Hừng đông trên làng chài Phước Đồng
Đến An Hải vào đêm trước, ghé homestay của một người quen bên làng chài Phước Đồng, tôi định bụng sẽ chờ sáng tìm cách đi thuyền ra Cù Lao Mái Nhà, một hòn đảo gần bờ không có người ở cách TP. Tuy Hòa, Phú Yên 25 km về phía Bắc.
5 giờ sáng, lúc hừng đông vừa rạng, tôi ngạc nhiên tột độ khi thấy một chợ cá ban mai đang họp trên bãi cát ngoài cửa sổ của căn nhà phủ đầy cây và hoa tôi đang ở. Ngày nào ở đây cũng bắt đầu như thế, chỉ có tôi là khách lạ…
Chủ nhà mang theo chiếc nón và giỏ xách ra chợ cá. Chị nói với lại rằng, tôi có thể kết hợp chạy bộ buổi sáng trên bờ biển nhân đó tham quan phiên chợ trên cát đặc biệt này.
Thì ra, căn nhà tối qua tôi đã đi vào cửa trước, còn cửa sau nó mở ra cả một thế giới khác. Bình minh trong vắt còn đẫm sương đêm hiện ra trong tiếng sóng ào vào bờ. Cù Lao Mái Nhà gần xịch trong tầm mắt. Cái bóng đen thẫm của nó trông như một con cá voi lớn đang chắn ngang ánh mặt trời đỏ rực.
Tôi đã từng tới trăm ngàn làng chài suốt duyên hải miền Trung, nhưng chưa từng được đi bộ trên cát mát lịm trong buổi bình minh thế này. Một chiếc càng cua nhỏ cắm vào gan bàn chân trần làm tôi nhói giật mình nhắc tôi chậm lại. Dường như, cả khu chợ sớm này chẳng ai vội vàng gì dù chỉ cần ánh mặt trời nhô lên cao, chợ sẽ giải tán.
Những chiếc thúng chai chuyển tải từ ghe lớn đậu bên ngoài đang tấp lên bờ vô số hải sản vừa đánh bắt được trong đêm. Những người vợ “hồn treo cột buồm” có buổi sáng này là hạnh phúc nhất. Họ đứng trên bờ cát chăm chăm nhìn những chiếc thúng chai đang xoay vào bờ. Với lấy tay chèo kéo lại gần mình, mấy chị ngó ngay vào khoang ước lượng mớ cá. Mà lạ, nhà nhỏ to ít nhiều gì cũng phấn khởi ra mặt. Mấy ngư phủ vứt mớ chiến lợi phẩm đêm cho vợ rồi đón mấy can dầu, lưới đã vá, nhu yếu phẩm từ tay vợ mang trở lại ra tàu lớn.
Ngư phủ ít nói lắm, vẻ ngoài ba trợn, mà bên trong lặng như vũng hẳm. Tôi nghe mấy ông biên phòng đồn trú kể, ra biển có lúc tàu đi vào chỗ không có sóng điện thoại, cá thì đi hoài không gặp, buồn quá mấy ông mang rượu ra nhậu trên boong. Nhậu xong nhớ vợ quá xá bèn lấy máy icom tầm xa gọi về đồn nhờ các anh biên phòng liên lạc với vợ. Mấy ông biên phòng lật đật chạy tới nhà tưởng chồng nhắn gì quan trọng với gia đình. Rồi bà con lối xóm tới chật nhà luôn hóng chuyện. Mấy ông lúc ấy mới tỉnh rượu, ngượng ngùng quá nói ừa thì tui bắt được con cá lớn muốn báo với má nó chuẩn bị đón. Sáng hôm sau chồng về, vợ hỏi ủa cá lớn đâu. Chồng chỉ vợ: “Đời có mỗi con cá lớn này mắc lưới nè”.
Có điều lạ là cả khu chợ trải ra trên bãi cát trong ánh bình minh đông đúc những bóng nón lá, nhưng không nghe tiếng ồn ào ì xèo cãi vã gì. Vợ ngư phủ không phải đi biển bao giờ, chỉ ở bờ trông chừng con cái học hành. Ngư dân thôn Phước Đồng đa số đánh bắt hải sản tàu nhỏ, gần bờ, thường chỉ đi biển 1 đến 2 ngày, hoặc chỉ đi 1 đêm rồi sáng về lại. Cá tôm gì cũng nhỏ, nhưng tươi rói và đặc biệt là không cần ướp đá, ướp ure này nọ, có sao bán vậy.
Mỗi đêm lao động nghề biển thu nhập từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, trừ những đêm trăng sáng. Những mẻ cá, ghẹ, ốc, sò gì cũng bán sang tay rất nhanh. Gần như cá vừa xuống bờ đã đặt lên cân, rồi trút vào vai mấy cô gánh thuê lên trên đường lớn đổ về các chợ huyện, chợ tỉnh. Người ta buôn bán tin nhau đến độ có khi việc gấp phải đi, mấy người làm thuê tự cân tự trút tôm cua mực vào thau mang đi, chỉ báo lượng rồi chuyển tiền vào túi mấy bà vợ. Nhìn ngắm đã mắt nhất là hải sản còn sống đựng trong các thùng nước mặn. Thường thì nếu may mắn bắt được cá chình biển lớn, mực nang, cá giò, cá mú bông, cá mú đỏ, các chủ tàu giữ hải sản sống trong các xô nước biển sạch sẽ bán được giá cao hơn cho các nhà hàng.
Bà chủ homestay tôi ở đang hỏi mua một mớ cá tươi. Chị nói, sẽ nấu cho tôi ăn món canh cá chua kiểu thuyền chài và mực tươi hấp cuốn bánh tráng. “Nhiêu đó đủ tương tư biển An Hải lắm rồi đó em”, chị nói.
Làng chài Phước Đồng hiện giờ có 4 homestay, trong đó có căn nhà mà tôi ở ngay chân bãi cát. Giàn hoa giấy đủ màu sắc tiệp vào ánh bình minh trong gió biển trong lành có lẽ là cảnh tượng bạc tỷ chẳng thể mua nổi ở bất cứ đâu. Vì thế mà các nhà đầu tư cũng đã nhắm tới An Hải, khi quyết định đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cù Lao Mái Nhà quy mô 137 ha, vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, trong đó hầu như diện tích mặt bằng xây dựng ở trên hòn đảo hình con cá voi và mặt nước lân cận.
An Hải lọt vào mắt xanh không chỉ của một, mà rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm tới quy hoạch chi tiết của vùng biển này, tính đầu tư các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch để tạo thế liên kết tựa nhau cùng phát triển.
Ngoài hòn đảo hoang sơ chưa có người ở, làng biển An Hải, thôn làng chài Phước Đồng và xung quanh đây đều trống tuênh dù vị trí này cách các khu du lịch nổi tiếng của Phú Yên như Gành Đá Đĩa, Hòn Yến, Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài không xa. Xung quanh thôn Phước Đồng có chỗ cát trắng bạt thổi chẳng thể canh tác cây trồng gì được.
Tôi ngồi xuống bên chiếc bàn ăn kê ra sân sau, lúc bình minh vẫn chưa lên cao, phiên chợ cá vừa vãn và món cá nấu chua hấp dẫn vô cùng. Chủ nhà kể cho tôi nghe chị đã gặp khó khăn gì, vất vả ra sao khi trồng được vườn cây xanh bao phủ homestay xinh xắn của chị.
Ai cũng nghĩ phải tạo ra sự yên bình bằng cách ngăn tường vách với không gian xung quanh, trong khi cả một vùng biển rộng đầy màu sắc và đời sống muôn vẻ tươi vui trước mắt, sờ thấy, nghe thấy được. Tôi chợt nghĩ, khung cảnh mà tôi đang tận hưởng này chẳng bao lâu sẽ mờ dần vì làn sóng đầu tư sang trọng tiện nghi hơn. Cả món cá thuyền chài mà nước chua trong veo không gợn mỡ hành kia nữa.
Phiên chợ trong ánh bình minh cũng sẽ ra sao?
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/du-lich/hung-dong-tren-lang-chai-phuoc-dong-311921.html