Hưng Yên lấy ý kiến tên gọi tỉnh mới khi sáp nhập Thái Bình
Cử tri sẽ được lấy ý kiến đối với Đề án sáp nhập tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình gồm phương án sáp nhập, tên gọi tỉnh mới và trụ sở hành chính tỉnh.
Ngày 17/4, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành kế hoạch số 83 tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình và tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo kế hoạch, tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn tỉnh và thông qua kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật.
Đối tượng lấy ý kiến gôm cử tri đại diện hộ gia đình có địa chỉ thường trú, tạm trú trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Một góc thành phố Hưng Yên.
Cử tri sẽ được lấy ý kiến đối với Đề án sáp nhập tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình gồm 3 nội dung: Phương án sáp nhập; tên gọi của tỉnh mới sau sắp xếp; trụ sở hành chính tỉnh sau sắp xếp.
Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hưng Yên (đối với các nội dung liên quan đến địa phương) gồm: Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tên gọi của đơn vị cơ sở (xã, phường) sau sắp xếp; trụ sở của đơn vị cơ sở hình thành sau sắp xếp.
Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến sẽ được thực hiện bằng hình thức phát phiếu đến từng hộ dân tại các thôn, tổ dân phố, theo nội dung kế hoạch.
Kế hoạch cũng nêu rõ lộ trình thực hiện như: Trước ngày 18/4, UBND cấp xã lập và niêm yết danh sách cử tri đại diện hộ gia đình. Ngày 22/4, tiến hành lấy ý kiến cử tri toàn tỉnh. Ngày 23/4, UBND cấp xã trình HĐND xã họp và ban hành nghị quyết thông qua phương án sắp xếp. Ngày 24/4, UBND cấp huyện trình HĐND huyện ban hành nghị quyết thống nhất phương án.
Cũng theo kế hoạch, tài liệu phục vụ lấy ý kiến gồm tóm tắt đề án sáp nhập tỉnh Hưng Yên và Thái Bình; tóm tắt đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính
UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, việc lấy ý kiến là bước quan trọng để đảm bảo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Theo Nghị quyết số 60 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên.
Ngày 14/4, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, nêu rõ, sáp nhập tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Hưng Yên, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên có diện tích tự nhiên 2.514,8 km2và quy mô dân số 3.208.400 người.