HTX và đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ 'sân chơi' thương mại điện tử
Trong bối cảnh kỷ nguyên số đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế, việc các đoàn thể ở Trà Vinh phối hợp với các cơ quan liên quan trang bị kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử (TMĐT) và chuyển đổi số (CĐS) cho đồng bào dân tộc thiểu số và HTX trở thành yếu tố then chốt để các chủ thể này bắt kịp xu hướng, mở rộng thị trường và nâng cao thu nhập.
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trong đó chủ yếu là Khmer. Các HTX tại các vùng này đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết sản xuất, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, trước đây, việc tiếp cận thị trường rộng lớn đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản đặc trưng của đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về kênh phân phối và thông tin thị trường.
Những "quả ngọt" ban đầu
Nhận thức được tiềm năng của TMĐT trong việc giải quyết những thách thức này, các cấp chính quyền tỉnh Trà Vinh đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX vùng đồng bào DTTS tiếp cận và ứng dụng TMĐT. Cùng với đó, sự chủ động, sáng tạo của các HTX và sự hỗ trợ từ các tổ chức, dự án đã tạo nên những chuyển biến đáng ghi nhận.
Một trong những điều dễ nhận thấy nhất là TMĐT đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số, HTX vượt qua rào cản về địa lý, tiếp cận trực tiếp với khách hàng ở khắp mọi miền đất nước, thậm chí là quốc tế. Các sản phẩm như chiếu Cà Hom, dệt thổ cẩm, các loại nông sản đặc trưng của đồng bào Khmer như mắm bò hóc, bún nước lèo, trái cây đặc sản... đã có mặt trên các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội và các website bán hàng trực tuyến.

HTX nông nghiệp - thương mại và dịch vụ Châu Hưng (Châu Thành) đã kết nối với nhiều khách hàng nhờ ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số.
Việc bán hàng trực tiếp giúp các HTX giảm bớt khâu trung gian, từ đó có thể bán sản phẩm với giá hợp lý hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn cho các thành viên. Đặc biệt, sự phát triển của TMĐT đã tạo ra những cơ hội việc làm mới cho người dân địa phương, từ việc quản lý gian hàng trực tuyến, đóng gói, vận chuyển đến marketing và chăm sóc khách hàng. Thu nhập của các thành viên HTX và người dân cũng được cải thiện đáng kể.
Hiện ở Trà Vinh đã có những HTX vùng đồng bào DTTS tiên phong trong ứng dụng TMĐT và gặt hái được những thành công bước đầu. Điển hình như HTX Dệt lụa Khmer Mỹ A (huyện Châu Thành) đã xây dựng website riêng, quảng bá và bán các sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống trên các sàn TMĐT lớn.
Hay HTX Nông nghiệp Thạnh Lợi (huyện Tiểu Cần) đã đưa các sản phẩm nông sản hữu cơ, đặc biệt là các loại rau màu và trái cây của đồng bào Khmer lên các kênh bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, một số tổ hợp tác và HTX thủ công mỹ nghệ ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã tích cực giới thiệu và bán các sản phẩm như đồ gỗ chạm khắc, trang sức bạc, các sản phẩm làm từ cây thốt nốt... thông qua mạng xã hội và các nền tảng TMĐT nhỏ lẻ.
Chắp cánh ước mơ vươn xa
Những tín hiệu này cho thấy sự nỗ lực không ngừng của các HTX và đồng bào DTTS trong việc phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa truyền thống thôn qua TMĐT. Trước đây, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, việc tiếp cận thị trường rộng lớn và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Sản phẩm đặc trưng của địa phương, mang đậm bản sắc văn hóa, đôi khi khó tiếp cận được người tiêu dùng ở các tỉnh thành khác, thậm chí là ngay trong tỉnh.
Thấu hiểu điều này, các cấp chính quyền tỉnh Trà Vinh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT và CĐS để tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu, thiết kế riêng cho đối tượng là thành viên HTX và bà con DTTS và miền núi. Các chương trình tập huấn tập trung vào những nội dung thiết thực, dễ hiểu, dễ áp dụng.
Tiêu biểu như việc phối hợp giữa tỉnh Trà Vinh, Liên minh HTX tỉnh với Viện Phát triển Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực TMĐT cho thành viên HTX và đại diện các hộ sản xuất kinh doanh vùng DTTS và miền núi.
Hay việc Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Nam tổ chức một số lớp “Tập huấn nghiệp vụ xúc tiến thương mại, kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng trên các sàn Thương mại điện tử” tại huyện Tiểu Cần.

