Hủ tục lùi xa, văn minh dẫn lối: Kỳ cuối - Mở 'cánh cửa' văn minh

Cải tiến lễ tang trong đồng bào dân tộc Mông là một hành trình không dễ dàng, cần thời gian và sự kiên trì, bền bỉ. Những gì đã thay đổi hôm nay như bước ngoặt chuyển mình trong đời sống sinh hoạt của người Mông giữa dòng chảy hiện đại. Hủ tục lùi xa, văn minh tiến bước đang tô đẹp thêm sức sống cho miền Cao nguyên đá Hà Giang để mỗi mùa Xuân đến ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thực hành bài học “mưa dầm, thấm lâu”

Điểm sáng tại huyện Đồng Văn, trong 2 năm qua từ cấp huyện đến xã đã tổ chức được 51 hội nghị, hội thảo, mạn đàm, thu hút 2.699 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt, thầy cúng, thầy khèn, người có uy tín, trưởng dòng họ, Hội nghệ nhân dân gian tham dự để nhận diện và bàn các giải pháp xóa bỏ hủ tục. Ban tang lễ, tổ vận động được hình thành ở 225/225 thôn, tổ dân phố. Thị trấn Đồng Văn có thói quen mới, đám tang không nhận vòng hoa, bức trướng, không rải vàng mã, cơm nguội ra đường. Hội nghệ nhân dân gian ở các xã Thài Phìn Tủng, Vần Chải, Lũng Thầu, Phố Cáo không giúp đỡ cho những đám tổ chức dài ngày và không nhận lễ bằng thịt gia súc. Đặc biệt, 15/19 dòng họ, nhánh dòng họ dân tộc Mông đã đưa nội dung xóa bỏ hủ tục vào quy chế; 7 dòng họ thực hiện đưa người chết vào áo quan ngay tại nhà khi làm tang lễ.

Phụ nữ dân tộc Mông, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Phụ nữ dân tộc Mông, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Từ năm 2022 - 2024, huyện Đồng Văn có 922 người chết. Trong đó, có 627 đám tang là của dân tộc Mông cho người chết vào áo quan khi làm tang lễ, chiếm 34,4%. Số đám tang tổ chức dưới 48 tiếng là 795/922 đám, chiếm 86,2%. Hầu hết các đám tang giết mổ 1 con trâu, bò. Từ cuộc vận động như dòng chảy không ngừng, việc tổ chức tang ma trong đồng bào Mông đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh của gia đình; một số hủ tục và nghi lễ rườm rà đã được loại bỏ; ăn uống không kéo dài và có bát, đũa. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là việc vận động đưa người chết vào áo quan và phần nghi lễ ở ngoài trời còn phổ biến.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, coi nhiệm vụ xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh là đột phá, gắn với trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Nâng cao vai trò của các trưởng thôn, người có uy tín tuyên truyền, vận động đồng bào Mông xóa bỏ nghi thức lạc hậu trong lễ tang. Dẫu còn không ít rào cản, nhưng tin chắc rằng với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng dòng họ, một ngày không xa sự tiến bộ sẽ bén rễ sâu trong đời sống của bà con, viết nên khởi đầu mới cho người Mông nơi miền núi đá”.

Tương tự, huyện Quản Bạ đã lập danh mục thống kê các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu theo từng lĩnh vực, nhằm chỉ đạo cơ sở xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp cụ thể với từng nội dung, từng thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, huyện cũng đa dạng các hình thức tuyên truyền trong các buổi họp, sinh hoạt các đoàn thể, trên hệ thống loa truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội về xóa bỏ hủ tục. Ban tang lễ vận động Nhân dân thực hiện đưa người chết vào áo quan ngay tại nhà được duy trì ở 107 thôn, tổ dân phố. Địa phương có cơ chế hỗ trợ từ 1,2 - 1,5 triệu đồng cho những gia đình đầu tiên trong dòng họ người Mông đưa người chết vào áo quan. Ngoài biểu dương, khen thưởng cho những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc, huyện cũng kiên quyết xử lý những trường hợp đảng viên vi phạm, thiếu trách nhiệm trong thực hiện xóa bỏ hủ tục.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quản Bạ, Viên Thị Mai Lan chia sẻ: “Từ khi thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh, huyện đã có tổng cộng 392/462 đám tang người Mông đưa người chết vào áo quan, đạt 84,8%. Riêng năm 2024, có 119/122 đám tang người Mông đưa người chết vào áo quan, đạt 97,5%. Đây thực sự là bước chuyển mình lớn của dân tộc Mông, thể hiện sự tin tưởng, đồng hành của đồng bào với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng một cộng đồng văn minh, gắn kết, tạo khí thế trên con đường giảm nghèo, phát triển bền vững”.

