Tận dụng tiềm năng sản phẩm Halal để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Với nhiều tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm Halal (tuân theo các tiêu chuẩn của người Hồi giáo), Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD, nhất là trong bối cảnh yêu cầu đa dạng hóa thị trường trước nhiều bất định khó lường của kinh tế thế giới.

Nhiều sản phẩm của Việt Nam đạt tiêu chuẩn Halal trưng bày bên lề hội nghị chuyên đề về Halal. (Ảnh minh họa: TRUNG HƯNG)
Cơ hội lớn cho ngành Halal Việt Nam
Sáng 4/4, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025 với chủ đề “Xúc tiến thương mại tăng cường khai thác thị trường sản phẩm Halal toàn cầu”.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Cùng tham dự có đại diện các hiệp hội, ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công thương và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, thị trường Halal toàn cầu trị giá 2 nghìn tỷ USD mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, đây là thị trường cần phải quan tâm chiếm lĩnh.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
“Với tỷ trọng toàn thị trường trị giá 2 nghìn tỷ USD, chúng ta chỉ cần chiếm thị phần 10% cũng đã mang lại giá trị rất lớn. Nếu phấn đấu trong vòng 5 năm với tốc độ tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm tỷ trọng cao trong thị trường Halal toàn cầu”, Thứ trưởng dự báo.
Giới thiệu tiềm năng, cơ hội phát triển các sản phẩm Halal tại Việt Nam và thế giới, ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu trị giá 2 nghìn tỷ USD nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn.
Theo đó, Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, bao gồm cà-phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, cho thấy khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng.
Cũng theo ông Bin Osman, Việt Nam cũng đã được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống.

Ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
“Số liệu năm 2024 cho thấy nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà-phê, hạt điều… tăng trưởng ngoạn mục, và để đưa các sản phẩm này tiến vào thị trường Hồi giáo thì cách tiếp cận phù hợp nhất chính là qua các tiêu chuẩn Halal”, ông Bin Osman nhấn mạnh.
Khẳng định thị trường Halal nhận được sự quan tâm lớn của các hiệp hội, ngành hàng, ông Trần Văn Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, trong năm 2024, ngành điều đã xuất khẩu được 700 nghìn tấn hạt điều nhân, trị giá 3,8 tỷ USD, trong đó chứng nhận Halal cũng như các chứng nhận khác về quản lý, kiểm soát chất lượng là rất quan trọng.
Theo ông Hiệp, trong những năm qua, hiệp hội đã chú trọng tới thị trường Halal khi tất cả các sản phẩm điều xuất khẩu đều có chứng nhận Halal cũng như các chứng nhận khác về chất lượng. Trong đó, thị trường lớn nhất vẫn là thị trường Mỹ, đi kèm với yêu cầu có chứng nhận Halal nhiều nhất, chiếm 30% toàn bộ sản lượng xuất khẩu, tiếp đến là các thị trường châu Âu, Australia, các quốc gia Trung Đông…
Chia sẻ những thách thức, rào cản mà doanh nghiệp gặp phải khi xâm nhập vào thị trường Halal, ông Lê Phú Cường - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia khẳng định, nhu cầu sản phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo là rất lớn, tuy nhiên để đạt được chứng thực Halal tiêu chuẩn cho xuất khẩu lại là một vấn đề khác.
Theo ông Cường, chứng chỉ Halal không phải là yêu cầu bắt buộc đối với hàng nhập khẩu vào Malaysia, tuy nhiên nhiều nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ ưu tiên lựa chọn sản phẩm có chứng chỉ này để đáp ứng phần đông người tiêu dùng sở tại, khi dân số Hồi giáo ở quốc gia này chiếm tới 60% nên đa số sản phẩm được ưu tiên lựa chọn phải có chứng nhận Halal.
Nêu thực tế tại Indonesia, quốc gia có nhu cầu nhập khẩu lớn về sản phẩm Halal, ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia thông tin, chứng nhận Halal của Indonesia cũng được coi là một rào cản phi thuế quan, khi thủ tục, thời gian cấp phép kéo dài, chi phí cao, hiệu lực lại ngắn, gây khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, số lượng các đơn vị được Indonesia ủy quyền cấp chứng nhận lại rất hạn chế, chỉ có duy nhất 1 đơn vị và cũng mới chỉ áp dụng cho thực phẩm, trong khi quy trình cấp chứng nhận khá phức tạp, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không chỉ đầu vào…., bên cạnh sự quan tâm của doanh nghiệp đến các quy trình cấp phép Halal vẫn còn hạn chế, thiếu bài bản, cùng với cạnh tranh từ các nước khác…
Phát triển hệ sinh thái Halal toàn diện
Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận nhằm xây dựng một hệ sinh thái Halal bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Khẳng định đây là thị trường cần phải quan tâm chiếm lĩnh, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất định khó lường, việc thâm nhập và khẳng định thương hiệu sản phẩm Halal Việt Nam là một yêu cầu quan trọng nhằm đa dạng hóa thị trường.
Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu xâu chuỗi các mạng lưới và bắt tay xây dựng đề án thúc đẩy sản phẩm của Việt Nam vào các thị trường Halal, với các mục tiêu rõ ràng, cụ thể.
Ngoài ra, cần khẩn trương, kịp thời gắn kết doanh nghiệp với các tổ chức chứng nhận Halal, các thương vụ để đưa mặt hàng của Việt Nam đến các điểm đến truyền thống cũng như thị trường mới, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm Halal.
Ông Trần Trọng Kim - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Saudi Arabia kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cần có các hướng dẫn thủ tục, quy trình công nhận chứng nhận Halal, hỗ trợ việc thúc đẩy hợp tác ký công nhận lẫn nhau về Halal, do nhiều quốc gia vẫn chưa công nhận trực tiếp cho các sản phẩm của doanh nghiệp mà vẫn phải qua bên thứ 3.
Bên cạnh đó, cần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng các cơ sở Halal chuẩn quốc tế. Về phía các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu đầu tư các dây chuyền sản xuất theo chuẩn Halal, tiếp cận các doanh nghiệp, tổ chức chứng nhận Hala được công nhận để tham khảo, tư vấn.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia các hoạt động quảng bá thực phẩm Halal của Việt Nam như các hội chợ chuyên ngành, tập trung vào các sản phẩm Halal chất lượng cao, song song với việc tránh các tranh chấp thương mại thông qua xác minh, kiểm tra đối tác trước khi giao dịch và ký hợp đồng không hủy ngang và có đặt cọc trước để bảo đảm an toàn…
Nhấn mạnh hiện Việt Nam vẫn chưa có nhiều nguồn nhân lực am hiểu về thị trường Halal, ông Trương Xuân Trung - phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE nêu kiến nghị, cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp lý về Halal, trong đó Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) mới được ký kết được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia Hồi giáo về chứng nhận Halal, hỗ trợ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp có giấy chứng nhận Halal hơn để xuất khẩu vào thị trường nhiều tiềm năng này.