Hưng Yên: Sản xuất công nghiệp giữ đà tăng trưởng

6 tháng đầu năm, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, giá nhiều loại nguyên liệu, vật tư đầu vào, đặc biệt là giá xăng, dầu luôn ở mức cao... đã gây áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn, làm tăng giá thành đầu tư và gây bất lợi cho việc tiêu thụ, lưu thông sản phẩm. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành với nhiều giải pháp linh hoạt, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp nên sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Sản xuất tại Nhà máy Nestlé Bông Sen tại Khu công nghiệp Thăng Long II (thị xã Mỹ Hào)

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã chủ động rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để có hướng giải quyết, hỗ trợ phù hợp; đồng thời đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm; quan tâm giải quyết các vấn đề về lao động. Tỉnh cũng đã chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đặc biệt nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế, giãn thuế... đã tạo điều kiện giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nỗ lực phát triển sản xuất trong tình hình mới.

Đồng chí Phạm Trường Tam, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN; tiếp nhận và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm, tại các KCN có thêm 19 dự án đầu tư mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới cho khoảng 5.000 lao động. Thu ngân sách nội địa của các doanh nghiệp trong các KCN trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.400 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà hồi phục. Theo báo cáo của ngành chức năng, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh ước tăng 9,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo (CBCT) tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 10%.

Hiện nay, ngành công nghiệp CBCT được đánh giá là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Xác định rõ điều này, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp CBCT và đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Hệ thống cơ sở vật chất của ngành công nghiệp CBCT với quy mô lớn, phong phú về chủng loại, đa dạng về cơ cấu đã được hình thành, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của công nghiệp CBCT ngày càng tăng trong GDP của toàn bộ nền kinh tế; sản phẩm CBCT đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường nhiều nước có yêu cầu chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt, điển hình như: Sợi bông cotton; vải dệt từ sợi tổng hợp; màn hình ti vi...

Trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư của tỉnh tăng mạnh với hàng chục đoàn doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đến tìm hiểu môi trường đầu tư và nhiều dự án KCN mới được khởi động như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Thăng Long II mở rộng (giai đoạn 3), dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Yên Mỹ II mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, 2 dự án cũng được Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 98 triệu USD và 2.682,5 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã tiếp nhận được 9 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.161,7 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký 37,6 triệu USD.

Hầu hết các dự án mới tiếp nhận đều có quy mô vốn lớn, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của ngành công nghiệp và có khả năng tận dụng được lợi thế ngành nghề chung của địa phương. Đến nay, tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực trong các KCN của tỉnh là 494 dự án, trong đó 270 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 224 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.072 triệu USD và 30.482 tỷ đồng.

Với mục tiêu tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm lên 10%, ngành Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp như: Tập trung nguồn lực, động viên, khích lệ và hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong toàn ngành đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, tạo dựng môi trường, hạ tầng cơ sở thuận lợi cho phát triển công nghiệp; tích cực trao đổi, tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang triển khai nhằm tăng năng lực sản xuất cho toàn ngành. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, khai thác tốt hơn thị trường vốn, thị trường sức lao động, khoa học công nghệ để tăng khả năng phát triển sản xuất; cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh…

Phạm Đăng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202207/hung-yen-san-xuat-cong-nghiep-giu-da-tang-truong-55e2be2/