Hưng Yên: 6 tháng đầu năm 2023 có 815 doanh nghiệp đăng ký mới, tổng vốn 17.389 tỷ đồng
Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 10,58% và tăng 72,68% về vốn so với cùng kỳ. Đây là xu hướng tích cực khi cả nước giảm 0,5% số doanh nghiệp đăng ký mới và giảm 19,8% vốn đăng ký.
Tại Kỳ họp thường kỳ giữa năm của HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực: Kinh tế tăng trưởng khá; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mới đạt kết quả tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực chất, hiệu quả; tăng cường hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Cùng đó, cải cách hành chính, cải thiện môi trường, năng lực cạnh tranh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân và FDI. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã thu hút được trên 10.000 tỷ đồng và hơn 360 triệu USD vốn đầu tư.
Có 815 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 17.389 tỷ đồng, tăng 10,58% về số doanh nghiệp và 72,68% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Đây là xu hướng tích cực khi cả nước giảm 0,5% số doanh nghiệp đăng ký mới và giảm 19,8% về vốn đăng ký.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng các KCN và các tổ chức xúc tiến đầu tư đẩy mạnh hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Kết quả 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận được 26 dự án (8 dự án trong nước và 18 dự án nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký 498 tỷ đồng và 251 triệu USD. Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn cho 25 dự án (6 dự án trong nước và 19 dự án nước ngoài), với tổng vốn đầu tư tăng thêm khoảng 73 tỷ đồng và 99 triệu USD.
Tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm từ đầu năm đến nay là khoảng 374 triệu USD, bằng 83% kế hoạch được UBND tỉnh giao trong năm 2023, và tăng 30 % so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến nay, trong các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 524 dự án còn liệu lực, trong đó 235 dự án đầu tư trong nước và 289 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 7,2 tỷ USD.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỉnh là 15.246 tỷ đồng, đạt 66,5% dự toán giao, trong đó thu ngân sách nhà nước từ khu vực sản xuất kinh doanh đạt kết quả rất tích cực (thu DNNN Trung ương đạt 31,2%, thu DNNN địa phương đạt 70,9%, thu từ khu vực FDI đạt 74,3%, thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 176% so với dự toán). Nguồn thu NSNN lớn và tăng nhanh, tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn lên mức 54.528 tỷ đồng.
Vẫn theo ông Nghĩa, Hưng Yên trong 6 tháng đầu năm 2023 duy trì được đà tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh khó khăn là nhờ đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên 3 trụ cột: Triển khai đầu tư công với các dự án lớn, trọng tâm là hạ tầng giao thông; Tạo đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa với việc triển khai các khu đô thị quy mô lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, kinh tế Hưng Yên cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,16%, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2013 (trừ năm 2020 tăng 5,89%). Kim ngạch xuất khẩu giảm 14,43% và kim ngạch nhập khẩu giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thiếu đơn hàng, khó tiêu thụ sản phẩm, chi phí sản xuất tăng cao, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công, giờ làm, giảm nộp ngân sách nhà nước.
Trong thời gian tới, Tỉnh có những chủ trương, chính sách, tạo môi trường thể chế thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Từ đó, khơi thông mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.