, làm sao có thể phủ rộng được sự nhận biết, tin yêu đối với những thương hiệu nông sản của người dân, HTX đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước? Điều này đòi hỏi HTX, doanh nghiệp và cả người dân cần có những giải pháp, định hướng phù hợp.

Thương hiệu chưa đủ mạnh

Trong một chuỗi giá trị từ sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, chế biến sâu, lưu trữ, đóng gói - vận chuyển, phân phối bán hàng thì khâu phân phối, bán hàng là liên quan nhiều nhất đến truyền thông, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là các khâu khác không liên quan, mà cần có sự phối hợp, giao thoa mạnh mẽ hơn nữa giữa các khâu trong chuỗi giá trị và đặc biệt có sự phối hợi giữa các nhân tố trong hệ sinh thái từ nhà nông - HTX đến nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư thì mới có hiệu quả.

Chẳng hạn những thí nghiệm trong sản xuất nông nghiệp của các nhà khoa học muốn thành hiện thực và đi vào thực tiễn thì phải cần đến sự hỗ trợ của nhà nông - HTX, nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp…

Tuy nhiên, HTX muốn thành công trong chuỗi giá trị thì không thể “rời bỏ mắt” ra khỏi người tiêu dùng. Vì thực tế hiện nay, cái nhìn của người dân, HTX về người tiêu dùng vẫn còn mờ nhạt. Chính vì vậy, muốn xây dựng được thương hiệu sản phẩm, HTX cần vạch ra chân dung của những nhà tiêu dùng để giảm bớt được những khó khăn trong chuỗi giá trị.

Nhưng dù thế nào thì HTX, doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng, thương hiêu là tên gọi, biểu tượng của HTX, doanh nghiệp, sản phẩm địa phương. Thương hiệu đại diện cho giá trị vật chất và cảm xúc của người mua. Đây cũng là lý do người tiêu dùng mua hoặc không mua sản phẩm của HTX, doanh nghiệp.

Hiện, một số HTX đang chung tay phát triển những thương hiệu nông sản như: chè Tân Cương, dê núi Ninh Bình, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết, vải thiều Bắc Giang… Nhưng nhìn chung các thương hiệu này phát triển vẫn còn chậm, chưa đủ mạnh để tạo ra sức bật trên thương trường quốc tế.

Chỉ cần nhìn một vấn đề đơn giản là nước uống. Với giá trị cộng thêm bằng cách biết tạo nên thương hiệu, tạo nên câu chuyện cho sản phẩm mà nhiều đơn vị sản xuất đã biến giá trị của nước thành những giá trị về kinh tế vô cùng lớn.

Giá trị cốt lõi trong xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản là phải kể được câu chuyện hấp dẫn, lay động lòng người về sản phẩm.

Giá trị cốt lõi trong xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản là phải kể được câu chuyện hấp dẫn, lay động lòng người về sản phẩm.

Chẳng hạn như giá bán 1 lít nước đóng chai của thương hiệu nước đóng chai Evian (Pháp) là 1,41 USD, cao hơn 710 lần nước sạch uống trực tiếp từ vòi.

Hay theo tính toán từ các nhà nghiên cứu, nếu tự làm cà phê nguyên liệu thì giá trị của sản phẩm lúc này chỉ có 0,05 USD/ly. Nhưng khi đã chế biến thành cà phê thành phẩm (cà phê bột), giá sản phẩm tăng lên là 0,15 USD/ly. Nếu người sản xuất biết cung cấp các dịch vụ cộng thêm, giá sẽ là nâng lên là 1,5 USD/ly và khi đưa sản phẩm cà phê vào trong các không gian trải nghiệm cảm xúc, giá sản phẩm sẽ là 3-5 USD/ly.

Nhìn từ thực tiễn trên có thể thấy, nếu biết tận dụng những gì sẵn có và biết thu hút người tiêu dùng bằng cách xây dựng thương hiệu thì giá trị đầu cuối của sản phẩm sẽ giúp đơn vị sản xuất gia tăng sức bật của giá trị tài chính là vô cùng lớn.

