Hưng Yên phê duyệt thêm 3 cụm công nghiệp

UBND tỉnh Hưng Yên vừa phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Dị Chế, cụm công nghiệp Vân Du - Quang Vinh và cụm công nghiệp Làng nghề Hòa Phong…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đồ án quy hoạch, cụm công nghiệp Dị Chế, huyện Tiên Lữ có diện tích khoảng 20,4ha, do Công ty cổ phần quốc tế VIP - Hưng Yên làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, với tỷ lệ đất nhà máy, xí nghiệp, kho bãi chiếm 74,4%; đất cây xanh hơn 11%; đất giao thông bãi, bãi đỗ xe khoảng 11,3%, còn lại là đất hạ tầng kỹ thuật và đất khu nhà điều hành.

Ngành nghề hoạt động chủ yếu của cụm công nghiệp gồm: ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, các dự án sử dụng tiết kiệm đất, hiệu quả và sử dụng nhiều lao động địa phương.

Trong khi đó, cụm công nghiệp Vân Du – Quang Vinh do Công ty TNHH Phát triển công nghiệp Quang Vinh Hưng Yên làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, có quy mô 45 ha (không bao gồm các dự án đầu tư đã được UBND tỉnh tiếp nhận tại khu vực), được thực hiện trên địa bàn quản lý của hai xã Vân Du và Quang Vinh, huyện Ân Thi.

Cụm công nghiệp này xác định diện tích đất xây dựng nhà máy, kho tàng chiếm hơn 74,5% diện tích dự án; đất giao thông chiếm 12,9%; còn lại là đất xây dựng khu điều hành dịch vụ, đất bãi đỗ xe, đất cây xanh, mặt nước và đất xây dựng khu hạ tầng kỹ thuật. Ngành nghề hoạt động chủ yếu là sản xuất, kinh doanh ngành điện, điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, cơ khí, may mặc, thủy tinh, nhựa...; các dự án không gây ô nhiễm môi trường.

Còn cụm công nghiệp Làng nghề Hòa Phong quy mô khoảng 55,472 ha trên địa bàn xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào, có phía bắc giáp đường quy hoạch và khu dân cư hiện trạng; phía nam và phía tây giáp đất canh tác, phía đông giáp đường ĐH.31. Đơn vị khảo sát, lập quy hoạch là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hồng Hải. Ngành nghề hoạt động chủ yếu của cụm công nghiệp là mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng và các ngành phục vụ sản xuất đồ mộc.

Với đặc thù là làng nghề nên tỷ lệ phần đất điều hành, dịch vụ và trưng bày sản phẩm sẽ chiếm hơn 7,08%; đất xây dựng nhà máy chiếm tỷ lệ hơn 47% diện tích; còn lại sẽ là đất cây xanh, khu hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, bãi đỗ xe.

UBND tỉnh giao UBND huyện Ân Thi, huyện Tiên Lữ và UBND xã Mỹ Hào phối hợp với Sở Xây dựng đảm bảo chủ đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch được duyệt, kiểm soát chặt chẽ khi cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra việc thực hiện đồ án quy hoạch đã được duyệt tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, chỉ được xây nhà xưởng và không xây nhà kiên cố để tránh trường hợp dự án biến tướng thành nhà ở.

Theo địa phương, việc phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn những năm qua đã được tỉnh phê duyệt với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn, định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm vào khu vực tiềm năng. Đây là cơ sở giúp nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp, tạo môi trường phát triển thuận lợi, bền vững, hài hòa cho các ngành nghề công nghiệp nông thôn, tận dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có, bảo đảm an toàn về môi trường sinh thái, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp; tích cực hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quy hoạch xây dựng, góp phần bảo đảm chất lượng, tính bền vững, phù hợp của quy hoạch xây dựng công nghiệp với hệ thống đô thị - nông thôn trên địa bàn.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hung-yen-phe-duyet-them-3-cum-cong-nghiep.htm