Hưng Yên: Xây dựng 'kịch bản' đảm bảo điện phục vụ tăng trưởng 2 con số
Ông Trương Công Diệm, Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên (PCHY) chia sẻ, nguồn cung cấp điện cho Hưng Yên chưa thật dồi dào nên việc căn chỉnh điều hòa nguồn điện rất quan trọng.
Những năm qua, Hưng Yên phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị với hàng nghìn doanh nghiệp vào đầu tư. Theo đó, sản lượng điện tiêu thụ phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội cũng từ đó tăng lên từng năm. Điều này đồng nghĩa với việc ngành điện lực Hưng Yên sẽ gặp nhiều áp lực trong trong việc phân phối điện để hài hòa các lợi ích.
Linh hoạt trong điều độ lưới điện

Công ty Điện lực Hưng Yên theo dõi, quản lý, vận hành lưới điện trên địa bàn. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN
Theo Công ty Điện lực Hưng Yên, năm 2025 dự báo tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tăng trưởng. Khách hàng sử dụng điện lớn đi vào hoạt động, dự báo công suất phụ tải hệ thống điện tỉnh Hưng Yên đạt đỉnh là 1250 MW (tăng 140 MW, tương ứng tăng 12,61% so với năm 2024). Nhận thức rõ áp lực, ngành điện Hưng Yên đã chủ động đề ra biện pháp đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục nhất trên địa bàn.
Ông Trương Công Diệm, Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên (PCHY) chia sẻ, nguồn cung cấp điện cho Hưng Yên chưa thật dồi dào nên việc căn chỉnh điều hòa nguồn điện rất quan trọng. Trên tinh thần khắc phục khó khăn, công ty đã lập phương án cung ứng điện năm 2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, trong phương án vận hành cao điểm nắng nóng mùa hè 2025, Công ty Điện lực Hưng Yên xây dựng các kịch bản phụ tải ngày điển hình mùa hè tăng trưởng 5, 10, 15% so với công suất lớn nhất năm 2024 (1110MW).
Cùng đó, công ty thực hiện đánh giá mức độ mang tải của từng đường dây, máy biến áp 110kV, đường dây trung áp để đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng vận hành đối với từng đường dây, máy biến quá tải để từ đó san tải một cách hợp lý. Công ty cũng xây dựng bộ phận “phản ứng nhanh” để kịp thời phát hiện, sửa chữa các sự cố về điện trong ngày nắng nóng.
Năm 2025, dự kiến Công ty Điện lực Hưng Yên đưa vào vận hành 200 trạm biến áp, với tổng dung lượng 350.000 kVA, cũng sẽ góp phần ổn định lưới điện. Cùng với linh hoạt trong điều độ lưới điện, công ty tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình giảm sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, phương án xử lý nhanh sự cố năm 2025 và tổ chức diễn tập cho các đơn vị liên quan trước mùa nắng nóng. Công ty cũng xác định thời điểm từ tháng 5-8 sẽ nắng nóng đỉnh, lượng điện tiêu thụ tăng mạnh nên đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về việc sử dụng tiết kiệm điện, hiệu quả an toàn.
“Ngay từ đầu năm, PCHY đã làm việc, ký cam kết với những khách hàng “khủng” trong sử dụng điện về việc sẵn sàng phối hợp với công ty để điều chỉnh phụ tải trong các ngày nắng nóng cực đoan của năm 2025. Mặt khác, yêu cầu doanh nghiệp sử dụng điện tăng cường kết hợp bảo dưỡng, bảo trì thiết bị, dây chuyền sản xuất nhằm giảm tải cho lưới điện. Đặc biệt ngành điện tuyên truyền tới đông đảo người dân, doanh nghiệp trong ngày nắng nóng cần thực hiện biện pháp tiết kiệm điện, thay thế thiết bị sử dụng điện hiệu suất thấp bằng thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm điện; hạn chế sử dụng cùng lúc các thiết bị hao tổn điện năng, nhằm chống quá tải, gây sự cố lưới điện”, ông Diệm thông tin thêm.

Điện lực Hưng Yên khen thưởng các doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN
Là doanh nghiệp có sử dụng điện lớn trên địa bàn tỉnh với sản lượng trung bình 4,29 triệu kWh/tháng, ông Đồng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Thép Minh Ngọc (Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết, thời gian tới sẽ tích cực tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại do PCHY triển khai. Cụ thể để tiết giảm công suất là 05 MW điện, công ty đã xây dựng kế hoạch thực hiện sa thải một số phụ tải trong những thời điểm cao điểm mùa hè khi lưới điện thiếu nguồn.
Công ty đã phân loại nhà máy ra các bộ phận sản xuất, đánh giá các mức độ thiệt hại khi các bộ phận này phải ngừng sản xuất đột xuất. Từ đó, phối hợp với PCHY xây dựng quy trình phối hợp vận hành giữa 2 đơn vị nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện và sản xuất ổn định trong các tình huống, kịch bản thực hiện tiết giảm phụ tải khi xảy ra thiếu nguồn và tiết giảm khẩn cấp.
“Mỗi giờ cắt điện, mỗi giờ giảm công suất sử dụng điện ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với ngành điện đảm bảo nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, cùng chung tay, đóng góp cho sự phát triển của xã hội”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Hiện nay, 100% khách hàng là doanh nghiệp tại Hưng Yên đã ký cam kết tiết kiệm điện.
Ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý
Năm 2025 và những năm tiếp theo, Hưng Yên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số, đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư, mở rộng các khu, cụm công nghiệp và đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa. Để phục vụ cho tăng trưởng của tỉnh, đòi hỏi ngành điện phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, linh hoạt và sáng tạo trong thời gian tới để tiếp tục khẳng định vai trò là “mạch máu” của nền kinh tế.

Công ty Điện lực Hưng Yên theo dõi, quản lý, vận hành lưới điện trên địa bàn. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN
Ông Vũ Quang Thắng - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho rằng, ngành điện tỉnh cần đầu tư, nâng cấp lưới điện; trong đó đặc biệt là các dự án chống quá tải tại các khu công nghiệp lớn và khu vực đô thị đang phát triển nhanh như thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào hay huyện Yên Mỹ, Kim Động, Ân Thi.
Cùng đó, đẩy mạnh hiện đại hóa và chuyển đổi số trong quản lý, vận hành và dịch vụ khách hàng. Công ty tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong quản lý lưới điện; đồng thời phát triển các dịch vụ trực tuyến tiện ích, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin, thanh toán và phản ánh ý kiến.
Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, năng lượng tái tạo là hướng đi tất yếu, Giám đốc Sở Công Thương cũng gợi mở, ngành điện Hưng Yên nghiên cứu, đề xuất các dự án điện mặt trời áp mái tại các khu, cụm công nghiệp, cơ quan, trường học.., đồng thời phối hợp với doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình khuyến khích tiết kiệm điện, giúp giảm áp lực lên hệ thống cung ứng. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh mà tỉnh đang theo đuổi.

Công ty Điện lực Hưng Yên theo dõi, quản lý, vận hành lưới điện trên địa bàn. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN
Với tinh thần của ngành điện “lấy khách hàng là trung tâm”, ông Thắng đề nghị, PCHY tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là những kỹ sư, kỹ thuật viên có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp 4.0. Đồng thời, cần duy trì và phát huy tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ tận tâm đối với khách hàng. Hưng Yên đang đứng trước những cơ hội lớn để bứt phá, trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh và đáng sống. Để hiện thực hóa khát vọng ấy, ngành điện cần tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.