'Hung thần biển cả' qua lời kể của ngư dân Hoàng Sa

Cá mập thường được ví như sát thủ dưới lòng đại dương, tuy nhiên, loại cá hung dữ thực sự là cá mập đuôi trắng, một loại rất hiếm gặp. Những loại cá mập khác, đôi khi ngư dân biết cách 'dọa dẫm' thì chúng cũng bỏ đi. Những ngư dân làm nghề câu khơi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thường khó quên những lần chạm mặt với 'hung thần biển cả'.

Vết răng cá mập trên vai ngư dân Phạm Thủ. Ảnh: Văn Chương

Vết răng cá mập trên vai ngư dân Phạm Thủ. Ảnh: Văn Chương

Con người - con mồi

Trong những chuyến đồng hành cùng ngư dân, thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp một ngư dân ngoi lên mặt nước và nói mấy câu: “Ổng bự lắm, suýt thì mất mạng”. “Ổng” mà ngư dân nhắc đến là cá mập. Những ngư dân làm nghề lặn biển, mang theo dây hơi, lặn ở độ sâu từ 30-40 mét dưới đáy biển để bắt cá, thỉnh thoảng lại bắt gặp cá mập xanh. Ở quần đảo Hoàng Sa, cá mập xanh có trọng lượng từ 50-80kg. Trước đây, có rất nhiều cá to trên 100kg, tuy nhiên, sản lượng cá mập dần tụt giảm.

Khi gặp cá mập thì phải làm gì? Bất cứ phóng viên nào, khi nghe ngư dân kể chuyện đụng chạm với cá mập dưới biển thì đều hỏi ngay câu này. Những năm trước đây, ngư dân làm nghề lặn và mang theo súng bắn tên, mỗi khi gặp cá mập, ngư dân sử dụng mũi tên nhọn để phòng thân và từ từ ngoi lên mặt nước. Ngư dân tên Hải ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Thấy ổng thì cũng sợ tê người, nhưng mình đừng bỏ chạy liền, nó tưởng con mồi, nó sẽ đuổi theo cứ nhìn trừng trừng vào mắt nó thì nó sẽ bỏ đi”.

Phần lớn ngư dân chạm mặt cá mập, khi đi làm nghề lặn ở vùng đáy biển Hoàng Sa, địa điểm có cá mập thường là các bình nguyên san hô nằm cạnh vực biển sâu. Cá mập ở dưới đáy biển sâu và đi thành từng bầy lên bình nguyên và chui vào rừng san hô để tìm thức ăn. Nhưng do việc khai thác cá mập quá mức, nên việc gặp cá đi thành đàn thưa dần, luồng cá mập dần dịch chuyển ra các vùng đáy biển ở khu vực từ 14 độ kinh Đông trở ra.

Không có phép tính nào để đo sản lượng cá mập qua từng thời kỳ, nhưng có thể ước lượng bằng phương pháp dân gian, đó là quan sát, ước tính sản lượng cá mập dính câu trong một đêm thả câu. Ngư dân Nguyễn Văn An ở cửa biển Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, thời điểm năm 1990, chỉ cần đổ chậu nước rửa cá lẫn cá vụn xuống biển thì sẽ có cá mập kéo tới, có khi cá đi cả chục con, bình quân đêm nào cũng có 7-8 con mắc lưỡi câu.

Bài học được các thợ lặn đi trước truyền lại, đó là, cứ nhìn thẳng vào mặt con cá mập. Cá mập nhìn thấy sinh vật đeo gương giống như sinh vật một mắt to, xung quanh người luôn sủi bọt sùng sục nên e ngại chỉ dám đi lòng vòng. Sau khi cá mập quen người thì cứ vài con bơi theo bên cạnh như đi dạo chơi. Nhưng nếu gặp cá mập đuôi trắng thì các ngư dân chỉ có cách là quay ra nghênh chiến. Phỏng vấn nhiều ngư dân làm nghề lặn ở Quảng Ngãi thì việc chạm mặt với cá mập đuôi trắng là rất hiếm. Nhưng ngư dân nào cũng mô tả về loại cá mập này như bóng ma dưới đáy biển. Cá mập đuôi trắng thường không to như cá mập xanh, khi cá cắn vào người thì bắt đầu biểu diễn cú bơi xoắn để tước quần áo, sau đó là da thịt của nạn nhân.

