Huế đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 17.600 lao động

Từ đầu năm đến nay, số lao động được giải quyết việc làm đã lên đến hơn 7.500 người, đạt gần 43% so với kế hoạch năm; riêng số lao động xuất cảnh là hơn 1.000 người, đạt 49,2% chỉ tiêu...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo thông tin từ UBND thành phố Huế trong tháng 4/2025, toàn thành phố Huế đã giải quyết việc làm cho 1.737 người, trong đó có 197 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, số lao động được giải quyết việc làm đã lên đến hơn 7.500 người, đạt gần 43% so với kế hoạch năm; riêng số lao động xuất cảnh là hơn 1.000 người, đạt 49,2% chỉ tiêu.

Đây tiền đề quan trọng giúp thành phố tiến gần hơn tới mục tiêu cả năm 2025 là giải quyết việc làm cho 17.600 lao động, trong đó có 2.100 người đi làm việc ở nước ngoài.

Thành phố cũng hướng đến việc giảm tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp xuống còn 24,8% và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 75%.

Ngoài ra, Huế đặt mục tiêu có ít nhất 40% lao động được hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu và kết nối đến các cơ hội việc làm phù hợp.

Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn lao động, UBND thành phố Huế đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng cho người lao động trên địa bàn năm 2025. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Kế hoạch đặt mục tiêu đào tạo cho khoảng 3.300 lao động nông thôn, trong đó có 2.100 người học nghề phi nông nghiệp (chiếm 64%) và 1.200 người học nghề nông nghiệp (chiếm 36%). Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo được kỳ vọng đạt từ 85% trở lên.

Đối tượng thụ hưởng chủ yếu là lao động ở vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, thích ứng với yêu cầu của nền kinh tế số và hội nhập quốc tế.

Về nội dung đào tạo, các nghề nông nghiệp bao gồm kỹ thuật, công nghệ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nuôi trồng và khai thác thủy sản, chế biến nông - lâm - thủy sản. Đồng thời, chú trọng các kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ, tiến tới nông nghiệp thông minh, dựa trên nền tảng sản phẩm nông sản quốc gia và đặc sản địa phương.

Đặc biệt, kế hoạch nhấn mạnh đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số vào sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp – bước đi phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện đại.

Với các nghề phi nông nghiệp, thành phố sẽ tập trung vào đào tạo kỹ thuật công nghệ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; đồng thời, ưu tiên đào tạo theo vị trí việc làm trong doanh nghiệp, làng nghề, khu công nghiệp và xuất khẩu lao động. Mục tiêu là gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề và nhu cầu thực tế của thị trường lao động, từ đó nâng cao hiệu quả tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Để đảm bảo kế hoạch đào tạo nghề đạt được hiệu quả cao, thành phố Huế đã triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ. Trước hết là tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn; điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo nghề để điều chỉnh chương trình phù hợp.

Song song, thành phố cũng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; phát triển chương trình, giáo trình sát thực tế; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp...

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hue-dat-muc-tieu-giai-quyet-viec-lam-cho-17-600-lao-dong.htm