Xây dựng Huế thành trung tâm lớn cả nước về giáo dục và đào tạo chất lượng cao
Thời gian qua, TP Huế tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa ngành Giáo dục phát triển, xứng tầm là trung tâm lớn của cả nước về học tập.

Lễ chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 – 2025 tại đầu cầu TP Huế.
Trong 5 năm qua, TP Huế đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tập trung xây dựng TP Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Giáo dục toàn diện được đẩy mạnh, nâng cao
Trao đổi với PV Báo Giáo dục và Thời đại, TS Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Huế cho biết, ngành Giáo dục đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các địa phương tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND TP Huế trong việc xây dựng và triển khai hiệu quả nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, cũng như các cơ chế, chính sách thiết thực, tạo động lực mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần thi đua dạy tốt - học tốt trong toàn ngành, góp phần xây dựng TP Huế trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về chất lượng giáo dục và truyền thống dạy học.
Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, TP Huế đã đạt nhiều thành tích nổi bật trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia: Có 275 học sinh đạt giải (gồm 10 giải Nhất, 61 giải Nhì, 101 giải Ba và 103 giải Khuyến khích). Các cuộc thi Olympic quốc tế đạt được những kết quả nổi bật: 3 học sinh đạt Huy chương Olympic Sinh học Quốc tế các năm 2020, 2022 và 2024 (1 HCV, 2 HCB); 1 HCB Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương và 1 HCB Olympic Tin học Quốc tế năm 2021; trong đó có 1 học sinh sẽ dự thi Olympic Vật lí quốc tế vào tháng 7/2025 tại cộng hòa Pháp; 1 học sinh được dự thi Olympic Sinh học quốc tế vào tháng 7/2025 tại Philippines. Ngoài ra, 3 học sinh vào chung kết cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" các năm 2023, 2024 (đạt 1 giải Quán quân, 1 giải Ba) và 1 học sinh tham gia vòng chung kết năm 2025 được tổ chức vào tháng 10/2025.
Ngành Giáo dục TP Huế tiếp tục hoàn thiện quy mô mạng lưới trường, lớp theo hướng tinh gọn, tập trung, đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa và tăng cường xã hội hóa. Toàn TP có 569 trường mầm non và phổ thông (Mầm non: 208 trường; Tiểu học: 192 trường; THCS: 129 trường; THPT: 40 trường); 4 Trung tâm GDNN - GDTX; 32 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Lãnh đạo TP Huế tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2024-2025.
Việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018 được ngành thực hiện một cách đồng bộ, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Các hoạt động dạy học được tổ chức theo hướng đa dạng, linh hoạt, nhằm khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của học sinh, đồng thời chú trọng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện và khả năng tự đánh giá.
Đề án “Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố” được phê duyệt; Phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức chương trình giáo dục Di sản; Chương trình Giáo dục địa phương đã được triển khai ở các cấp học từ lớp 1 đến lớp 12 gắn với việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa Huế, con người Huế; Ban hành Quy chế xét chọn và tổ chức Lễ tuyên dương học sinh Danh dự toàn trường hàng năm tạo được sự quan tâm lớn của toàn xã hội, khơi dậy niềm tự hào và lan tỏa tinh thần ham học và học giỏi của học sinh Huế.