Và nếu tất cả các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông sản ở Việt Nam đều gia tăng được giá trị từ thương hiệu thì đời sống người nông dân, thành viên HTX sẽ sung túc như thế nào!

Cần kể câu chuyện lay động lòng người

Vậy, đối với HTX, doanh nghiệp nhỏ, làm thế nào để tạo ra sự khác biệt và giá trị cộng thêm cho các HTX nếu muốn sản xuất theo chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn?

Theo các chuyên gia, muốn xây dựng được một thương hiệu mạnh, người dân, HTX, doanh nghiệp cần tạo và kể ra được những câu chuyện hấp dẫn về sản phẩm, về thương hiệu bằng cách có thể làm lay động lòng người. Điều này rất có lợi thế với các HTX nông nghiệp, đặc biệt là những HTX có sản phẩm OCOP vì liên quan đên yếu tố văn hóa, con người, khí hậu, điểm đặc trưng của địa phương… Những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm và dễ thu hút người tiêu dùng.

Chẳng hạn như các HTX sản xuất cá tra của Việt Nam có thể xây dựng một câu chuyện mà người Mỹ cảm thấy hấp dẫn, lay động từ yếu tố khí hậu, con người, sông ngòi… Điều này sẽ rất khác với việc chỉ đơn thuần hướng dẫn họ cách mở hộp cá, chế biến cá tra ra sao. Và nó cũng mang lại những giá trị không hề nhỏ giống như việc khi đặt chân đến nước Pháp, rất dễ bắt gặp người Pháp say sưa kể về câu chuyện sản xuất rượu vang…

Ông Nguyễn Trần Quang, CEO công ty Future one Hoa Kỳ (Cố vấn nội dung chương trình Sark Tank Việt Nam), cho biết ngày nay, có rất nhiều video, phim ảnh liên quan đến ẩm thực, nông sản từ bình dân đến cao cấp ở các nước và đều thu hút rất nhiều người xem trên các nền tảng xã hội.

Còn ở Việt Nam, tuy đã phát triển hình thức này nhưng dường như vẫn chậm chân hơn so với các nước. Ngay như những món ăn, thức uống như chả giò, phở, cà phê… dù được nhiều đầu bếp, du khách ca ngợi nhưng về độ nổi tiếng thì chưa thực sự nhiều như một số món ăn của các nước trên thế giới.

“Điều này là do các đơn vị trong chuỗi giá trị chưa kể được câu chuyện hấp dẫn cho sản phẩm của mình giống như các nước đã làm”, ông Nguyễn Trần Quang chia sẻ.

Thực tế, để kể được một câu chuyện hấp dẫn, cần rất nhiều yếu tố thì mới giúp cho người tiêu dùng có cái nhìn từ tổng quan đến cụ thể về sản phẩm. Các chuyên gia, chuyên gia dẫn chứng, một số HTX, doanh nghiệp xuất nước mắm ở Phan Thiết có thể xây dựng thương hiệu bằng cách kể câu chuyện về làng chài làm muối, làm nước mắm như thế nào, có sự giao thoa nước mắm với nền văn hóa Chăm như thế nào, có thể xây dựng bảo tàng nước mắm, mở các cửa hàng, xây dựng các chương trình ca múa nhạc, video về làng nghề nước mắm… để giới thiệu, quảng bá cho sản phẩm nước mắm.

Làm được điều đó, nếu nước mắm thông thường có giá trung bình 100.000 - 200.000/chai, thì những HTX, doanh nghiệp này có thể bán với giá cao hơn mà người mua vẫn cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn. Và đây chính là giá trị cộng thêm cho chủ thể sản xuất ra sản phẩm.

Đặc biệt ngày nay, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ thêm tiền để được thưởng thức những giá trị gia tăng từ sản phẩm. Chính vì vậy, các HTX cần tận dụng điều này để phát triển chuỗi và tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm mình làm ra.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-tao-suc-bat-tu-thuong-hieu-1092279.html