HTX thành công nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
Sau 8 năm chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012, đến nay, HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Quang Phục ( HTX Nông nghiệp Quang Phục), huyện Tiên Lãng đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, là đơn vị dẫn đầu khối các HTX nông nghiệp tại TP Hải Phòng.
HTX Quang Phục hiện có 7 cán bộ chủ chốt và 2.578 thành viên tại 14 thôn trong toàn xã; có nhiều dịch vụ để phục vụ thành viên và các thương lái như: sản xuất hạt giống, dịch vụ thủy lợi, sấy thóc, sản xuất gạo an toàn, cung ứng vật tư nông nghiệp...
Lò sấy - "cứu cánh" của nông dân những ngày mưa
Tổng diện tích sản xuất lúa của toàn xã Quang Phục là 440 ha (vụ chiêm) và 505 ha (vụ mùa ). Thời gian thu hoạch lúa vụ chiêm thường kéo dài từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6 dương lịch hàng năm. Thời gian thu hoạch lúa mùa thường vào tháng 10 hàng năm. Đây cũng là khoảng thời gian mưa rào, mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới...
Thời tiết mưa gió không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch lúa ở các địa phương mà còn gây khó khăn trong việc phơi hong, bảo quản lúa của nông dân, nhất là những hộ cấy với diện tích lớn. Để giảm bớt thất thoát sau thu hoạch, chất lượng gạo được nâng lên, từ năm 2016, HTX Quang Phục đã cử cán bộ vào miền Nam học hỏi và quyết định đầu tư lắp đặt 3 lò sấy thóc cho thành viên, nông dân trong xã và thương lái các vùng lân cận.
Ông Phạm Văn Ứng, cán bộ HTX cho biết, lò sấy luôn duy trì nhiệt độ từ 32 đến 35 độ C, cần khoảng 40 giờ để sấy xong một mẻ thóc tưới. HTX có 3 lò sấy, với các sàng sấy 15 tấn, 20 tấn và hơn 30 tấn. Tổng công suất của 3 lò sấy do HTX lắp đặt và vận hành đạt hơn 65 tấn. Trung bình mỗi năm, HTX sấy khoảng 1.500 tấn thóc. Hiện nay, HTX đang áp dụng mức dịch vụ sấy thóc là 700.000 đồng/tấn thóc nếp và 650.000 đồng/tấn thóc tẻ các loại.
“Trước kia, khi không có máy sấy của HTX, nông dân phải phơi thóc thủ công. Có những ngày đang phơi, mưa rào ập đến, chưa kịp thu dọn nên thóc ướt mèm. Những mẻ thóc phơi gặp mưa như vậy, hoặc thu hoạch xong mà trời mưa mấy ngày không phơi được ngay thường cho chất lượng thấp (hạt đục, gẫy - tấm gạo nhiều, để lâu hay bị mối mọt...), thương lái khi thu mua thóc gạo thường dèm và trả giá thấp. Hơn 6 năm trở lại đây, HTX đã đầu tư máy sấy về phục vụ bà con trong toàn xã nên nông dân yên tâm canh tác, thu hoạch, không còn lo thời tiết. Thóc sau khi được máy gặt tại đầu bờ sẽ đóng bao vận chuyển thẳng về HTX, cán bộ tại HTX sẽ nhận thóc của bà con, cân lại rồi đưa vào lò sấy. Sau khoảng 2 ngày, mình sẽ tới để nhận lại thóc được đóng sẵn vào bao...", anh Nguyễn Văn Đạt, một nông dân cấy khoảng hơn 2 mẫu lúa trong xã phấn khởi nói.
Cánh đồng "3 cùng"
Bên cung cấp dịch vụ sấy thóc cho bà con nông dân và thương lái, HTX Quang Phục còn trực tiếp sản xuất 45 ha lúa các loại gồm các giống như J02; 986, nếp... Diện tích này một phần là thuê lại ruộng của bà con để canh tác, một số là thầu lại diện tích đất 5% của địa phương và liên kết với nông dân. HTX chịu trách nhiệm cung cấp giống, vật tư đầu vào, chăm sóc và bao tiêu 100% sản phẩm", Giám đốc Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.
Theo đó, mô hình sản xuất giống lúa J02 với diện tích 25 ha tại thôn Lật Dương được HTX liên kết với Công ty Cổ phần giống vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam thực hiện. Áp dụng theo phương châm cánh đồng mẫu lớn 3 cùng "Cùng giống, cùng thời vụ, cùng phương thức canh tác và thực hiện cơ giới hóa mạ khay, cấy máy, phun trừ thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay". Hiện nay đang là cao điểm của vụ thu hoạch lúa chiêm, lúa J02 tại thôn Lật Dương được mùa, trung bình đạt 2,7 tạ/sào (360m2).
Theo chia sẻ của nông dân tham gia sản xuất trong mô hình, bên cạnh được tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, họ còn có thêm lợi nhuận gia tăng từ việc bao tiêu lúa giống của HTX và đơn vị liên kết (đối với những khu vực sản xuất lúa giống) cao hơn so với sản xuất lúa thương phẩm theo tỷ lệ quy đổi 1kg lúa giống = 1,25kg lúa thương phẩm.
Kỹ sư Hoàng Thị Tâm - Trạm khuyến nông huyện Tiên Lãng đánh giá về mô hình sản xuất giống lúa J02 của HTX: "Mô hình là điểm trình diễn thực tế, làm thay đổi tư tưởng, tập quán canh tác của các thành viên HTX, nông dân xã Quang Phục. Đây sẽ là điểm thăm quan học tập, rút kinh nghiệm của các địa phương trong huyện và nhân rộng mô hình ra sản xuất đại trà, giúp các hộ nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng".
Để HTX phát triển bền vững, diện mạo nông nghiệp, nông thôn từng bước thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh, ông Tiến mong muốn huyện và thành phố tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực tới các HTX nông nghiệp, đặc biệt là về đất đai, khoa học kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp...