Hưng 'kính' bị đề nghị xử phạt mức án từ 4,5 đến 5 năm tù
Chiều nay (25/7), phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng 'kính') cùng các đồng phạm trong vụ án 'Cưỡng đoạt tài sản' xảy ra tại chợ Long Biên đã khép lại phần xét hỏi, đại diện VKS đã luận tội, đề nghị mức án với các bị cáo.
Theo đó, đại diện VKS cho rằng, các bị cáo đã khai nhận hành vi của mình, lời khai của các bị cáo phù hợp với tài liệu, hồ sơ của vụ án. Đối với bị cáo Hưng, bị cáo chỉ khai nhận một phần hành vi của mình đã gây ra.
Các bị cáo đã lợi dụng hợp đồng lao động ký kết với BQL chợ Long Biên, lợi dụng công việc của mình, có hành vi xâm phạm đến nhân thân của bị hại, mỗi bị cáo thực hiện với mỗi vai trò khác nhau, bị cáo Hưng giữ vai trò cầm đầu, chỉ huy mọi hoạt động của những bị cáo khác.
Xét vai trò, mức độ hành vi của từng bị cáo, bị cáo Hưng phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất so với các bị cáo còn lại. Bị cáo Hưng có tình tiết giảm nhẹ là đã nộp tiền khắc phục hậu quả; tuy nhiên cũng có tình tiết tăng nặng do phạm tội 2 lần trở lên. Các bị cáo khác cũng được xem xét những tình tiết giảm nhẹ nhưng bên cạnh đó VKS cũng nhận định các bị cáo vẫn có tình tiết tăng nặng.
Ngoài ra, đại diện VKS còn xác định, hành vi của các bị cáo gây ra là rất nghiêm trọng, gây bất bình trong quần chúng nhân dân, nên cần áp dụng hình phạt tù, để phòng ngừa chung cho xã hội.
Với nhận định và phân tích nêu trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX TAND TP. Hà Nội xử phạt bị cáo Nguyễn Kim Hưng mức án từ 4 năm 6 tháng đến 5 năm tù; Nguyễn Hữu Tiến mức án từ 3 năm 6 tháng - 4 năm tù; Lê Thanh Hải mức án từ 4 năm - 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Mạnh Long mức án từ 4 năm - 4 năm 6 tháng tù và bị cáo Dương Quốc Vương mức án tù 3 năm 6 tháng - 4 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Hưng “kính” mong tòa xem xét vì bị cáo nhiều bệnh tật nên mong được trở về sớm với gia đình.
Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Kim Hưng khai, bị cáo là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động dịch vụ đúng pháp luật và quy chế hoạt động của Ban Quản lý chợ Long Biên; đảm bảo an toàn hàng hóa, phối hợp hỗ trợ công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu vực được phân công tổ chức dịch vụ bốc dỡ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, để trục lợi cá nhân, Nguyễn Kim Hưng đã chỉ đạo đàn em là Dương Quốc Vương, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long sử dụng các thủ đoạn chèn ép, đe dọa bắt các hộ tiểu thương trong chợ Long Biên phải nộp tiền bảo kê dưới dạng tiền mua “lốt” xe. Hành vi của Hưng đã được một số tiểu thương chợ ghi lại và giao nộp cho cơ quan công an.
Theo chị Nghiêm Thúy Nga (bị hại trong vụ án), chị đã 5 lần làm đơn lên Ban quản lý chợ Long Biên. BQL có tổ chức họp, yêu cầu Hưng “kính” phải thực hiện đúng theo các quy định trong hợp đồng của BQL với các tiểu thương nhưng chỉ 5 ngày sau, mọi việc lại diễn ra như cũ. “Sau 5 ngày họ lại tự ý thu, tiếp tục gây khó khăn cho việc kinh doanh của chúng tôi. Đó là hình thức trừng phạt vì chúng tôi dám làm đơn lên BQL. Công an phường, quận xuống và đi về, không giải quyết được việc gì”, chị Nga nói tại tòa.
Tiếp tục trả lời các câu hỏi HĐXX, bị cáo Hưng khai, về hợp đồng bốc dỡ, lỗi là do Ban quản lý chợ Long Biên. Chợ không cho xe trên 2 tấn vào chợ mà lại ký hợp đồng cho xe 3,5 tấn, thậm chí 4,5 tấn vào đổ hàng.
Về việc thu tiền theo mẫu bảng kê do Hưng lập ra, bị cáo này cho biết, thực tế bản mẫu hóa đơn chứng từ trước đây cũng làm đúng như thế, nhưng sau đó do trời mưa, cầm tờ giấy to sẽ ướt, Hưng đã làm bảng kê mới nhỏ hơn để đảm bảo giấy tờ không bị hỏng.
“Có việc bị cáo chỉ đạo Long, Hải, Vương đi thu tiền của chị Nga cũng như các tiểu thương không, không bốc dỡ hàng hóa mà vẫn thu tiền không?” - Tòa hỏi.
“Việc các anh ấy làm trong đêm là do các anh ấy, hoàn toàn bị cáo không bao giờ đồng ý chuyện không có nhân viên bốc dỡ mà thu tiền” - Hưng “kính” khai và cho rằng việc các bị cáo khác thu tiền về, Hưng hầu như không kiểm tra.