Tiếp nối những kết quả đạt được, ngay từ đầu năm 2025, huyện Quản Bạ đã áp dụng thêm cách làm mới như vận động gia chủ thông báo cho ban tang lễ và họ hàng để thống nhất số lượng đầu đám (bên ngoại, con rể, con trai) mang lễ đến nhà. Việc tổ chức tang lễ tuân thủ nguyên tắc tiết kiệm và văn minh, không ép gia chủ mổ trâu, bò, mà chỉ được mổ tối đa 1 - 2 con lợn hoặc thay thế bằng đầu, chân, đuôi gia súc. Mỗi đầu đám chỉ được tặng 1 con lợn hoặc quy đổi thành tiền. Khuyến khích thực hiện hỏa táng; nghiêm cấm tổ chức ngoài trời; thổi kèn, đánh trống sau 22 giờ, trước 4 giờ sáng và không chôn cất quá nông gây ô nhiễm môi trường.

Tạo đà xóa bỏ hủ tục

Huyện Mèo Vạc sân khấu hóa tuyên truyền, xóa bỏ hủ tục.

Huyện Mèo Vạc sân khấu hóa tuyên truyền, xóa bỏ hủ tục.

Vùng cao núi đá của tỉnh gồm 4 huyện (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc), nơi đây người Mông chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 80% dân số. Lễ tang từ lâu đã là một nghi thức quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào. Tuy nhiên, trong đám tang lại có những nghi lễ lạc hậu, lãng phí. Bởi vậy, việc bài trừ hủ tục trong tang ma của người Mông không chỉ là cuộc “cách mạng” cho người đã khuất, mà còn dành cho cả những người đang sống. Song trên thực tế, khi thực hiện Nghị quyết số 27, bên cạnh sự ủng hộ, đồng tình rất lớn của Nhân dân, ở một số nơi cấp ủy, chính quyền cơ sở đã gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Theo đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: “Trên tinh thần “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, cấp ủy, chính quyền các cấp khẳng định việc thực hiện Nghị quyết số 27 là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, kiên trì, đồng bộ, quyết liệt. Tùy điều kiện, tình hình thực tiễn, các địa phương xây dựng, nhân rộng, duy trì những mô hình mới, cách làm hay để đẩy mạnh phong trào xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Mỗi cán bộ, đảng viên, người có uy tín, trưởng dòng họ gương mẫu đi đầu, là “cánh tay” nối dài của Đảng để đưa nghị quyết đến gần dân, không chỉ qua lời nói, mà còn bằng việc làm, hành động, ý chí quyết tâm làm cho đời sống của mình, của con cháu ngày mai tốt đẹp hơn”.

Cũng như nhiều phụ nữ Mông trên Cao nguyên đá, chị Thào Thị Mỷ, thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) vui mừng chia sẻ: “Nhịp sống của đồng bào đang đổi thay từng ngày, nhờ xóa bỏ hủ tục lạc hậu, chị em phụ nữ được cởi mở về tư tưởng, tiếp cận với những điều hay, cái đẹp để năng động làm chủ, tự tin hơn trong cuộc sống. Cũng từ đây, tôi biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt. Việc duy trì chăn nuôi lợn đen sinh sản, bò hàng hóa đã đem lại cho gia đình thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. Kinh tế ổn định, tôi có điều kiện để cho con cái ăn học đầy đủ, cháu lớn đang theo học tại Trường Sỹ quan Lục quân I. Đây là niềm tự hào, động lực để chúng tôi nỗ lực, phấn đấu vươn lên làm giàu, góp sức xây dựng bản làng phát triển”.

Khi những cánh đào bật nở giữa núi rừng, những bông hoa mận trắng tinh khôi lấp lánh dưới ánh nắng, bản làng người Mông trên vùng Cao nguyên đá như được khoác lên mình chiếc áo mới, tràn đầy sức sống. Mùa Xuân đến, cùng đồng bào các dân tộc thiểu số Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, người dân nơi đây vẫn đang trên hành trình xóa bỏ hủ tục, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc để hòa nhịp cùng sự phát triển của thời đại.

Bài, ảnh: Mộc Lan, Phạm Hoan và My Ly

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202501/hu-tuc-lui-xa-van-minh-dan-loi-ky-cuoi-mo-canh-cua-van-minh-00135bb/