Huế là thành phố đẹp nhưng khó cảm?

Nhịp sống chậm của Huế khác hoàn toàn với vẻ huyên náo thường thấy ở một thành phố du lịch. Điều này đã làm nên nét đặc trưng của Huế, đòi hỏi du khách cảm sâu mới chạm được vào hồn cố đô.

 Cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai đã được Nhà xuất bản Phụ nữ tái bản hai lần kể từ tháng 6/2024. Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.

Cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai đã được Nhà xuất bản Phụ nữ tái bản hai lần kể từ tháng 6/2024. Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.

“Trong mắt tôi, Huế luôn nặng quá khứ vàng son. Khác với sự huyên náo của Đà Nẵng, Huế chậm rãi như con sông Hương và trầm mặc như những lăng tẩm đồ sộ. Có lẽ vì thế nhiều người cho rằng Huế đẹp và khó cảm”, nhà báo Minh Tự - tác giả cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai - chia sẻ tại sự kiện giới thiệu sách sáng ngày 10/11.

Cố đô dưới một góc nhìn bình dị hơn

Thành phố Huế đối với nhà báo Minh Tự dường như phức tạp hơn những lời nhận xét được gói ghém trong hai từ “đẹp” và “khó cảm”. Huế là vùng đất mang sự kết hợp hài hòa giữ nét hiện đại và cổ kính. Ông gọi đó là vẻ đẹp “phong riêu và kiêu sa”.

Nơi đây lắng đọng những lớp trầm tích văn hóa lâu đời. Từ những năm đầu thế kỷ 14, vua Chiêm Thành là Chế Mân cầu hôn Công chúa Huyền Trân đã lấy Châu Ô, Châu Rí làm sính lễ. Cho đến 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, chọn Phú Xuân (Huế) là đô thành. Trải qua nhiều biến cố, năm 1802, Nguyễn Ánh vương thống nhất đất nước, Phú Xuân lại trở thành kinh đô của triều Nguyễn. Vẻ kiêu sa nhờ đó cũng dần được kiến thiết dưới bàn tay của các vị chúa thời Nguyễn, đặc biệt là vua Gia Long.

Cũng chính bởi bề dày 700 năm phát triển của vùng đất này, rất nhiều học giả trong và ngoài nước làm nên những công trình đồ sộ. Họ khai thác nhiều khía cạnh về Huế từ nghệ thuật, kiến trúc cho đến chính trị, giáo dục. Dẫu vậy tác giả Minh Tự vẫn tìm thấy lối đi cho riêng mình.

“Tôi đã cố gắng khắc họa nên một cố đô giản dị, bình thường nhưng giàu văn hóa. Huế của tôi dễ cảm, dễ thương, dễ yêu. Bởi tôi cho rằng, muốn yêu một nơi chốn, mình phải hiểu về nó”, tác giả Minh Tự chia sẻ.

 Nhà báo Minh tự - tác giả sách Trước nhà có cây hoàng mai - tại buổi giao lưu với bạn đọc Hà Nội hôm 10/11. Ảnh: Đức Huy.

Nhà báo Minh tự - tác giả sách Trước nhà có cây hoàng mai - tại buổi giao lưu với bạn đọc Hà Nội hôm 10/11. Ảnh: Đức Huy.

Tác giả Trước nhà có cây hoàng mai cũng bày tỏ việc khách tham quan đến với Huế phải tiếp cận nhiều tài liệu mang tính hàn lâm, đồ sộ. Người đọc khó cảm nhận được Huế. Do đó, ông quyết định làm nên một tác phẩm gần gũi với độc giả đại chúng hơn. Tập tản văn Trước nhà có cây hoàng mai hướng vào những nét đẹp trong đời sống người dân Huế như tục trồng hoàng mai trước nhà, nghề thêu, nhà rường…

“Những trang viết của nhà báo Minh Tự dường như còn được dệt nên từ sự nhớ thương quê nhà trong những ngày tháng anh rời xa Huế để theo đuổi sự nghiệp. Thế nhưng chỉ khi đi xa, con người ta mới nhìn ra những điều bình dị và thấy yêu mảnh đất này hơn”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định.

Nhiều năm theo đuổi con người Huế

Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - mỗi cuốn sách đều xuất phát từ cái duyên riêng, nhưng đặc biệt với những tác phẩm về Huế, đơn vị đã mất đến ba năm để theo đuổi những con người và câu chuyện văn hóa của mảnh đất cố đô. Đặc biệt, quá trình tìm kiếm các tác giả, bản thảo chất lượng viết về Huế không hề dễ dàng.

“Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng có mong muốn đưa văn hóa Huế đến gần hơn với giới trẻ. Những cuốn sách của anh Minh Tự, chị Trần Thùy Mai không chỉ là những công trình nghiên cứu khô khan mà còn là những tản văn, tác phẩm văn học chất chứa tình cảm, giúp người đọc thấy được chiều sâu của vùng đất di sản”, bà Khúc Thị Hoa Phượng nói.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam (trái) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ về cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai. Ảnh: Đức Huy.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam (trái) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ về cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai. Ảnh: Đức Huy.

Ngoài ra, các tác phẩm về Huế còn đem tới cho độc giả một góc nhìn khác về vùng đất 700 năm tuổi này. Dù đã du lịch đến Huế nhiều lần, bà Khúc Thị Hoa Phượng cho biết bản thân vẫn chỉ cảm nhận được cố đô ở vẻ bề ngoài, những danh lam thắng cảnh quen thuộc như các lăng tẩm, cung đình khách thập phương thường lui tới.

Nhưng chính câu chuyện từ các cuốn sách của nhà báo Minh Tự, nhà văn Trần Thùy Mai, GS.TS Thái Kim Lan đã giúp bà khám phá sâu sắc hơn những khía cạnh chưa từng biết về Huế, từ đền thờ Huyền Trân công chúa đến cảnh sắc tuyệt đẹp trên đỉnh núi Bạch Mã, khiến bà không muốn rời đi.

Ngoài ra, bà Khúc Thị Hoa Phượng cũng nhấn mạnh rằng những cuốn sách về Huế không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mà còn gợi mở cho độc giả những cảm xúc sâu lắng về một vùng đất giàu bản sắc cần được bảo tồn với một chiến lược toàn diện. Bà cho biết nhà xuất bản sẽ tiếp tục phát triển các dự án sách về các thành phố di sản ở Việt Nam, để góp phần tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc.

-------

Ảnh: Bạn trẻ mặc cổ trang chụp ảnh tại Huế. Nguồn: Reviewhue.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-noi-hue-la-thanh-pho-dep-va-kho-cam-post1510327.html