Hướng dẫn nhà đầu tư lập đề xuất dự án metro tốc độ 250 km/giờ đi huyện Cần Giờ

Trước đề xuất của Tập đoàn Vingroup về tham gia đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP Hồ Chí Minh với huyện Cần Giờ, Sở Giao thông công chánh TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị UBND Thành phố giao đơn vị liên quan hướng dẫn doanh nghiệp lập đề xuất, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này.

Hành khách đón tàu tại ga Rạch Chiếc (thành phố Thủ Đức) để về ga ngầm Nhà hát Thành phố (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Hành khách đón tàu tại ga Rạch Chiếc (thành phố Thủ Đức) để về ga ngầm Nhà hát Thành phố (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Theo đó, Sở Giao thông công chánh kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Tài chính chủ trì hướng dẫn nhà đầu tư thủ tục lập đề xuất dự án tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm TP Hồ Chí Minh với huyện Cần Giờ theo hình thức đối tác công tư (PPP); đồng thời tham mưu UBND Thành phố xem xét, quyết định giao nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Sở Giao thông công chánh TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua, Tập đoàn Vingroup có công văn đề xuất đầu tư đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm TP Hồ Chí Minh với huyện Cần Giờ theo hình thức Hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).

Tuyến có tổng chiều dài 48,5 km đi trên cao, có 2 ga (ga đầu cuối là ga Tân Phú và ga Cần Giờ), 1 depot dự kiến đặt tại khu đất 39 ha (huyện Cần Giờ) và 1 depot đặt tại khu đất 20 ha (Quận 7). Dự án sẽ xây dựng đường đôi, khổ 1.435 mm/đường, hạ tầng thiết kế với tốc độ 250 km/giờ; đáp ứng năng lực chuyên chở từ 30.000 - 40.000 người/hướng mỗi giờ.

Tuyến xuất phát từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man), tuyến đi theo giải phân cách giữa đường Nguyễn Văn Linh.

Khi đến nút giao với đường Nguyễn Lương Bằng, tuyến rẽ trái và đi giữa theo đường Nguyễn Lương Bằng, đường 15B, đường D1, vượt Rạch Đĩa sang khu tái định cư Hồng Lĩnh - Nhà Bè; sau đó đi thẳng theo đường số 11 khu tái định cư Vạn Phát Hưng - Nhà Bè.

Sau khi vượt sông Soài Rạp, tuyến đi song song với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến đường Rừng Sác thì rẽ phải và đi bám theo đường Rừng Sác đến cuối tuyến.

Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, Cần Giờ là một trong 5 đô thị vệ tinh của Thành phố. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (đường sắt đô thị) có nội dung nghiên cứu phát triển tuyến tiềm năng kết nối với Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ; cụ thể là tuyến số 12 có điểm đầu tại Quận 7 và điểm cuối tại Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Theo định hướng của TP Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ được xây dựng và phát triển trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường; trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển nhanh…

Sở Giao thông công chánh TP Hồ Chí Minh cho biết, theo quy hoạch và định hướng phát triển trên, việc đề xuất tham gia nghiên cứu sơ bộ phương án đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm TP Hồ Chí Minh với huyện Cần Giờ của Tập đoàn Vingroup là có cơ sở xem xét.

Tiến Lực (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/huong-dan-nha-dau-tu-lap-de-xuat-du-an-metro-toc-do-250-kmgio-di-huyen-can-gio-20250326154334816.htm