Hưng Yên: Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành; thủ trưởng cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công vụ; chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, giải pháp thuộc lĩnh vực, địa phương quản lý; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân của tỉnh.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm thực hiện thực thi công vụ của các cơ quan, đơn vị; rà soát, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí tuân thủ. Chủ động tích cực theo thẩm quyền, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, pháp lý, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng... theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện chất lượng, hiệu quả thủ tục hành chính liên thông, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Chủ động kiến tạo môi trường thuận lợi, có giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp doanh nghiệp có khả năng thích ứng, vươn lên, có sức cạnh tranh và phát triển. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy, liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa và các loại hình kinh tế khác nhằm tạo ra chuỗi giá trị nội địa, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Nghiên cứu đẩy mạnh cơ chế hợp tác công – tư, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh một số sáng kiến mang tính đột phá để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh như: Phát triển năng lượng tái tạo; phát triển các khu, cụm công nghiệp – dịch vụ xanh; phát triển và sản xuất hydro, ammonia xanh có giá trị cạnh tranh. Theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, quốc tế, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo để có các giải pháp kịp thời, đồng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với sản xuất cuối năm 2024 và những năm tiếp theo; từng bước vượt qua khó khăn, củng cố niềm tin, cải thiện đời sống cho người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển các doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt, tạo động lực mới cho nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo để tạo cơ hội đột phá cho phát triển nền kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh…