Hùng Việt giữ nghề truyền thống

Xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê được biết đến là làng đa nghề bởi nơi đây có tới 3 nghề truyền thống có tuổi đời vài chục năm đang được người dân gắn bó, gìn giữ và phát triển, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Lối vào làng Thạch Đê là những con đường bê tông nhỏ quanh co, hai bên đường là những ngôi nhà khang trang với khoảng sân rộng, người dân tất bật phơi những sào mỳ gạo sóng, trắng trong cho kịp cái nắng sớm mùa hè. Làng nghề bún bánh Thạch Đê được công nhận từ năm 2010, đến nay có 23 hộ làm nghề, thu nhập bình quân đạt từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Với lợi thế đất nông nghiệp, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có là cánh đồng lúa phì nhiêu, màu mỡ, hơn thế, xã có diện tích trồng lúa gần 300ha đã được cấp chứng nhận VietGap và mã số vùng trồng, là động lực để người dân Thạch Đê đang ngày càng nỗ lực sản xuất và phát triển thương hiệu của làng nghề. Đồng thời, mới đây sự ra đời của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Hùng Việt đã tạo sự liên kết sản xuất trong các hộ làm nghề, sản phẩm mỳ gạo Thạch Đê từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ bán thô nay sản phẩm đã được đầu tư đóng gói, có bao bì, nhãn mác chuyên nghiệp, đẹp mắt, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, nhờ đó sản lượng tiêu thụ tăng gấp nhiều lần.

Những sào mỳ gạo được các hộ dân làng nghề phơi dưới nắng hè.

Những sào mỳ gạo được các hộ dân làng nghề phơi dưới nắng hè.

Là một trong những hộ sản xuất quy mô lớn nhất xã, chị Phạm Thị Huế chia sẻ: “Nghề làm mỳ, bún không cần quá nhiều vốn lại rất dễ làm nhưng đòi hỏi sự chịu khó, tỉ mỉ, khéo léo và tâm huyết với nghề. Để sản phẩm ngon, mẫu mã đẹp và có hương vị đặc trưng đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, bí quyết chọn gạo, thường thì chỉ làm mỳ, bún bằng gạo Khang Dân, gạo phải thơm, ngon, mới thu hoạch không để quá lâu thì sợi mỳ sản xuất sẽ mịn, trắng và khi chế biến không bị nát, mỳ có độ giòn dai. Từ khi tham gia vào HTX, gia đình tôi cũng như một số hộ trong làng nghề đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất mỳ gạo. Trước đây bình quân mỗi ngày chỉ làm được khoảng 40kg mỳ thì nay có thể sản xuất được khoảng 8 tạ mỳ khô/ngày”.

Không chỉ nổi tiếng với làng nghề mỳ gạo Thạch Đê, Hùng Việt còn được biết đến với làng nghề bánh chưng Cát Trù. Nơi đây, không chỉ làm ra những chiếc bánh chưng ngon nức tiếng mà nhiều năm liền còn được chọn làm lễ vật dâng Vua Hùng mỗi dịp Giỗ Tổ. Nghề gói bánh chưng được gìn giữ qua bao thế hệ, từ đời này sang đời khác, tạo nên thương hiệu bánh chưng Cát Trù nổi tiếng khắp vùng. Có lẽ vì sự cầu toàn và tỉ mỉ trong từng chiếc bánh mà bánh chưng Cát Trù làm ra rất được khách hàng ưa chuộng, thường được khách hàng đến tận nơi lấy hoặc mang giao ngay trong ngày để kịp cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Trung bình mỗi chiếc bánh chưng có giá bán từ 50.000-55.000 đồng. Cứ thế, ngày nối ngày, hàng chục năm nay, bánh chưng làng Cát Trù đã theo chân biết bao người đi đến khắp các nẻo đường xa gần, cung cấp cho nhiều thị trường lớn tại các tỉnh thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc...

Các sản phẩm của làng nghề bánh chưng Cát Trù.

Các sản phẩm của làng nghề bánh chưng Cát Trù.

Bên cạnh việc sản xuất thực phẩm, nơi đây còn gìn giữ và phát triển nghề làm đồ thờ, phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân trong vùng và một số tỉnh lân cận. Làng nghề đồ thờ đã có từ cách đây vài chục năm, chuyên sản xuất vàng mã, các hộ trong làng nghề không làm theo mùa vụ mà sản xuất quanh năm, trong đó có ba đợt cao điểm là rằm tháng Bảy, cận Tết Nguyên đán và tháng Giêng. Trung bình, mỗi ngày các hộ làm nghề ở đây phải sản xuất hàng trăm mẫu hàng khác nhau mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng và hầu hết các sản phẩm đều được làm thủ công. Giá cả các mặt hàng dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, hoặc giá thành cao hơn đối với những mẫu hàng to, đẹp theo yêu cầu đặt riêng của khách hàng.

Các sản phẩm vàng mã của làng nghề chủ yếu được làm thủ công.

Các sản phẩm vàng mã của làng nghề chủ yếu được làm thủ công.

Đồng chí Nguyễn Trọng Phú - Chủ tịch UBND xã cho biết: Cùng với các ngành nghề khác tại địa phương thì nghề truyền thống đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến nay, sau sáp nhập Hùng Việt đã đạt xã NTM nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/năm. Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giảm nghèo và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn”.

Có thể thấy, giữa hàng trăm làng nghề truyền thống đang dần bị mai một, thì những người dân ở mảnh đất giàu truyền thống văn hóa ven sông Hồng lại đang từng ngày cần mẫn, chăm chỉ giữ lấy nghề, miệt mài tìm hướng đi và đưa sản phẩm truyền thống ngày càng phát triển trong đời sống hiện đại khiến mỗi người càng thêm trân trọng hơn những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/hung-viet-giu-nghe-truyen-thong-214323.htm