Huấn luyện như thế nào để bộ đội thuần thục từng động tác?
Đầu giờ làm việc buổi sáng, trên đỉnh đồi cao ở miền Tây Bắc, ánh nắng đã chói chang. Khi kẻng báo động chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) vang lên liên hồi, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 152, Trung đoàn 250, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân) từ các hướng lao nhanh ra trận địa.
Theo hướng dẫn của chỉ huy đơn vị, chúng tôi “thực mục sở thị” toàn cảnh hiệp đồng kíp chiến đấu “rồng lửa” Pechora-2TM. Trên đài điều khiển-nơi được ví như “bộ não” của tổ hợp tên lửa, các thành phần tập trung cao độ để phát hiện, bám bắt và ra quyết định tiêu diệt mục tiêu. Trong không gian chật hẹp, âm thanh của các khối máy rì rầm dội lên, khiến tôi dù có cố gắng để lắng nghe nhưng vẫn không hiểu các vị trí và chỉ huy nói gì.
Chỉ biết những khẩu lệnh được Tiểu đoàn trưởng liên tiếp truyền đi, những tiếng hô, tiếng truyền đạt bắt bám mục tiêu làm cho không gian trên xe càng trở nên sôi động và có phần căng thẳng. Đại úy Nguyễn Văn Đại, Tiểu đoàn trưởng cho biết: “Để bám sát và quản lý tốt mục tiêu, các bộ phận phải không ngừng luyện tập, bất kể một tín hiệu nào trên màn hình hiện sóng cũng phải đánh giá và phân biệt được”.
Theo dõi khẩu đội bệ phóng huấn luyện tháo nạp đạn, chúng tôi hiểu thêm về “kỷ luật thép” trên trận địa. Khẩu lệnh của Thiếu tá Phạm Trương Dương, Đại đội trưởng Đại đội 2, vang lên dứt khoát: “Các số chú ý bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí, trang bị. Triển khai khí tài!”.
Rất nhanh chóng, chiếc xe chở các quả đạn tên lửa trên dốc cao lùi xuống tiến sát bệ phóng. Khi xe vừa vào cầu nạp đạn, một pháo thủ liền bật nhảy lên cao, dùng lực toàn thân níu quai sắt của giá đỡ tên lửa xuống, để giá đỡ tên lửa trên xe TZM và bệ được thăng bằng, thẳng hàng. Ngay lúc này, pháo thủ khác dồn toàn lực vận hành chiếc tay quay. Các số phối hợp, hiệp đồng rất nhịp nhàng, chính xác. Trong thời gian ngắn, các quả tên lửa lần lượt vào rãnh bệ phóng, sẵn sàng tiêu diệt mục tiêu.
Theo Thiếu tá Phạm Trương Dương, để có thể thực hiện nhuần nhuyễn thao tác tháo, nạp đạn, các thành viên trong kíp phải trải qua quá trình huấn luyện rất chặt chẽ: Từ huấn luyện phân đoạn động tác từng người tới huấn luyện hiệp đồng khẩu đội; coi trọng động tác cơ bản, không chạy theo thời gian, khi đã thuần thục mới rút ngắn thời gian để rèn luyện đạt chỉ tiêu giỏi.
Quá trình huấn luyện phải tập trung cao độ, động tác phải chính xác 100%, nếu không sẽ rất dễ mất an toàn. Đặc biệt, trong tình huống huấn luyện đêm, các vị trí phải thao tác thuần thục trên khí tài, vì vậy yêu cầu mỗi trắc thủ phải nắm chắc các ngóc ngách, vị trí từng con ốc, các nút điều khiển để sử dụng thành thạo, thao tác nhanh, không bị nhầm.
Trò chuyện với Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Đại, chúng tôi hiểu thêm, học lý thuyết chỉ là những vấn đề cơ bản nhất, bởi thực tế phát sinh rất nhiều tình huống nên chỉ học và thực hành đúng theo lý thuyết là chưa đủ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đơn vị tăng cường huấn luyện toàn diện cho các thành phần kíp chiến đấu. Đối với chỉ huy trung đội, đại đội, tập trung huấn luyện về khẩu lệnh, động tác, bản lĩnh chỉ huy, phương pháp xử trí các tình huống phức tạp.
Với sĩ quan điều khiển, trắc thủ điều khiển thì rèn luyện khả năng bắt, bám mục tiêu, các thao tác cá nhân theo chỉ tiêu giỏi; khẩu đội bệ phóng rèn luyện theo các chỉ tiêu tháo nạp đạn tên lửa, triển khai thu hồi bệ phóng; kỹ thuật viên rèn luyện kỹ năng làm tham số khí tài, cách khắc phục các hỏng hóc. Đặc biệt, nhằm huấn luyện kíp chiến đấu sát với điều kiện thực chiến, chỉ huy đơn vị ra các bài tập với nhiều tình huống phức tạp. Để xây dựng các tình huống phải nghiên cứu nhiều tài liệu, từ quá khứ đến hiện tại, dự báo tương lai, nhất là cách đánh, thủ đoạn, kỹ thuật, chiến thuật...