Hưng Yên: Khai thác phát triển du lịch nông thôn
Hưng Yên còn lưu giữ hơn 500 lễ hội truyền thống cùng hàng trăm làng nghề và nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Từ nguồn “tài nguyên” đó, một số địa phương trong tỉnh bắt đầu xuất hiện mô hình đầu tư trang trại nông nghiệp kết hợp tham quan du lịch, chụp ảnh, mua sắm sản phẩm nông nghiệp. Tiêu biểu như các làng hoa, cây cảnh ở các xã: Xuân Quan, Phụng Công, Mễ Sở (huyện Văn Giang); làng thuốc Nam Nghĩa Trai ở xã Tân Quang (huyện Văn Lâm); Hợp tác xã nhãn lồng Đa Lộc (huyện Ân Thi)...
Năm nay, dù nhãn mất mùa, sản lượng chỉ bằng một nửa năm 2022 nhưng gia đình bà Mai Thị Tươi ở thôn Trắc Điền (xã Đa Lộc, huyện Ân Thi) vẫn phấn khởi vì vườn nhãn nhà bà đã có thêm thu nhập từ du lịch. Bà Tươi cho biết: “Nhà tôi có 130 gốc nhãn, chủ yếu trồng giống nhãn Hương Chi. Giống nhãn này thấp cây, cành xòe rộng, tán tròn sum sê, quả khi chín cho cùi dày, sắc nước, hạt nhỏ, vỏ mỏng, mã quả đẹp. Do cây thấp, có thể đứng dưới đất để hái quả và chụp ảnh nên khách du lịch rất thích đến trải nghiệm. Khi tham gia trải nghiệm, du khách được tham quan vườn nhãn và nhiều nhà vườn lân cận để tìm hiểu quy trình sản xuất, thưởng thức những trái nhãn chín mọng và chụp ảnh, mua nhãn làm quà biếu”.
Hiện nay, nhiều du khách rất ưa chuộng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn bởi chi phí phù hợp, vừa được thư giãn, hòa mình vào không gian trong lành, bình yên, vừa có thể thưởng thức những loại trái cây tươi ngon, an toàn ngay tại vườn và mua về làm quà tặng bạn bè, người thân... Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đưa con đến tham quan và trải nghiệm hái nhãn tại xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, chị Nguyễn Thu Nga ở Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy đây không đơn thuần là một chuyến du lịch mà còn là hình thức cho các con học tập qua trải nghiệm thực tế, được gần gũi với thiên nhiên, qua đó hiểu thêm về cuộc sống của người nông dân, biết trân trọng và yêu lao động”.
Nhìn tổng thể, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hưng Yên mới chỉ có tại một vài địa điểm với những dịch vụ đơn lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết đồng bộ để tạo thành chuỗi dịch vụ chất lượng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Hữu Chiến, Giám đốc Công ty Du lịch Sunvina Travel cho rằng: “Ngoài khai thác tốt các giá trị sẵn có, tỉnh Hưng Yên cũng nên tính đến việc tạo ra những sản phẩm đặc trưng để du khách có thể mua mang về. Ví dụ như mô hình nuôi gà Đông Tảo, thay vì chỉ mời du khách đến tham quan mô hình thì chúng ta nên thiết kế chương trình để du khách được trực tiếp tìm hiểu quy trình nuôi gà, trải nghiệm, tự tay làm ra những sản phẩm chất lượng, hợp vệ sinh từ gà Đông Tảo. Như vậy sẽ thu hút được du khách nhiều hơn, kích thích họ mua sắm các sản phẩm. Trong thời gian tới, Hưng Yên cần ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho việc tổ chức không gian các khu, điểm du lịch; đồng bộ kết cấu hạ tầng và hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ du lịch; xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp”.
Bài và ảnh: TRANG THẢO
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.