Hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh và say nắng, say nóng mùa Hè

Mùa hè – thu, thời tiết nóng, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh truyền nhiễm và côn trùng truyền bệnh phát triển, dễ phát sinh dịch bệnh. Một số dịch bệnh có thể xảy ra như: Não mô cầu, sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, súm, quai bị, thủy đậu, nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống, tả, thương hàn, viêm não Nhật Bản…; không loại trừ sự quay trở lại của dịch Covid-19.

Mặt khác, bộ đội hoạt động với cường độ cao, trong điều kiện thời tiết nắng nóng rất dễ bị nhiễm dịch bệnh và say nắng, say nóng, nhất là đối với lực lượng chiến sĩ mới chưa thích nghi với môi trường hoạt động quân sự.

 Các biểu hiện khi say nắng, say nóng mùa hè.

Các biểu hiện khi say nắng, say nóng mùa hè.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè – thu, phòng, chống say nắng – say nóng, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, các đơn vị trong toàn quân cần tuyên truyền, hướng dẫn cho toàn thể quân nhân trong đơn vị các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống say nắng – say nóng.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm, nắm bắt diễn biến dịch bệnh tại địa phương đơn vị đóng quân. Chủ động phòng, chống dịch kịp thời không để dịch bệnh lây lan trong đơn vị, không để xảy ra tử vong do dịch. Chú trọng dịch bệnh trong nhóm chiến sĩ mới đang huấn luyện. Áp dụng có hiệu quả các biện pháp phòng, chống say nắng – say nóng cho bộ đội. Chú trọng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch không đặc hiệu; thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học trong đơn vị và của mỗi cá nhân. Luyện tập với cường độ tăng dần để bộ đội dần thích nghi với hoạt động quân sự và điều kiện thời tiết.

Đối với trường hợp nhiễm não mô cầu

Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm để điều trị kịp thời ca não mô cầu, không để tử vong do não mô cầu. Tất cả những trường hợp có sốt phải được theo dõi chặt chẽ, những trường hợp sốt ≥ 38 độ C phải chuyển đến bệnh xá điều trị. Những trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn não mô cầu hoặc có hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc, diễn biến nặng, nhanh (mệt lả, ý thức lơ mơ hoặc vật vã kích thích…) phải dùng sớm kháng sinh phổ rộng, đường tiêm (tốt nhất là Cephalosporin thế hệ III, có thể phối hợp với một kháng sinh thuộc nhóm Quinolon). Chuyển ngay (có thể chuyển vượt tuyến) về bệnh viện tuyến cao nhất, gần nhất. Nếu bệnh nhân nặng không có chỉ định chuyển, báo cáo quân y cấp trên và Cục Quân y để được chỉ đạo, hỗ trợ về hồi sức, điều trị và vận chuyển.

Đơn vị khi có ca bệnh cần tổ chức cách ly, khử trùng bề mặt, khử trùng không khí bằng Chloramin B toàn bộ khu vực phòng ở, phòng làm việc của bệnh nhân bị não mô cầu, điều trị dự phòng bằng Azithromycine cho các trường hợp tiếp xúc gần.

Điều trị dự phòng bằng Azithromycine liều duy nhất 500mg cho 100% chiến sĩ, 100% quân nhân trực tiếp quản lý và làm việc với chiến sĩ. Thời điểm uống: Sau khi kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới, trước khi biên chế về các đơn vị.

Đối với dịch bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa

Biện pháp hàng đầu là phải “Ăn chín – Uống sạch”, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, nguồn thực phẩm sạch và rõ nguồn gốc.

Các đơn vị phối hợp cùng cơ quan quân nhu, thường xuyên kiểm tra vệ sinh tại các bếp ăn tập thể, căng tin, khu vực chế biến, giết mổ tập trung của đơn vị. Thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, về chế độ kiểm thực 3 bước và lưu nghiệm mẫu thức ăn hằng ngày theo quy định. Tuyệt đối không ăn các món ăn từ thịt không nấu chín (tiết canh, món tái, nem chạo, nem chua). Không được sử dụng thực phẩm đã bị ôi thiu, thịt gia súc, gia cầm ốm chết. Thường xuyên thu dọn xử lý rác thải và diệt ruồi.

Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên nấu ăn phải được trang bị kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm và định kỳ kiểm tra sức khỏe theo quy định. Nhân viên quân y thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của bộ đội. Định kỳ báo cáo người chỉ huy đơn vị để lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.

Đối với bệnh sốt xuất huyết Dengue

Các đơn vị cần thường xuyên tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy; khai thông cống rãnh, không để ổ nước đọng trong doanh trại, phát quang xung quanh nhà, thả cá ăn bọ gậy tại các bể chứa nước. Phòng chống muỗi đốt, mặc quần, áo dài khi đi công tác, lao động, nằm màn, võng màn tẩm hóa chất, dùng kem xoa chống muỗi đốt, phun hóa chất và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác.

Chẩn đoán và điều trị theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22-8-2019 của Bộ Y tế và Công văn số 927/QY-YHDP ngày 13-4-2022 của Cục Quân y. Trong quá trình điều trị phải khám xét tỉ mỉ, theo dõi sát để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo để có biện pháp xử lý kịp thời, không để diễn biến nặng và tử vong.

Phòng chống say nắng – say nóng

Quân y các cấp thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống say nắng – say nóng; tham mưu cho chỉ huy đơn vị bố trí hợp lý vị trí, thời gian, cường độ luyện tập, thời gian nghỉ ngơi; phải cung cấp đủ nước uống cho bộ đội nhất là khi huấn luyện bên ngoài doanh trại.

Đồng thời, hướng dẫn cho bộ đội nhận biết được các biểu hiện của say nắng – say nóng, cách dự phòng và cứu chữa (tài liệu “Phòng chống tác động do nắng – nóng đến sức khỏe” Cục Quân y đã cấp). Quân y đơn vị chuẩn bị đầy đủ trang bị, thuốc cấp cứu, thành thục kỹ thuật cấp cứu say nắng – say nóng (huấn luyện và sử dụng đúng lều cấp cứu say nắng – say nóng, theo tài liệu và đĩa CD đi kèm). Hạn chế việc bộ đội bị say nắng – say nóng, không để xảy ra tử vong.

Quân y các cấp cần thực hiện nghiêm quy định về việc báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình mắc bệnh truyền nhiễm. Khi phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch phải nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống và báo cáo ngay quân y cấp trên, Cục Quân y để nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/y-te/suc-khoe-tu-van/huong-dan-phong-chong-dich-benh-va-say-nang-say-nong-mua-he-725002

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/575364-huong-dan-phong-chong-dich-benh-va-say-nang-say-nong-mua-he.html