Huế: Thịt heo ế ẩm, quán cháo lòng đóng cửa vì một điều liên quan đến món ăn quá đỗi quen thuộc
TP Huế ghi nhận 31 người nhiễm liên cầu khuẩn lợn, trong đó 1 người chết, khiến người dân lo ngại và cẩn trọng hơn khi mua thịt heo.
Nhiễm liên cầu khuẩn lợn là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, do thói quen ăn tiết canh và các món ăn từ thịt lợn chưa chế biến kỹ. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Ghi nhận của Người Lao Động tại các chợ trung tâm TP Huế như chợ Phước Vĩnh, Bến Ngự, An Cựu... đang phải đối diện với cảnh thịt heo bày ra nhưng vắng khách. Khác hẳn cảnh đông đúc trước kia, sạp thịt heo của chị T. ở chợ Phước Vĩnh (phường Thuận Hóa, TP Huế) chỉ lác đác vài khách quen ghé qua, lựa thịt rồi đi vội. Việc buôn bán đã giảm rõ rệt kể từ khi rộ lên thông tin về nhiều người nhiễm liên cầu khuẩn.
Bà T. cho biết bình thường mỗi ngày bà bán được 20 kg thịt heo, giờ giảm xuống còn 10 kg.
Còn ông H., một tiểu thương bán thịt heo lâu năm ở chợ Bến Ngự (phường Thuận Hóa), ngậm ngùi cho biết cảnh buôn bán "chưa bao giờ buồn như ri".
Không chỉ lượng thịt tiêu thụ sụt giảm, giá cả cũng giảm. Thịt heo ba chỉ từ 150.000 đồng/kg giảm xuống còn 130.000 đồng/kg khiến nhiều tiểu thương than lỗ vốn.
Còn tại chợ An Cựu, phường An Cựu, tình hình buôn bán cũng ảm đạm không kém. Các sạp thịt được bày biện sạch sẽ, thịt đỏ au nhưng khách lại thưa thớt.

Trước tình trạng nhiều người nhiễm liên cầu lợn, khá nhiều quán bún Huế đóng cửa. Một số tiệm bán đồ ăn sáng sử dụng nguyên liệu thịt heo như bánh mì, cháo lòng cũng đóng cửa.
Trước tình trạng nhiều người nhiễm liên cầu khuẩn lợn, UBND TP Huế đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế phối hợp với chính quyền địa phương giám sát đàn heo, đẩy mạnh tiêm phòng, xử lý triệt để các ổ dịch và tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Huế cho biết các cơ quan chức năng tại Huế đang tăng cường kiểm tra lâm sàng, kiểm soát giết mổ chặt chẽ tại các cơ sở, kiên quyết xử lý các trường hợp heo bệnh, nghi mắc bệnh, chết do vận chuyển. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, lòng heo hoặc thịt heo chưa nấu chín kỹ; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh hoặc heo chết bất thường.
Trước đó, theo VOV, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Huế có 33 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, riêng trong hơn 01 tháng qua (từ đầu tháng 6 đến nay), thành phố Huế ghi nhận 25 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người, cao gấp 4,2 lần so với tổng số ca trong 5 tháng trước đó, 1 người đã tử vong.
Bệnh viện Trung ương Huế là nơi tiếp nhận điều trị toàn bộ số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, phần lớn trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, có triệu chứng sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội, nôn mửa, sợ ánh sáng, thậm chí có biểu hiện viêm màng não – biến chứng nguy hiểm thường gặp.
Theo bác sĩ Phan Lê Quỳnh Thi, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Huế, để điều trị hiệu quả phải phụ thuộc vào chẩn đoán sớm và sử dụng kháng sinh kịp thời. Nếu phát hiện muộn, bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, suy đa cơ quan và tử vong.
“Những bệnh nhân viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn thường vào viện với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu dữ dội, đặc biệt về khuya đến sáng sớm, đau tăng khi ho, kèm theo nôn mửa nhiều. Một số bệnh nhân nhìn mờ hoặc có dấu hiệu sợ ánh sáng. Nếu người dân có các triệu chứng nghi ngờ, sốt cao liên tục, nên đến bệnh viện sớm”.
Ông Hoàng Trọng Quý, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế cho biết, đơn vị tăng cường tuyên truyền, tổ chức giám sát dịch tễ tại các điểm nóng và khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, thịt sống, không giết mổ lợn bệnh.
“Ngành y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng tiết canh lợn, thịt chưa được nấu kỹ như lòng, nem chua… Thịt mua phải có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng. Tuyệt đối không tự giết mổ lợn nghi bệnh hoặc che giấu dịch. Trường hợp nếu có triệu chứng bệnh, cần đến cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời”, ông Quý nói.