HTX tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp

HTX Nông nghiệp Nam Phượng, bản Lả Mường, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp. Với mục tiêu liên kết phát triển bền vững, HTX đã liên kết nhân dân trong sản xuất, đẩy mạnh tiến bộ kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân.

Mô hình trồng dứa của HTX nông nghiệp Nam Phượng.

Mô hình trồng dứa của HTX nông nghiệp Nam Phượng.

Thành lập năm 2011, với 7 thành viên ban đầu, đến nay HTX có 58 thành viên, vốn điều lệ trên 2 tỷ đồng; các thành viên tập trung phát triển sản xuất, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tham gia trồng 17 ha dứa, xoài, phát triển hơn 1,2 ha vườn ươm cây giống; 1,5 ha ao nuôi cá giống; duy trì trang trại nuôi bò sinh sản với 46 con, hàng nghìn con gà thịt, gà giống..., giải quyết việc làm thường xuyên từ 20-30 lao động địa phương.

Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư phát triển mô hình nuôi ong tại 40 hộ gia đình ở các xã: Mường Và, Dồm Cang, Sốp Cộp. Nhờ đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật tiên tiến, từ 90 đàn ong giống ban đầu, đến nay, số đàn ong tăng lên 760 đàn, hằng năm thu 2,6 tấn mật. Ông Lò Minh Dương, bản Nà Lốc, xã Sốp Cộp, chia sẻ: Trong quá trình nuôi ong, gia đình tôi được HTX hỗ trợ giống và các phương pháp chăm sóc ong. Đến nay, gia đình có 50 thùng ong, thu nhập từ bán mật ong được trên 40 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Duy Phượng, Giám đốc HTX, cho biết: HTX luôn đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi. Đồng thời, vận động thành viên áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; năng động tìm đầu ra cho các sản phẩm; phát triển kinh tế hộ gắn với phát triển HTX, hài hòa lợi ích thành viên với lợi ích của HTX.

HTX phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho các thành viên về: Nuôi ong, ghép cây ăn quả, chăm sóc và phòng trừ bệnh cho cây trồng. Ký kết với Phòng Dân tộc huyện tham gia dịch vụ cung ứng cá giống, gia cầm, bò sinh sản, giống cây ăn quả... cho nhân dân của các xã trong huyện.

Anh Nguyễn Duy Vui, bản Pe, xã Sốp Cộp, chia sẻ: Trước đây, chúng tôi trồng cây chỉ quan tâm đến năng suất, còn chất lượng, thị trường luôn bị động. Là thành viên HTX, tôi được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi của cơ quan chuyên môn tổ chức; được HTX hỗ trợ vốn, tôi đầu tư nuôi hơn 1 ha ao nuôi cá. Trung bình mỗi năm gia đình tôi xuất bán từ 3-4 tấn cá thương phẩm. Ngoài ra, tôi nuôi thêm 30 con lợn thịt, hàng trăm con gia cầm, trừ chi phí, bình quân một năm thu trên 250 triệu đồng.

HTX được huyện Sốp Cộp chọn là đơn vị tham gia triển khai trồng thí điểm dứa nguyên liệu theo chuỗi liên kết, cung cấp sản phẩm cho Trung tâm chế biến rau quả DOVECO, ông Phượng, chia sẻ thêm: Năm 2020, HTX trồng thí điểm 5 ha dứa nguyên liệu tại bản Pom Khăng, xã Sốp Cộp, sản lượng năm đầu tiên đạt 32 tấn/ha. Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc; hỗ trợ giống, phân bón, nilon phủ đất để giữ độ ẩm, ngăn cỏ dại mọc và cam kết bao tiêu sản phẩm. Cây dứa phù hợp, phát triển tốt có thể thu lãi từ 100-120 triệu đồng trở lên/ha. Vì vậy, HTX tiếp tục vận động thành viên trồng thêm 10 ha tại các bản Co Pồng, Pom Khăng, Nà Lốc và bản Pe, xã Sốp Cộp.

Năm 2022, tổng doanh thu của HTX đạt khoảng 15 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt hơn 6 triệu đồng/thành viên/tháng; duy trì tốt hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, HTX Nông nghiệp Nam Phượng tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân địa phương tham gia HTX; mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Tập trung thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh gắn với xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư dây chuyền công nghệ bảo quản sau thu hoạch, mua sắm các trang thiết bị lao động hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/htx-tieu-bieu-trong-san-xuat-nong-nghiep-ltsALLmIR.html