Hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong công tác kê khai tài sản, thu nhập
Sáng 26/12, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội nghị Hướng dẫn và giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kê khai tài sản, thu nhập. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ - Báo cáo viên; cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện các đơn vị trực thuộc và hơn 1.070 đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc KTNN.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuấn đã trình bày tóm tắt một số nội dung chính về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ông Tuấn cho biết, trong hệ thống quy định pháp luật có nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó có biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Theo đó, kiểm soát tài sản, thu nhập là hoạt động do cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện theo quy định của pháp luật để biết rõ về tài sản, thu nhập, biến động về tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai, nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.
Về phương thức kiểm soát tài sản, thu nhập, có các phương thức như: nghiên cứu bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; theo dõi biến động về tài sản, thu nhập thông qua phân tích, đánh giá thông tin từ bản kê khai hoặc từ các nguồn thông tin khác; xác minh tài sản, thu nhập.
Về nguyên tắc, hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập phải bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng; được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; không xâm phạm quyền tài sản của người có nghĩa vụ kê khai…
Ông Tuấn cũng cho biết, theo quy định pháp luật, những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân, quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; phó phòng và tương đương trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước…
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cần phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình; tài sản, thu nhập của vợ (chồng); tài sản của con chưa thành niên.
Về tài sản, thu nhập phải kê khai, theo quy định pháp luật, các loại tài sản này bao gồm: quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.
Theo số liệu của cơ quan chức năng về kiểm soát tài sản, thu nhập, trong năm 2024, đã có 31.671 người kê khai lần đầu; 470.395 người đã kê khai tài sản, thu nhập hàng năm; 43.782 người đã kê khai tài sản, thu nhập bổ sung; 94.507 người kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 592.353 người đã được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
Về trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, ông Tuấn cho biết, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cần phải kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng tài sản, thu nhập theo mẫu; gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng mình.
Về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai, theo quy định pháp luật, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu một số vướng mắc trong công tác kê khai tài sản, thu nhập về một số nhóm nội dung như: các mẫu bản kê khai lần đầu, kê khai hàng năm, kê khai phục vụ công tác cán bộ chưa thống nhất; xác định giá trị tài sản; cách thức kê khai chi tiết đối với từng loại tài sản, kê khai tổng thu nhập, kê khai biến động tài sản; công tác kiểm tra, xác minh… Những nội dung của các đại biểu hỏi đã được đại diện Thanh tra Chính phủ trao đổi lại và trả lời một cách cụ thể.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Ngày 04/12/2024, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 105-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW và tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Bộ Chính trị về công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về vai trò và ý nghĩa của kiểm soát tài sản, thu nhập đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thứ hai, nghiên cứu, rà soát để bổ sung hoàn thiện, cụ thể hóa quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập.
Thứ ba, tăng cường, kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý nghiêm các hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập. Định kỳ sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận theo chỉ đạo của Trung ương để đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện, qua đó kiến nghị điều chỉnh và có giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện.
Đánh giá Hội nghị đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ gửi lời cảm ơn trân trọng đến đồng chí Nguyễn Văn Tuấn đã thông tin, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện trách nhiệm kê khai tài sản, thu nhập, để người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, cũng như công chức, viên chức làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc về công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của KTNN tiếp thu, học tập và vận dụng vào thực tế để kê khai tài sản “trung thực, đầy đủ, rõ ràng”.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị sau Hội nghị này, các công chức, viên chức, kiểm toán viên cần tiếp tục nghiên cứu kỹ tài liệu và những kiến thức đã được hướng dẫn tại Hội nghị để vận dụng, thực hiện và rút kinh nghiệm trong thực tiễn công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập trong thời gian tới./.