Huế siết chặt giám sát lò mổ sau khi ghi nhận nhiều ca mắc liên cầu lợn

Trước tình trạng số ca mắc liên cầu lợn gia tăng, các cơ quan chức năng TP Huế đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn dịch phùng phát, trong đó tăng cường giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ trên địa bàn.

Ngày 11/7, Sở Y tế TP Huế đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) và các địa phương triển khai thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh liên cầu lợn.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, tại Huế ghi nhận 31 ca mắc liên cầu lợn, trong đó một trường hợp tử vong. Người mắc bệnh rải rác ở nhiều phường như Thuận Hóa, Kim Long, Phú Xuân, Hương An, Dương Nỗ…

Các ca bệnh đều được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, đến nay nhiều người xuất viện, tuy nhiên yếu tố dịch tễ không rõ ràng, chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Hiện ngành y tế đang phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để kiểm soát, phòng dịch bệnh bùng phát.

Ngành y tế chỉ đạo các địa phương có ca bệnh liên cầu lợn triển khai biện pháp phòng chống dịch.

Ngành y tế chỉ đạo các địa phương có ca bệnh liên cầu lợn triển khai biện pháp phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế cho biết, lãnh đạo thành phố yêu cầu các ngành, địa phương nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, hệ thống y tế đáp ứng đầy đủ điều kiện khám và điều trị, tình hình dịch bệnh đang được khống chế tốt. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan cũng như không để xảy ra tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

"Các cơn quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường sống để qua đó chung tay cùng các cơ quan liên quan kiểm soát dịch bệnh hiệu quả", lãnh đạo UBND TP Huế chia sẻ.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&MT TP Huế), trên địa bàn hiện có 28 cơ sở giết mổ gia súc đang hoạt động.

Sau khi kiểm tra, phát hiện lò mổ ở phường Thanh Thủy đang mổ 2 con lợn có chấm đỏ ở chân và đầu, phần nội tạng có biểu hiện bệnh tích, cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy.

Sau khi kiểm tra, phát hiện lò mổ ở phường Thanh Thủy đang mổ 2 con lợn có chấm đỏ ở chân và đầu, phần nội tạng có biểu hiện bệnh tích, cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy.

Theo ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở NN&MT, mặc dù đến nay chưa ghi nhận dịch tai xanh và tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh cho lợn đạt hơn 88%, nhưng để chủ động phòng chống bệnh, sở đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động giết mổ, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm.

Lãnh đạo Sở NN&MT yêu cầu các xã, phường phối hợp với thú y cơ sở tổ chức thống kê chính xác tổng đàn lợn, xây dựng kế hoạch tiêm phòng cụ thể và triển khai đợt tiêm vaccine vụ Thu.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo các Trạm Thú y khu vực siết chặt kiểm tra lâm sàng, kiểm soát giết mổ tại các cơ sở. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực buôn bán, giết mổ, chế biến thịt lợn tuân thủ quy trình vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện tiêu độc khử trùng sau mỗi ca giết mổ...

Những yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng mắc liên mắc liên cầu lợn

ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, những yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc liên cầu lợn gồm: Tiêu thụ thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín, đặc biệt là tiết canh, lòng non tái, hoặc các món ăn chế biến sơ sài từ thịt lợn

Tiếp xúc trực tiếp với lợn sống hoặc thịt lợn trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến, đặc biệt khi người tiếp xúc có vết thương hở, trầy xước trên da.

Lạm dụng rượu bia cũng là một yếu tố nguy cơ cao, do việc sử dụng rượu thường xuyên có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, đồng thời đi kèm với thói quen ăn uống không an toàn (ăn đồ sống, tiết canh).

Để phòng mắc bệnh, Ths.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương khuyến cáo, người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hue-siet-chat-giam-sat-lo-mo-sau-khi-ghi-nhan-nhieu-ca-mac-lien-cau-lon-169250710204423975.htm