Nông sản của người dân, HTX rộng đầu ra nhờ chuyển đổi số.
Những lớp đào tạo này đã tập trung giới thiệu về các sàn giao dịch điện tử phổ biến, cách tạo gian hàng trực tuyến, quản lý đơn hàng, thanh toán điện tử và các quy định pháp lý liên quan.
Thông qua đó, người dân và HTX vùng đồng bào DTTS được hướng dẫn xây dựng hình ảnh sản phẩm hấp dẫn, viết mô tả chi tiết và thu hút, thực hiện các chiến dịch quảng bá và marketing trên mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác.
Nhiều HTX, và hộ sản xuất được giới thiệu các công cụ và ứng dụng số giúp quản lý kho hàng, theo dõi doanh thu, tương tác với khách hàng hiệu quả hơn, đồng thời ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Có những buổi đào tạo, các HTX và cá nhân được hỗ trợ xây dựng câu chuyện thương hiệu độc đáo, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với sản phẩm, tạo dựng niềm tin và sự khác biệt trên thị trường.
Điểm đặc biệt của các khóa tập huấn này là sự chú trọng đến tính thực hành và tương tác. Các học viên không chỉ được lắng nghe các chuyên gia chia sẻ kiến thức mà còn được trực tiếp thực hành các thao tác trên máy tính và điện thoại thông minh, được giải đáp thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Nhiều HTX và cá nhân đã mạnh dạn tạo gian hàng trực tuyến ngay trong quá trình tập huấn, bước đầu tiếp cận với khách hàng tiềm năng trên khắp cả nước.
Giám đốc một HTX nông nghiệp tại huyện Cầu Ngang, chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi chỉ bán sản phẩm thông qua các kênh truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thương lái nên giá cả bấp bênh. Nhờ khóa tập huấn về TMĐT, tôi đã tự tin hơn rất nhiều trong việc đưa sản phẩm gạo hữu cơ của HTX lên các sàn thương mại điện tử. Bước đầu đã có những đơn hàng từ các tỉnh xa, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng”.
Anh Thạch Phol, một người dân tộc Khmer ở huyện Trà Cú, bày tỏ sự phấn khởi: "Tôi rất vui khi được tham gia lớp học này. Trước đây, tôi chỉ biết dệt chiếu rồi mang ra chợ bán, thu nhập rất thấp. Bây giờ, tôi đã biết cách chụp ảnh sản phẩm đẹp hơn, viết bài giới thiệu hấp dẫn và đăng bán trên mạng xã hội. Nhiều người ở xa cũng biết đến sản phẩm chiếu thủ công của tôi và đặt mua, cuộc sống gia đình tôi đã đỡ vất vả hơn nhiều”.
Những kết quả bước đầu đầy khích lệ cho thấy sự hiệu quả của các chương trình tập huấn về TMĐT và CĐS tại Trà Vinh. Đây không chỉ là cơ hội để các HTX và đồng bào DTTS và miền núi tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, tăng cường khả năng cạnh tranh và nâng cao thu nhập, mà còn là động lực để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống thông qua việc quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương trên môi trường trực tuyến.
Mang 'cơ hội vàng' cho người dân, HTX
Mặc dù đã có những kết quả tích cực, việc ứng dụng TMĐT tại các HTX vùng đồng bào DTTS ở Trà Vinh vẫn còn đối mặt với một số thách thức.
Trong đó, nhiều thành viên HTX, đặc biệt là người lớn tuổi còn thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và các nền tảng trực tuyến. Ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa, hạ tầng internet và các thiết bị kết nối còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp cận và ứng dụng TMĐT của người dân, HTX.
Việc xây dựng website, quảng bá sản phẩm trực tuyến đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu và chi phí duy trì nhất định, đây là một khó khăn đối với nhiều HTX có quy mô nhỏ. Trong khi, thị trường TMĐT có tính cạnh tranh cao, các HTX cần có chiến lược marketing hiệu quả và sản phẩm chất lượng để thu hút khách hàng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng này, Trà Vinh xác định tiếp tục triển khai nhiều chương trình tập huấn thiết thực, mang đến cơ hội "vàng" cho cộng đồng người DTTS và HTX.
Tỉnh cũng phối kết hợp với các đơn vị liên quan, trong đó có Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để TMĐT và CĐS thực sự trở thành đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS và miền núi. Bởi việc "số hóa" các sản phẩm truyền thống và kỹ năng kinh doanh sẽ là chìa khóa để chắp cánh cho những ước mơ vươn xa, đưa Trà Vinh trở thành một điểm sáng trên bản đồ TMĐT Việt Nam.