Hưng Yên: Trồng rau màu phục vụ chế biến, xuất khẩu
Do ảnh hưởng của thời tiết, diện tích trồng cây vụ đông sớm và chính vụ chậm tiến độ và diện tích giảm. Trước những khó khăn trên, để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập, ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân giống, vốn, tập huấn kỹ thuật nhằm mở rộng các loại cây có giá trị hàng hóa phục vụ chế biến, xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và nông dân để tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân xã Hưng Đạo (Tiên Lữ) thu hoạch dưa chuột bao tử phục vụ chế biến
Những năm trước, diện tích cây rau màu xuất khẩu của huyện Yên Mỹ chỉ chiếm một diện tích nhỏ, nhưng đến nay, các loại cây rau màu không ngừng được mở rộng, cho giá trị kinh tế cao. Với người dân xã Yên Phú, hai loại cây rau màu xuất khẩu là dưa chuột bao tử và cải sa-lát đã trở nên quen thuộc với đồng đất nơi đây. Cây dưa chuột xuất khẩu bình quân cho thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/sào và trồng được cả hai vụ trong năm. Cây cải sa-lát cho thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/sào nhưng thời gian thu hoạch sớm, công chăm sóc, chi phí ít. Chị Nguyễn Thị Hạnh, nông dân trong xã cho biết: Trước đây ở các chân ruộng màu chủ yếu trồng ngô, khoai lang hiệu quả kinh tế thấp, nhưng từ khi có chủ trương đưa cây rau màu xuất khẩu vào trồng hiệu quả kinh tế cao hơn, đời sống nông dân được nâng cao.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Mỹ không chỉ có nông dân xã Yên Phú trồng cây rau màu xuất khẩu mà ở hầu hết các địa phương khác như Yên Hòa, Đồng Than, Hoàn Long, Trung Hưng... cây rau màu xuất khẩu cũng được đưa vào trồng trên diện rộng. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong những năm qua, huyện Yên Mỹ đã đưa nhiều loại cây trồng mới vào thâm canh nhưng đến nay cây rau màu chế biến, xuất khẩu vẫn đạt hiệu quả cao hơn. Các loại cây này đa phần đều dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, giá ổn định.
Để khuyến khích mở rộng sản xuất, các địa phương có nhiều việc làm tích cực như hỗ trợ giống, vốn, tưới tiêu cho nông dân, đứng ra làm trung gian để doanh nghiệp và nông dân ký hợp đồng. Những năm qua, huyện Kim Động luôn mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, đặc biệt là các loại cây trồng phục vụ chế biến và xuất khẩu như dưa chuột bao tử, măng tây, ngô ngọt được mở rộng tăng từ 10 - 15% diện tích so với vụ trước. Nhiều xã như Toàn Thắng, Hiệp Cường, Chính Nghĩa đã chủ động liên hệ với một số đơn vị trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng tiêu thụ nông sản đến từng hộ dân. Theo tính toán và kinh nghiệm của các hộ ở xã Toàn Thắng, trồng dưa bao tử tuy mất nhiều thời gian nhưng cho thu nhập cao. Với năng suất 1 sào dưa bình quân đạt từ 1,2 - 1,5 tấn, trừ chi phí người trồng có lãi 3 - 5 triệu đồng.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông của tỉnh khá đa dạng, sản phẩm được phân phối qua nhiều kênh, ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Ước tính mỗi năm, hàng nghìn ha rau màu được các công ty, đơn vị thu mua theo hợp đồng với nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất cây vụ đông phục vụ chế biến, xuất khẩu gặp không ít khó khăn. Hợp đồng ký kết giữa một số doanh nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng. Khi giá thị trường lên cao, nông dân bán sản phẩm ra ngoài, ngược lại khi giá xuống thấp lại “ép” doanh nghiệp phải thu mua. Phần lớn sản phẩm tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian nên giá thu mua thấp. Trong khi đó chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm một số loại nông sản chưa bảo đảm. Một khó khăn khác là cây trồng chưa được quy hoạch thành vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hầu hết các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh chưa phát huy tối đa công suất. Bình quân các doanh nghiệp chỉ hoạt động từ 40 - 45% công suất, vào vụ đông là thời điểm nhiều nguyên liệu chế biến nhưng công suất cũng chỉ đạt 60 - 65%.
Với những chuyển biến tích cực từ trồng, thu mua, chế biến sản phẩm cây rau màu vụ đông, đặc biệt là các sản phẩm từ cây rau màu chế biến, xuất khẩu đang mở ra nhiều triển vọng mới cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để tăng diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, ngành chuyên môn và các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương của tỉnh về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, có giải pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết thu mua và chế biến nông sản, tạo vòng khép kín giữa vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến. Ngành chức năng tăng cường các dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu nhận thông tin về thị trường rau, quả cung cấp cho người sản xuất; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến rau, quả cho người sản xuất cũng như các tác nhân trung gian. Các địa phương khuyến khích nông dân áp dụng giống mới, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và chế biến rau, quả, đầu tư xây dựng mô hình trồng rau an toàn, hướng dẫn nông dân chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định, bảo đảm thời gian cách ly và vệ sinh an toàn nông sản, có chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến rau quả. Có như vậy, sản xuất vụ đông, đặc biệt là cây rau màu phục vụ chế biến, xuất khẩu mới thực sự bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.