Huawei đã làm gì để giữ niềm tin của khách hàng trong hơn 3 thập kỷ qua?
Tôn chỉ về sự minh bạch là sợi chỉ đỏ xuyên suốt kết nối chuỗi giá trị Huawei trong suốt hơn 30 năm qua, là bài học giá trị cho nhiều công ty Trung Quốc và công ty toàn cầu.
Từ sự minh bạch trong nội bộ với văn hóa sẵn sàng chỉ ra sai phạm
Từ những ngày đầu, Huawei được thành lập với sứ mệnh mang đến giá trị cho khách hàng. Ông Nhậm Chính Phi luôn xem đây là lý do duy nhất cho sự tồn tại của Huawei và là động lực để biến một công ty nội địa Trung Quốc trở thành tập đoàn ICT toàn cầu, với doanh thu hơn 100 tỷ USD/năm.
Để phục vụ sứ mệnh lớn lao này, bên cạnh mức đầu tư khủng vào R&D mỗi năm, nhà sáng lập Huawei đã xác định một hệ thống tổ chức minh bạch từ bên trong sẽ là chìa khóa quan trọng để đảm bảo hành trình phục vụ khách hàng của Huawei luôn đi đúng quỹ đạo. Theo đó, mọi nhân viên Huawei được khuyến khích “quay lưng với sếp và tập trung vào khách hàng”, bằng việc tự tin nói lên những suy nghĩ của mình và sẵn sàng chỉ ra những sai phạm trong nội bộ.
Huawei đi đầu với văn hóa khuyến khích nhân viên chỉ ra sai phạm nội bộ.
Theo ông Nhậm Chính Phi, những thiếu sót trong nội bộ là “phần cặn bã” cần phải loại bỏ để trở thành một chiến binh vĩ đại: “Quản lý mắc lỗi là chuyện bình thường, không ai là hoàn hảo. Nếu chúng ta không duy trì một chính sách khoan nhượng, chúng ta sẽ không thể có 4.000 đến 5.000 người tự nguyện báo cáo về vi phạm kế toán. Không phải là kẻ thù, chúng ta là những người anh em tay trong tay cùng nhau chiến đấu trên một chiến hào”.
Vì thế sống trong “quân đoàn” Huawei, người chiến binh phải biết pháo kích. Ông Nhậm luôn đề cao những nhân viên có đóng góp tích cực, đưa ra phản biện cho hệ thống và tổ chức, và đề nghị ban lãnh đạo ghi nhận để cải tiến kịp thời. Ông cũng yêu cầu đội ngũ lãnh đạo phải trở thành cầu nối “thân tình” giữa công ty với các cấp quản lý bên dưới, hướng đến một cơ chế “khẳng định tiếng nói cá nhân cho tất cả mọi người”. Mọi nhân viên Huawei phải luôn được tôn trọng, lắng nghe, cư xử thẳng thắn và sẵn sàng giúp nhau tiến bộ vì sự thịnh vượng của công ty nói riêng cũng như sứ mệnh tạo ra giá trị cho khách hàng nói chung.
Thậm chí, bản thân nhà sáng lập cũng từng là mục tiêu cho những phê bình sai phạm chứ không phải là “một tượng đài không thể với”. Có một lần đi công tác tại Nhật Bản, ông Nhậm đã liệt kê chi phí giặt ủi cá nhân ở khách sạn vào cùng chi phí công tác khác. Bộ phận kế toán phát hiện và sau đó thông báo bằng một văn bản phê bình gửi đến toàn thể cán bộ nhân viên. Hay vào năm 2018, ông Nhậm từng bị phạt gần 150.000 USD sau một cuộc họp của Hội đồng quản trị về sự cố chất lượng cũng như các vấn đề quản lý. Điều này chứng tỏ tại Huawei không hề có vùng cấm nào, dù là nhân viên hay lãnh đạo cấp cao nhất đều phải chấp hành theo tôn chỉ minh bạch nội bộ tuyệt đối.