Sát thủ đuôi trắng

Ngư dân Phạm Thủ, sinh năm 1991, quê ở làng chài Phú Quý, xã Bình Châu có thâm niên hơn 10 năm làm nghề lặn biển kể về giây phút chạm mặt cá mập đuôi trắng. Lần gặp cá mập đuôi trắng cách đây khoảng 5 năm trước được anh kể lại: “Nó xẹt qua mặt tôi và mắt nó lừ lừ, tôi nghĩ con này lạ quá, có cái đuôi trắng. Ý nghĩ vừa thoáng qua đầu, đã thấy nó quay lại tấn công liền. Giờ nghĩ lại thì tôi rất ngạc nhiên vì cách tấn công của nó rất khôn lanh, tinh quái, cắt ống thở của mình để chặn đường sống rồi mới bắt đầu tấn công”.

Ngư dân làm nghề lưới kết hợp với lặn hơi, phiên nào cũng “chạm mặt” cá mập. Ảnh: Văn Chương

Ngư dân làm nghề lưới kết hợp với lặn hơi, phiên nào cũng “chạm mặt” cá mập. Ảnh: Văn Chương

Lần đó, con cá mập lôi ống hơi chạy đi một đoạn rồi thả ra, đó là lúc anh Thủ mất bình tĩnh, tay chân quẫy đạp để lao theo vồ lấy ống ô xy để nhét vào miệng. Trong khoảnh khắc lúng túng đó thì con cá đã bắt đầu lấy đà từ xa. Con cá bơi ngược lên đỉnh đầu, giống như “khóa” đường lên của ngư dân đang lâm cảnh khốn khó. Khi anh Thủ với tay lấy lại được ống thở thì con cá mập trắng từ phía trên và lao xuống đỉnh đầu, làm đứt luôn cả gương lặn. Anh Thủ giật co người, khiến một bên chân nhái rơi ra, anh hoàn toàn rơi vào thế bị động.

Anh Thủ liên tục đảo người để nhìn theo hướng bơi của con cá mập. Khó khăn nhất là nó phóng từ đỉnh đầu xuống rồi cắm người xuống đáy biển, sau đó, đâm thẳng lên, tấn công vào phần chân. Anh Thủ vừa “chiến đấu” với cá, vừa ngoi dần lên mặt nước. Có lúc, 2 tay anh chụp được vây cá giữ chặt, cá và người như quấn vào nhau đảo lộn dưới đáy biển. Con cá này mỗi khi bị nắm vây thì phá thế bằng cách xoay tròn người rồi phóng đi, sau đó đột ngột trở lại.

Phần lớn các vụ việc ngư dân bị cá tấn công hiện nay không phải là cá mập, mà là cá kiếm. Cá kiếm có trọng lượng từ 40kg trở lên, khi gặp ngư dân bơi dưới nước thì lao cái mỏ sắc, dài, nhọn đâm xuyên người. Khi cá kiếm được kéo lên tàu, có lúc còn lấy đà lao theo để tấn công lần cuối.

Khi anh Thủ ngoi lên gần tới mặt nước, con cá này tiếp tục tấn công dây hơi lần 2 và lần này nó cắt được ống thở lôi đi vài chục mét để anh không thể kéo trở lại và nhét vào miệng được, sau đó, nó tấn công lần cuối cùng. Con cá mập lao thẳng đến cắm bộ răng ngược vào đùi anh. Cá và người ôm nhau trồi lên mặt nước. Răng của nó dính chặt vào vải quần ngắn bằng vải rin của anh nên bị yếu thế. Nó quẫy đạp ầm ầm khi cả 2 ngoi lên mặt biển. Lúc đó, các ngư dân trên tàu lôi búa ra đập tới tấp vào nó.

Anh Thủ kể: “Nó tấn công thẳng vào ngực tôi, răng ngược của nó bấu vào thịt tôi và nó day liên tục để dứt thịt ra khỏi người. Tôi đau quá nên thò tay vào miệng nó vạch ra. Tôi vạch mạnh đến nỗi một ngón tay bị răng cá cắt đứt gân và bây giờ thành bị tật. Nhưng con cá này cũng lạ lắm, nó cắn mình rồi xông vô cắn đứt luôn dây nịt chì nặng cả chục kg đeo trên lưng và lôi đi để nuốt, trông thật đáng sợ”.

Sau lần bị nạn đó, anh Thủ lại tiếp tục trở ra Hoàng Sa bám biển, chỉ có điều, giờ đây, khi gặp cá mập, anh luôn soi xét kỹ để xem có phải là “tử thần” cá mập đuôi trắng hay không.

Hà Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hung-than-bien-ca-qua-loi-ke-cua-ngu-dan-hoang-sa-post438521.html