Hưng Yên thông điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công và nhà ở xã hội
Đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Hưng Yên mới đạt 32%, so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 37% kế hoạch vốn đã phân bổ cho các dự án.
Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào chiều 6/7, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng nhà ở xã hội.
Gỡ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công
Theo các đại biểu HĐND tỉnh Hưng Yên, đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh mới đạt 32%, so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 37% kế hoạch vốn đã phân bổ cho các dự án. Với số phân bổ vốn lớn trong kế hoạch năm 2023 là 12.006 tỷ đồng và số kéo dài từ năm 2022 sang 2023 là 2.122 tỷ đồng và cùng với đó là áp lực giải ngân cao. Do đó, tỉnh cần có những giải pháp để đến cuối năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt ít nhất 95% kế hoạch.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên Trịnh Văn Diễn cho rằng, hiện nay, giá nguyên vật liệu đang ở mức cao nhất là mặt hàng sắt, thép, xăng, dầu, cát, sỏi, trong khi đó nguồn cung cấp còn hạn chế, đặc biệt là cát đen chi phí vận chuyển tăng cao. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình và giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Trịnh Văn Diễn, hiên nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 mỏ cát san lấp được cấp phép gồm 3 mỏ cát song đã được quy hoạch, cấp phép khai thác tại xã Hoàng Hanh, Tân Hưng, Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), với tổng trữ lượng khoảng 1 triệu m3, công suất khai thác 200.000 m3/năm và một mỏ cát tại xã Mai Động, huyện Kim Động, do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường khai thác phục vụ thi công giai đoạn II Dự án đường nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ- Ninh Bình. Trong khi đó, nhu cầu san lấp trên địa bàn toàn tỉnh là hàng chục triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư công lớn, có khả năng hấp thụ nhiều vốn nhưng phải mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư như: thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dẫn tới chậm giải ngân vốn.
Đơn cử là Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô; Dự án xây dựng đường hai bên đoạn Km 19+640 (giao QL 38B); Dự án đầu tư xây dựng đường Vân Du-Phủ Ủng... Đồng thời, một số dự án còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do chưa được sự đồng thuận về giá đất bồi thường, tái định cư của nhân dân.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án; xử lý nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch; thực hiện phương châm có mặt bằng sạch đến đâu bàn giao ngay cho nhà thầu đến đó, để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.
Đồng thời, phân công cụ thể lãnh đao chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đâ là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023.
Thu hút các nhà đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội
Đại biểu Trần Thanh Liêm, Tổ đại biểu huyện Kim Động cho rằng, theo Đề án thu hút các nhà đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội dành cho công nhân, đến năm 2025 dự kiến tỉnh Hưng Yên sẽ phát triển thêm khoảng 17.800 căn hộ, đáp ứng cho trên 40.000 người có nhà ở (tương đương khoảng 50% số công nhân có nhu cầu về nhà ở tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất). Để hoàn thành mục tiêu đề ra Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có những chính sách như thế nào để thu hút các nhà đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, trong quá trình triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu nhà ở, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đồng thời tỉnh thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị chia sẻ thông tin, thủ tục liên quan đến các dự án, thông tin về quy hoạch, địa điểm, vị trí những quỹ đất còn trống có thể dành để xây dựng các dự án nhà ở xã hội để các nhà đầu tư nghiên cứu, khải sát và tham gia đầu tự các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 16 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có 4 dự án nhà ở xã hội độc lập; 2 dự án khu nhà ở công nhân thuộc dự án sản xuất công nghiệp xây dựng cho công nhân thuê; 1 dự án bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội và 9 dự án khu nhà ở thương mại, nhà ở đô thị có bố trí quỹ đấy xây dựng nhà ở xã hội.
“Tỉnh Hưng Yên không ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng cho từng dự án. Các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tiếp nhận trên địa bàn tỉnh được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật”, ông Trịnh Văn Diễn khẳng định./.