Nhằm tăng cường sự thông suốt nội bộ và tính kết nối với tất cả nhân viên, Huawei còn thiết lập diễn đàn Cộng đồng Xinsheng (Tiếng nói bên trong) như một ngôi nhà trực tuyến để mọi thành viên có cảm giác được lắng nghe, chia sẻ và thuộc về. Từ những quan điểm cá nhân, đến các thảo luận chuyên môn hay chính sách, sự kiện công ty, diễn đàn là nơi công khai chia sẻ và tôn trọng mọi góc nhìn của nhân viên, giúp mọi thành viên từ cấp dưới đến ban quản lý, lãnh đạo ngồi lại gần nhau hơn. Vào năm 2012, các ý kiến của diễn đàn đã được thu thập và biên tập thành một quyển sách nhỏ “Các vấn đề của Huawei”, sau đó được gửi đến mỗi Giám đốc điều hành của công ty để nghiên cứu và tham khảo.
Đến cam kết “trần trụi trước thế giới” trong từng sản phẩm, dịch vụ
Trong ba thập kỷ mang đến các sản phẩm và giải pháp ICT phục vụ hơn 3 tỷ người ở 170 quốc gia, Huawei đã chứng minh với thế giới về chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như sự an toàn cho khách hàng, người dùng. Đặc biệt là về vấn đề an ninh mạng, Huawei sẵn sàng ký Bản ghi nhớ với tất cả các quốc gia trên thế giới về tính an toàn của sản phẩm.
Huawei nỗ lực vì sự minh bạch trong từng sản phẩm, dịch vụ.
Ông Nhậm Chính Phi từng tuyên bố “Nếu bất kỳ quốc gia nào tìm thấy “cửa sau” trong thiết bị của Huawei, doanh số tại 170 quốc gia của chúng tôi sẽ lập tức rớt thảm, Huawei sẽ sụp đổ”.
Hơn cả lời nói, bản thân Huawei còn có những chiến lược và hành động thể hiện nguyên tắc an toàn thông tin thông qua việc xây dựng các Trung tâm minh bạch về an ninh mạng tại nhiều quốc gia như Anh, Đức, UAE, Trung Quốc và mới đây là Bỉ (2019). Các trung tâm sẽ là cầu nối cho các nhà mạng, các cơ quan chính phủ, các chuyên gia kỹ thuật, các hiệp hội ngành và các tổ chức, doanh nghiệp cùng trao đổi cũng như hợp tác để thúc đẩy sự phát triển các tiêu chuẩn bảo mật và cơ chế xác minh.
Riêng mảng công nghệ 5G, Huawei từng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về độ an toàn mạng. Nhưng nhà sản xuất thiết bị mạng lõi và không dây 5G lớn nhất thế giới đã cho mọi người thấy sự minh bạch trong công nghệ với hàng loạt chứng chỉ an toàn mạng và quyền riêng tư, được các tổ chức uy tín và độc lập công nhận. Điển hình là Chương trình Đảm bảo An ninh Thiết bị mạng GSMA (Nesas), Nhóm thúc đẩy IMT-2020 của Trung Quốc… với các hạng mục đánh giá nghiêm ngặt dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế 3GPP, đã thông qua đánh giá an toàn của công nghệ 5G Huawei.
Từ những ngày mới thành lập, Huawei đã mang trong mình giá trị hoạt động minh bạch vì một tổ chức phát triển kiện toàn và bền vững. Giám đốc an ninh mạng toàn cầu của Huawei, ông John Suffolk khẳng định luôn hoan nghênh bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào phân tích sản phẩm của Huawei để phát hiện lỗ hổng bảo mật hoặc mã hóa. “Chúng tôi chấp nhận trần trụi trước thế giới bởi điều này sẽ giúp cải thiện sản phẩm hiệu quả”. Vì mục đích cuối cùng của Huawei vẫn là những sáng kiến, dịch vụ và sản phẩm ICT tốt nhất để phục vụ khách hàng trên toàn thế giới.