Hưng Yên tìm cách giảm thiểu ô nhiễm nước sông Bắc Hưng Hải

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (sông Bắc Hưng Hải) qua địa bàn tỉnh có chiều dài 34,5 km, là hệ thống thủy lợi quan trọng, cung cấp nước cho khoảng 38 nghìn ha diện tích đất canh tác nông nghiệp, 12 nghìn ha nuôi thủy sản và cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 500 nghìn người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân.

Hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Phố Nối A trước khi đưa nước ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Theo kết quả quan trắc môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện từ năm 2019 đến năm 2021 cho thấy, nước sông ô nhiễm chủ yếu bởi chất hữu cơ, vi sinh như: BOD5, COD, TSS, NH4+, Coliforms... Trong đó: COD vượt 1,003 - 1,77 lần; BOD5 vượt 1,01 - 1,76 lần; dầu mỡ vượt 1,24 - 2,96 lần. Nguyên nhân ô nhiễm chủ yếu do nước thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, y tế, chăn nuôi và dân sinh.

Hiện nay, 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh có hơn 400 dự án đang hoạt động với tổng lượng nước thải khoảng 38.795m3/ngày đêm. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, lượng nước thải được thu gom, xử lý tại khu xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp khoảng 23.129m3/ngày đêm, lượng còn lại được chủ nguồn thải tự xử lý và xả ra môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động của các làng nghề với quy mô nhỏ lẻ, thiếu công trình xử lý chất thải, khiến nguồn nước mặt xung quanh bị ô nhiễm. Theo kết quả điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng lưu lượng nước thải từ làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 4.209m3/ngày đêm, nước thải sinh hoạt khoảng 80.692m3/ngày đêm. Ngoài ra, còn các nguồn nước thải khác như: Trường học, bệnh viện, nhà hàng…

Một nguyên nhân khác là tại đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải phải tiếp nhận lượng nước bị ô nhiễm từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua địa bàn thành phố Hà Nội, đây được đánh giá là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải hiện nay. Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng lưu lượng nguồn nước sông Cầu Bây tiếp nhận và chảy vào đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải năm 2020 khoảng trên 155.520m3/ngày đêm.

Để bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ lấy mẫu giám sát đối với các cơ sở có lưu lượng xả nước thải lớn trên địa bàn tỉnh. Sở tham mưu với UBND tỉnh quy định các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải trên 100m3/ngày đêm phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, đến nay đã có 18 cơ sở lắp đặt vận hành, truyền số liệu về sở; xây dựng và duy trì 7 điểm cố định lấy mẫu quan trắc chất lượng nguồn nước sông thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Việc xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất trong tỉnh được đặc biệt quan tâm những năm gần đây. Trong đó, Cụm công nghiệp làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất 500m3/ngày đêm; đưa vào sử dụng 3 công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư tại các xã, thị trấn thuộc các huyện: Kim Động, Yên Mỹ, Ân Thi với công suất từ trên 400m3/ngày đêm; đưa vào vận hành dự án mạng lưới và hệ thống xử lý nước thải thành phố Hưng Yên giai đoạn I với công suất 6.300m3/ngày đêm.

Để xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành 4 công trình xử lý nước thải quy mô hộ, cụm hộ gia đình tại các huyện: Kim Động, Văn Lâm, Tiên Lữ, làm cơ sở nhân rộng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn trên toàn tỉnh. Cùng với đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong xả nước thải gây ô nhiễm môi trường được tăng cường. Năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất gần 70 cơ sở liên quan tới xả nước thải ra môi trường. Qua đó, xử lý 55 cơ sở vi phạm với tổng số tiền trên 4,762 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện Công văn số 863/UBND-KT2 ngày 8.4.2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước sông Bắc Hưng Hải, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong cộng đồng. Thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Tiếp tục quan trắc chất lượng nước sông Bắc Hưng Hải; tổ chức đánh giá, phân loại và có biện pháp kiểm soát các nguồn thải, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải và các sông, kênh trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202204/hung-yen-tim-cach-giam-thieu-o-nhiem-nuoc-song-bac-hung-hai-f733bf4/