Hủ tiếu… mùa dịch
Tiếng bé Tư vọng vào: 'Ba ơi, 4 phần nhé. Ba gói nhanh con mang giao khách'. Bác Sáu đáp lại tiếng ừ rõ lớn, rồi nhanh tay gói mấy gói hủ tiếu khô. Bóng lưng gù nơi góc bếp vẫn tỉ mỉ múc từng gói nước lèo, chọn từng cọng rau, miếng ớt, miếng chanh bỏ vào mỗi phần. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt in đầy vết hằn năm tháng của người đàn ông đã ngoài 50.
Hủ tiếu… mùa dịch
Bác Sáu gắn bó chiếc xe hủ tiếu này hơn 10 năm qua. Bác gái mất vì bệnh, lúc đấy bé Tư chỉ mới 7 tuổi. Bác ở vậy nuôi con trong căn nhà thuê ngõ hẻm nhỏ. Đều đặn 3h chiều, người ta bắt gặp hình ảnh người đàn ông với đôi chân khập khiễng, oằn mình đẩy chiếc xe ngược lên con dốc đầu hẻm để bán. Vài chiếc bàn nhựa, đôi ba cái ghế nhỏ, quán hủ tiếu dưới góc cây bàng rôm rả tiếng người. Khách ghé quán bác Sáu, phần vì ngon, phần vì ham mấy câu chuyện hài bác kể. Mỗi giờ tan học, bé Tư lại phụ bán cùng bác. Cô bé lanh lợi, bưng bê dọn dẹp đều khéo, miệng rối rít cảm ơn khách đã ghé ăn. Cuộc đời nặng gánh cơm áo gạo tiền thì cũng phải chọn sống vui. Bác Sáu vừa nói, vừa cười hà hà, tay múc gáo nước lèo thơm phức cho vào tô. Khách nghe cũng cười giòn tan.
Rồi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ập đến, nhà nước có lệnh giãn cách, ngưng bán vỉa hè, con hẻm vắng lặng đi nhiều. Tôi ghé thăm nhà bác Sáu, thấy ngạc nhiên khi bác vẫn loay hoay với nồi hủ tiếu. Hỏi ra mới biết 2 cha con chuyển sang bán online. “Bác có biết gì đâu, con Tư nói đăng trên mạng gì đó rồi cứ bảo bác gói đem giao”, bác kể lại. Chiếc xe hủ tiếu là nguồn sống của cả gia đình. Hôm nhận được tin ngừng bán, 2 cha con ngồi nhìn nhau khóc. Nghĩ về khoản tiền nhà, tiền học, tiền ăn uống sinh hoạt, thuốc thang… Bác không cầm được nước mắt. Rồi bé Tư nghĩ ra cách này. “Tuy không bán được như mọi bữa, nhưng vẫn mừng lắm cháu ạ”, giọng bác phấn khởi. Lúc không bận học, bé Tư phụ bác đi giao. Hai cha con còn học làm thêm vài món ăn vặt, để khách có thêm nhiều lựa chọn, bác với bé Tư cũng có thêm vài đồng. Cẩn thận đếm từng đồng tiền lẻ của đơn hàng kiếm được cất vào túi áo, đi ngang qua xó bếp nhìn chiếc xe hủ tiếu nằm im lìm thoáng chút lặng lẽ rồi bác nói tếu: “Ở yên đấy, đợi hết dịch là được xuống phố nha ông bạn già”. Tôi nghe nghẹn lòng mình.
Lúc về, bác giữ lấy mấy cuốn sách tôi gởi tặng bé Tư, nhưng trả lại tôi chiếc phong bì nhỏ, rồi dặn dò: “Đem sang cho ông Bảy, phụ ổng mua thêm thuốc men, bác với bé Tư còn xoay xở được”. Ông Bảy làm nghề nhặt ve chai, sống một mình, đã ngoài 70. Tình hình dịch bệnh ông không đi nhặt ve chai được nữa. Hôm trời mưa, ông trượt ngã ở trước bậc tam cấp phòng trọ. May mà vẫn ổn. Nghe chuyện, tôi dạ, rồi chào bác ra về.
Dọc đường ghé thăm nhà ông Bảy, mấy lời của bác Sáu cứ văng vẳng bên tai tôi. “Không sao đâu con, rồi chuyện gì cũng ổn. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng tôi không nghe lời than vãn nào từ bác Sáu. Bác vẫn chọn cười và đối diện cùng nghịch cảnh. Bác chọn cách vươn lên, giữ thái độ lạc quan để tiếp tục sống, nhường lại sự giúp đỡ cho những phần đời kém may mắn hơn mình. Phải chăng cách chúng ta lựa chọn đối diện với nghịch cảnh, sẽ khiến chính bản thân mình trở nên mạnh mẽ hơn?
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/hu-tieu%E2%80%A6-mua-dich-139980.html