Lễ tuyên dương học sinh danh dự toàn trường hàng năm khơi dậy tinh thần hiếu học của học sinh Huế.
Đại học Huế đã không ngừng phát triển cả về quy mô, loại hình, chất lượng đào tạo; khẳng định vai trò và vị thế của một đại học trọng điểm, mang tầm vóc của cơ sở giáo dục Đại học Quốc gia. Với 9 đơn vị thành viên, 1 Trường thuộc, 3 Khoa thuộc, đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chiếm tỉ lệ cao, đứng thứ 3 toàn quốc. Đơn vị tiếp tục khẳng định là trung tâm lớn đào tạo đại học và sau đại học của cả nước. Năm 2024 Đại học Huế là 1 trong 6 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được xếp hạng Đại học uy tín Châu Á của QS (QS Asia); luôn xếp trong tốp 5 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất Việt Nam, tốp 350 các Đại học hàng đầu châu Á.
“Với nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn ngày càng được củng cố và phát triển, tạo nền móng vững chắc cho giáo dục mũi nhọn và giáo dục chất lượng cao” – TS Nguyễn Tân trao đổi.
Đội ngũ chất lượng, cơ sở đầu tư bài bản
Hiện tại, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục TP Huế ngày càng lớn mạnh. Đại học Huế có 822 tiến sĩ, 24 bác sĩ chuyên khoa I, II, 17 giáo sư, 211 phó giáo sư, 230 giảng viên cao cấp, 520 giảng viên chính; giáo dục nghề nghiệp có 20 tiến sĩ, 182 thạc sĩ. Tỷ lệ giáo viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ chuyên môn đào tạo đạt 94,9% (đạt trên chuẩn 30,3%). Giáo dục thường xuyên đạt 98,6%. Cán bộ giáo viên ngày càng phát huy được phẩm chất tốt đẹp, sáng tạo, đổi mới, tâm huyết với nghề.
“Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đã được quan tâm đầu tư. 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đã đưa vào sử dụng phần mềm quản lý nhà trường và kết nối dữ liệu với Sở cũng như Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, việc thí điểm triển khai học bạ số cho học sinh lớp 4 toàn thành phố năm học 2023-2024 có trên 90% học bạ số đã được đồng bộ vào kho học bạ số của Bộ GD&ĐT. Đây là một kết quả khả quan, mở ra hướng nhân rộng trên toàn hệ thống.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị GD&ĐT được cải thiện và từng bước hiện đại hóa. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh trong những năm gần đây; thành phố có 444/569 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 78,03% (Mầm non 145/208 trường, đạt 69,7%; Tiểu học 171/192 trường, đạt 89,1%; THCS 106/129 trường, đạt 82,2%; THPT 22/40 trường, đạt 55,0%)” - TS Nguyễn Tân cho hay.

TS Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Huế.
Ngoài ra, công tác xã hội hóa giáo dục được các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành GD&ĐT quan tâm bằng việc tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. TP Huế hiện có 28 trường mầm non và trường phổ thông ngoài công lập, đạt tỷ lệ 4,9%; 1 trường đại học, 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp và 3 trung tâm GDNN ngoài công lập.
Việc mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế về GD&ĐT được các cấp, các ngành quan tâm. Đại học Huế đã ký kết hợp tác với hơn 200 trường đại học và tổ chức quốc tế; thực hiện 19 chương trình liên kết đào tạo đại học, sau đại học với các đại học nước ngoài đã thu hút một số lượng tương đối lớn lưu học sinh người nước ngoài đến học tập các trình độ đại học, cao học và nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, chính quyền TP Huế luôn tạo điều kiện tổ chức các hoạt động giao lưu truyền thống giữa các trường quốc tế, khu vực với các Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế, THCS Nguyễn Tri Phương, THPT Hai Bà Trưng, THPT Nguyễn Huệ,... và các trường đủ điều kiện. Nhiều học sinh, sinh viên khẳng định năng lực và bản lĩnh hội nhập xuất sắc đạt được các học bổng du học quốc tế. Nhiều hội thảo, hội nghị, cuộc thi quốc gia, quốc tế được đăng cai tổ chức.
Những giải pháp cụ thể tiếp tục nâng cao ngành Giáo dục TP Huế
Giám đốc Sở GD&ĐT TP Huế khẳng định, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao vị thế. Cụ thể, tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, duy trì ổn định và phát huy vị thế chất lượng giáo dục thuộc tốp cao của cả nước (tốp 5 tuyển sinh Đại học và tốp 10 thành tích quốc gia, quốc tế).
Ngành sẽ xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trọng tâm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế. Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng GD&ĐT toàn diện gắn với đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, phát triển tài năng, tiếp tục tăng tỷ lệ đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

Tuyên dương, khen thưởng em Võ Quang Phú Đức, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế đạt Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 – 2025.
“Chúng tôi sẽ xây dựng một hệ sinh thái giáo dục số toàn diện, lấy người học làm trung tâm. Đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, bước đầu AI hỗ trợ phân tích dữ liệu học tập để điều chỉnh phương pháp giảng dạy, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, hỗ trợ giáo viên trong thiết kế bài giảng, chấm bài và phản hồi tự động.
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là phát triển giáo dục và đào tạo chất lượng cao. Xây dựng cơ chế thuận lợi, minh bạch để khuyến khích các doanh nghiệp, xã hội đầu tư; thu hút các nguồn lực quốc tế. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo” – TS Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Huế trao đổi về các dự định.